Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học - nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam (Đề án) vừa được Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu của Đề án là giới thiệu, quảng bá chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước và di sản văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam với thế giới, đồng thời phản bác âm mưu "diễn biến hòa bình" trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng.
Cho ra đời hàng ngàn công trình, tác phẩm
Nằm trong chiến lược góp phần củng cố và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và khối đại đoàn kết dân tộc, Đề án đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các nghệ sĩ, nghệ nhân nổi tiếng trong cộng đồng các dân tộc.
Đề án sẽ khảo sát, điều tra, nghiên cứu, sưu tầm, xây dựng hệ thống tư liệu, sáng tạo, xuất bản, phát hành và quảng bá các công trình văn học - nghệ thuật về các dân tộc thiểu số Việt Nam dưới dạng sách in, sách điện tử (ebook), sách 3D, các phim tài liệu, phim chuyên đề và hệ thống thư viện số.
Cụ thể, Đề án sẽ tổ chức biên tập, biên soạn và phát hành khoảng 1.500 công trình, tác phẩm được chọn lọc từ kho tài liệu hơn 2.500 tác phẩm, công trình đã được nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác; xuất bản 1.500 sách điện tử được chuyển từ 1.500 tác phẩm, công trình sách in đã xuất bản nêu trên nhưng phải bảo đảm dễ dàng, thuận lợi sử dụng, truy cập trên máy tính để bàn và trên các thiết bị điện tử cầm tay với hệ điều hành phù hợp, thông dụng.
NSND Đinh Bằng Phi và các học trò trong buổi giao lưu giới thiệu về nghệ thuật hát bội qua tranh vẽ của sinh viên TP HCM
"Theo tôi được biết, Đề án sẽ xây dựng bộ sách gồm 54 sách 3D của 54 dân tộc, giới thiệu về những đặc trưng của từng dân tộc, ngôn ngữ, địa bàn cư trú, phân bố dân cư, hoạt động nghề nghiệp... Đây là một tín hiệu tích cực. Một khi có sự liên kết chặt chẽ sẽ tạo hiệu ứng đồng bộ để quảng bá, trong đó có nghệ thuật hát bội" - NSND Đinh Bằng Phi phấn khởi.
Tất cả sản phẩm của Đề án gồm: sách điện tử, sách 3D, phim tài liệu, phim chuyên đề... sẽ được số hóa, hệ thống hóa và cung cấp trong thư viện giúp người đọc dễ dàng xem và truy cập dữ liệu một cách tốt nhất, nhanh nhất và khoa học nhất. Các nghệ sĩ cao niên đều quan ngại đến giáo trình truyền đạt kỹ năng thực hành. NSND Út Tỵ (TP HCM) nói: "Phương pháp bảo tồn và phổ biến văn học - nghệ thuật tiêu biểu của các dân tộc thiểu số là một trong những chuyên đề chậm mà chắc. Tôi kỳ vọng sau nhiều đợt tập huấn, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ khẳng định được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động văn học - nghệ thuật; tạo đà cho sự phát triển văn học - nghệ thuật; nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ, phát huy khả năng sáng tạo của văn nghệ sĩ".
Còn nhiều trăn trở
Nghệ sĩ nhiều lĩnh vực trong cả nước hào hứng trước tín hiệu mới của Đề án khi được chung sức quảng bá, phát huy những giá trị sáng tạo. Tuy nhiên, vẫn còn một số băn khoăn về chiến lược của Đề án.
TP HCM là địa phương duy nhất có Hội đồng Lý luận phê bình văn học - nghệ thuật, quy tụ được nhiều văn nghệ sĩ tiêu biểu, chuyên gia đầu ngành có năng lực chuyên môn và giàu kinh nghiệm. Tuy nhiên, khi hoạch định kế hoạch khảo sát đời sống văn học - nghệ thuật của các dân tộc thiểu số tại TP và khu vực phía Nam dường như vẫn chưa có sự liên kết để lắng nghe ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm về phương thức bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học - nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Nhà giáo Nhân dân Hà Quang Văn đã từng trăn trở nghệ thuật Dù kê của người Khmer ở ĐBSCL nói chung, ở Sóc Trăng nói riêng, là bộ môn nghệ thuật độc đáo lưu giữ những bài bản dân ca, dân vũ Khmer cơ bản, đơn giản, dễ nhớ, như các điệu múa: Lâm thol, Saravan, Lâm lêv… "Đặc biệt, sân khấu Dù kê đã lưu giữ những giá trị đặc biệt của loại hình nghệ thuật quý, chính vì thế đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quyết định đưa nghệ thuật sân khấu Dù kê vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thế nhưng, bộ môn này sẽ bị mai một nếu không có giải pháp gìn giữ, phát huy, mà khởi điểm chính là khảo sát cho đúng thực tế, để đội ngũ văn nghệ sĩ được tham gia tích cực" - Nhà giáo Nhân dân Hà Quang Văn trăn trở.
Tương tự, NSƯT Út Son (Lê Văn Son) nói: "Múa bóng rỗi gặp nhiều bế tắc. Các đoàn khảo sát cần thâm nhập thực tế, sống và lưu diễn cùng chúng tôi thì mới vỡ ra nhiều điều trong việc lập kế sách bảo tồn, phát huy. Nghệ nhân cao niên dần qua đời, không sớm tổ chức truyền nghề sẽ mai một".
Trên thực tế, các nghệ nhân, nghệ sĩ của nhiều loại hình: sân khấu, âm nhạc, múa, văn hóa dân gian của dân tộc thiểu số cho rằng nghề của họ đang đứng trước nhiều thử thách trong thời kỳ mới nên cách tổ chức các đoàn khảo sát cần đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần tích cực xây dựng, phát triển nền văn học - nghệ thuật cả nước.
Ưu tiên tập huấn 4 chuyên đề lớn
Theo các nghệ sĩ, 4 chuyên đề được ưu tiên cho các lớp tập huấn gồm: "Vai trò của văn học - nghệ thuật trong sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới", "Kỹ năng viết và vấn đề tự do sáng tạo văn học - nghệ thuật hiện nay", "Phương pháp bảo tồn và phổ biến văn học - nghệ thuật tiêu biểu của các dân tộc thiểu số", "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phê bình văn học - nghệ thuật và tuyên truyền trong hệ thống xuất bản, báo chí".
Đó là những mục tiêu lớn của Đề án mà Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phối hợp chặt chẽ với Hội Văn học - Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Vụ Văn hóa dân tộc triển khai thực hiện. "Tôi tin tưởng với sự chuẩn bị chu đáo, các lớp tập huấn sẽ cung cấp những kiến thức, kỹ năng cho các nghệ sĩ dân tộc thiểu số. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực sáng tác chủ đề về các dân tộc thiểu số trong văn nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian" - NSND Trần Minh Ngọc nói.
Bình luận (0)