Ngày 25-7, Thành ủy TP HCM tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị (khóa X) "Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học - nghệ thuật trong thời kỳ mới".
Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM; bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND thành phố; ông Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố; ông Dương Anh Đức, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố; ông Phạm Quang Bản, Phó Vụ trưởng, Phó trưởng Cơ quan Thường trực khu vực miền Nam - Ban Tuyên giáo Trung ương; cùng đông đảo văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa - nghệ thuật của thành phố.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, trao bằng khen cho đại diện các tập thể
Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức, với quan điểm đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa nhằm phát huy các nguồn lực xã hội để phát triển văn học - nghệ thuật, thành phố đã tạo điều kiện để các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa hoạt động sáng tạo và có sự quản lý của nhà nước chặt chẽ, qua đó các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa đã mang đến cho công chúng thành phố những sản phẩm văn hóa - nghệ thuật đáp ứng được nhu cầu giải trí lành mạnh cho người dân, một số chương trình do các doanh nghiệp nghệ thuật thực hiện thu hút công chúng và tạo được ấn tượng tốt.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Dương Anh Đức cũng thẳng thắn nhìn nhận còn một số hạn chế như: "Tác phẩm văn học - nghệ thuật ngày càng nhiều song còn ít tác phẩm văn học - nghệ thuật lớn, tầm cỡ và giá trị. Chế độ, chính sách cho văn nghệ sĩ chưa phù hợp, chưa tạo được sức hút, "giữ chân" các tài năng. Công tác đào tạo đội ngũ văn nghệ sĩ còn nhiều bất cập, nhất là những bộ môn truyền thống…".
NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM, cho biết ngay sau khi Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 kết thúc, Sở Văn hóa - Thể thao đã trình UBND TP HCM "Đề án phát triển các ngành công nghiệp văn hóa TP HCM đến năm 2035" trên cơ sở phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM. Đề án được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện, cơ hội tốt và là nguồn sinh khí quan trọng tạo nên những bứt phá trong việc đóng góp vào tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP), tạo đà phát triển so với các nước trong khu vực châu Á như Thái Lan, Hàn Quốc…, cũng như thúc đẩy việc hợp tác phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng trên trường quốc tế, đồng thời khai thác và quảng bá được những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc và đặc trưng của thành phố.
Ngoài ra, Nghị quyết 98 cũng cho phép TP HCM được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công - tư trong lĩnh vực văn hóa và thể thao. Sở Văn hóa - Thể thao đã tham mưu UBND TP HCM ban hành Kế hoạch triển khai đầu tư theo phương thức đối tác công - tư đối với 30 dự án, dự kiến thí điểm 3 dự án. Đây cũng là phương thức của công nghiệp văn hóa theo hướng xã hội hóa đầu tư để phát triển lĩnh vực văn hóa và thể thao.
"TP HCM sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình đầu tư công để kích cầu đầu tư xã hội hóa, thiết thực hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước" - NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết.
Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải bày tỏ: "Với sự đồng tâm hiệp lực của hệ thống chính trị thành phố, của đội ngũ các văn nghệ sĩ tâm huyết, trách nhiệm, tài năng, lãnh đạo thành phố tin tưởng rằng lĩnh vực văn học - nghệ thuật, văn hóa, thể thao trong thời gian tới sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ, là động lực để TP HCM đạt được những thành tựu mới".
Nhân dịp này, TP HCM đã trao tặng bằng khen cho 21 tập thể và 37 cá nhân đạt nhiều thành tích trong việc thực hiện Nghị quyết 23.
Bình luận (0)