Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của chương trình là bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, các công trình có giá trị tiêu biểu quốc gia, có ý nghĩa chính trị, văn hóa, lịch sử, truyền thống đặc sắc, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam vì sự phát triển bền vững đất nước.
Ý thức của người dân
Di sản văn hóa - lịch sử là tài sản vô giá của mỗi quốc gia. Khi càng nhiều di sản bị xâm hại cũng có nghĩa là mỗi địa phương đang tự làm nghèo đi giá trị văn hóa. Nhiều năm qua, hiện tượng "mất bò mới lo làm chuồng" đã cho thấy mỗi khi có sự cố xảy ra các địa phương có di sản mới vội vàng tìm cách sửa sai và thường là đổ lỗi cho nhau.
"Thay vì đổ lỗi thì cần tìm phương pháp tốt nhất nhằm hạn chế tối đa thiệt hại; khắc phục ngay những sai lầm trong bảo tồn di sản, đó mới là ứng xử thông minh trước những giá trị bền vững và vô giá của di sản" - GS-TS Trần Quang Hải nhìn nhận.
Quần thể danh thắng Tràng An ở Ninh Bình (Ảnh: HỘI KHẢO CỔ VIỆT NAM)
Hiện cả nước có 8 di sản văn hóa, di sản thiên nhiên được UNESCO công nhận, bao gồm: Quần thể di tích Cố đô Huế, Vịnh Hạ Long, Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Thành nhà Hồ và Quần thể danh thắng Tràng An. Trọng tâm của chương trình là đầu tư tu bổ, tôn tạo tổng thể ít nhất 3 di sản đã được UNESCO ghi danh và 13 di tích quốc gia đặc biệt.
Theo PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái, sau đại dịch, ngành du lịch chưa thể khởi sắc, nguồn kinh phí để trùng tu các di sản gặp vô vàn khó khăn. Muốn bảo vệ kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh, công trình khảo cổ có giá trị đang bị xuống cấp rất cần ý thức của người dân từng địa phương.
Xâm hại di sản
Qua quá trình xã hội hóa, nhiều di tích được quy hoạch, tu bổ, tôn tạo, nhiều di sản đã trở thành sản phẩm du lịch - văn hóa mang tính đặc thù cao, tạo ra những tuyến du lịch hấp dẫn trước khi dịch Covid-19 bùng phát.
Sự phát triển này đã tạo được việc làm cho cộng đồng dân cư tại từng địa phương, nâng cao đời sống của người dân nơi có di tích và lễ hội như: Di tích lịch sử quốc gia Đền Mẫu Âu Cơ, Đền Du Yến, Lễ Vía Bà Chúa Xứ - Châu Đốc, Ngày giỗ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực - Kiên Giang…
Tuy nhiên, tình trạng tự ý xây dựng công trình kiến trúc mới, chiếm dụng làm phá vỡ cảnh quan, môi trường di sản vẫn diễn ra. Điển hình như vụ việc công trình Hương Nghiêm pháp đường cao 2 tầng, 1 gác mái ở di tích quốc gia chùa Hương xây dựng khi chưa có phép. Chùa Một Mái, Am Dược, vườn tháp Huệ Quang là những công trình quan trọng của di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử (Quảng Ninh) cũng được xây mới hoàn toàn, phá bỏ những kiến trúc cổ.
PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ Việt Nam, cho rằng việc trùng tu, tôn tạo di tích được thực hiện một cách tùy tiện, tự phát, không tham khảo ý kiến của các nhà khoa học và cộng đồng đã để lại nhiều bài học đắt giá về cách thức ứng xử với di sản của các đơn vị có liên quan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị di sản. Chưa kể nhiều không gian di sản hiện nay bị nhiều hộ dân ở một số địa phương có di sản chiếm dụng, gây mất mỹ quan.
Ngoài ra, với mục tiêu phát triển nhanh ngành du lịch, một vài địa phương đã khai thác tối đa giá trị kinh tế của di sản khiến nhiều điểm tham quan di tích quá tải, lộn xộn. Lễ phát ấn Đền Trần (Nam Định), Lễ hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội), Lễ hội cướp phết (Hiền Quan, Phú Thọ)… với cảnh chen chúc, giẫm đạp nhau của người tham gia lễ hội đã làm mất đi tính thiêng liêng của lễ hội.
Do ý thức bảo vệ tài sản công cộng chưa cao nên ở hầu hết các di sản tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng; nạn mất trộm, mua bán cổ vật diễn ra phức tạp. Tính từ cuối năm 2015 đến nay, có gần 20 ngôi chùa trên cả nước bị kẻ gian đột nhập lấy cắp cổ vật.
Cách làm du lịch hiện nay còn thiếu chuyên nghiệp, đội ngũ hướng dẫn viên còn mỏng, sự hiểu biết về lịch sử, giá trị di sản còn hạn chế nên việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thông qua các di sản văn hóa chưa hiệu quả.
"Đây cũng là hình thức "xâm hại" đến giá trị cốt lõi của di sản, khi mà sự quảng bá chưa chuẩn. Cần đưa ngay vào học đường bộ môn bảo vệ và tự hào về di sản, để giới trẻ hiểu và nâng niu, gìn giữ" - PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái nêu ý kiến.
Bình luận (0)