Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP HCM đã báo động về nguồn diễn viên kế cận đang ngày càng cạn kiệt. Hầu như không còn người trẻ theo nghề hát bội. Tương tự, múa bóng rỗi cũng không tìm ra lớp hậu thế.
Rào cản cơ chế
Chẳng ai sống được với các loại hình nghệ thuật truyền thống kén khán giả trong thời buổi cạnh tranh giải trí khốc liệt này nên chọn vào đoàn công lập, hưởng lương viên chức là giải pháp giúp nghệ sĩ ổn định cuộc sống để theo đuổi đam mê nghề.
Thế nhưng, rào cản cơ chế không cho họ có được chọn lựa này. Hiện tại 4 diễn viên trẻ của Nhà hát Hát bội TP HCM không thể thi vào công chức, viên chức do chưa có bằng cấp theo quy định.
Dư luận thời gian qua bức xúc việc các nghệ sĩ của nhiều lãnh vực sân khấu truyền thống, gồm: hát bội, cải lương, chèo, dân ca bài chòi, múa bóng rỗi… có tài năng nhưng chưa được công nhận kết quả xét tuyển đặc cách viên chức do thiếu bằng cấp chuyên môn, chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành biểu diễn nghệ thuật.
Điều này dẫn đến tâm trạng lo lắng trong giới nghệ sĩ đã gắn bó với nghề khá lâu. NSƯT Trọng Phúc (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) được biết đến là ngôi sao sân khấu cải lương, từng đoạt nhiều huy chương vàng tại các cuộc thi chuyên nghiệp. Sau khi thi sát hạch về chuyên môn nghiệp vụ, anh được đưa vào danh sách xin công nhận kết quả xét tuyển đặc cách viên chức nhưng anh chưa được công nhận bởi thiếu bằng cấp chuyên môn.
Nguyện vọng của NSƯT Trọng Phúc cũng như nhiều diễn viên các bộ môn nghệ thuật truyền thống là được trở thành viên chức để an tâm cống hiến.
NSƯT Hữu Danh giới thiệu về cách hóa trang của các nghệ sĩ hát bội tại buổi giao lưu với sinh viên Trường ĐH KHXH-NV TP HCM
NSND Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM - cho biết: "Hiện quy định mới đòi hỏi nghệ sĩ phải trở thành viên chức thì nhà hát mới có đánh giá xếp bậc lương, chế độ. Nếu sử dụng nghệ sĩ không phải viên chức, nhà hát phải trả lương bằng nguồn thu ngoài ngân sách, đó là rào cản khiến các nghệ sĩ lo âu. Đây cũng là lỗ hổng lớn của công cuộc bảo tồn nghệ thuật truyền thống khi vướng vào những quy định cứng nhắc".
Với nghệ thuật truyền thống nhiều thập niên qua các thế hệ nghệ sĩ đều đào tạo bằng phương pháp truyền nghề. Đa số học nghề từ khi còn rất nhỏ. Quy định phải có bằng cấp để xét tuyển viên chức là không thể thực hiện được, vì tài năng nghệ thuật không thể đợi đến 18 tuổi để thi vào các trường nghệ thuật chuyên ngành sau đó mất 4 năm học mới ra làm nghề. Trên thực tế, các loại hình nghệ thuật truyền thống có nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân 15, 16 tuổi đã đứng ở vai trò đào, kép chánh, nghệ nhân chính.
"Lâu nay Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM không có ngành đào tạo diễn viên hát bội vì không ai theo học. Vậy thì muốn có bằng cấp là điều không thể? Tôi được biết nguồn diễn viên trẻ của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP HCM chủ yếu là con em nghệ sĩ, được truyền nghề, đào tạo tại gia. Nhà nước phải có chế độ đặc cách, không áp dụng quy định phải có bằng cấp trong xét tuyển viên chức thì mới có đội ngũ diễn viên kế thừa" - đạo diễn Lê Diễn, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, nêu quan điểm.
Phải thắp đuốc tìm tài năng
Bộ môn nghệ thuật truyền thống đang có nguy cơ xóa sổ vì vắng người trẻ học nghề là múa bóng rỗi.
Dù là nghi lễ thờ cúng, múa bóng rỗi đã tạo sức hút mãnh liệt với công chúng nhiều thế hệ nhờ sự hòa quyện giữa âm nhạc và giọng hát rỗi điêu luyện của các nghệ nhân. Bộ môn này vừa mang yếu tố tâm linh vừa mang tính giải trí, gắn liền với nghi lễ thờ cúng đình, miễu ở Nam Bộ.
Nghệ nhân múa bóng rỗi Lý Thị Năm (Cái Bè, Tiền Giang) cho biết để trở thành một nghệ nhân lành nghề, bà theo nghề từ năm 8 tuổi, phải học qua 7 người thầy. Bà nói: "Thực tế người trẻ có đam mê, ban đầu theo học nhưng thu nhập quá thấp đã dần bỏ nghề".
"Nếu không có chế độ đãi ngộ kịp thời để các nghệ nhân truyền nghề, thì bộ môn này sẽ bị xóa sổ theo thời gian" - tiến sĩ Mai Mỹ Duyên nói.
NSND Trần Minh Ngọc cho rằng nghệ sĩ, nghệ nhân hiện vẫn giữ được bầu nhiệt huyết. Nếu không sớm có chủ trương, chiến lược đầu tư nguồn nhân lực cho hát bội, cải lương, múa bóng rỗi thì những bộ môn nghệ thuật này sẽ mai một trong tiếc nuối.
Đạo diễn Lê Diễn cho rằng tuyển sinh cho các bộ môn nghệ thuật truyền thống là phải đi tìm tài năng.
Theo đạo diễn Lê Diễn, việc ngồi một chỗ tuyển sinh và ngay cả với cách làm của các nhà hát nghệ thuật truyền thống hiện nay cũng không ổn. Phải đi vào các vùng sâu, vùng xa, nơi có những đoàn hát bội tư nhân, các nhóm đờn ca tài tử, các nhóm hát múa bóng rỗi để chọn lọc và tuyển dụng. Cần có chủ trương tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc trong quá trình đào tạo, tuyển dụng.
Trong quá trình đổi mới, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, thách thức lớn đối với nghệ sĩ nghệ thuật truyền thống chính là việc truyền nghề. Nếu không đặt việc bảo tồn nghệ thuật truyền thống lên hàng đầu, xem đó là vấn đề then chốt thì sẽ mất tất cả những bộ môn nghệ thuật truyền thống mà dân tộc ta bao đời đã gìn giữ.
Cần được nhìn nhận đúng giá trị
Tiến sĩ Lê Hồng Phước cho rằng đã đến lúc lập hồ sơ để xét công nhận múa bóng rỗi là di sản văn hóa phi vật thể. Từ đó, nhà nước có sự quản lý và đầu tư xứng đáng, đặc biệt ở việc truyền nghề và giảng dạy cho lớp trẻ. Ông cũng chỉ ra hiện tượng biến tướng của nghệ thuật múa bóng rỗi vẫn đang tràn lan, công tác chấn chỉnh quản lý vẫn chưa được tăng cường. Việc khen thưởng, trao tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú cho nghệ thuật múa bóng rỗi cũng quá chậm. Từ năm 2015 đến nay, sau nghệ nhân Tư Trầu, Minh Hùng và Út Song được trao tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, vẫn chưa có thêm nghệ nhân nào được xem xét trao tặng danh hiệu. "Bao giờ múa bóng rỗi được nhìn nhận đúng giá trị và có kế hoạch bảo tồn như hầu đồng của miền Bắc thì sẽ mang lại niềm tin cho các nghệ nhân" - tiến sĩ Lê Hồng Phước nói.
Bình luận (0)