Ông Bầu Xuân tên thật là Diệp Nam Thắng, sinh năm 1927 tại Sài Gòn. Ông là ông bầu đoàn cải lương nổi tiếng với hơn 50 năm gắn bó với sân khấu.
Thuở nhỏ ông học ở trường Phú Lâm, nhà nghèo, vừa đi học vừa đội bánh bò đi bán. Thời gian sau, cha ông kinh doanh dầu ở Chợ Lớn trở nên phát đạt nên đã gởi ông sang Hồng Kông học tiếng Anh và tiếng Hoa đến hết trình độ trung học.
Ông bầu Xuân vừa qua đời
Năm 24 tuổi, ông trở về nước, được cha cho theo tàu chở hàng buôn Sài Gòn - Campuchia. Hai năm sau, ông trở về Sài Gòn thành lập Công ty Xuất nhập cảng Nam Hiệp Công Thương. Ông cũng là nhà thầu xây dựng và chủ hãng giấy Kiss Me.
"Hãng của Bầu Xuân có một nhà kho trên mảnh đất 1 mẫu ở Tham Lương, ngang hãng dệt Vinatexco. Lúc bấy giờ, Bầu Hiếu của đoàn Hoa Thủy Tiên gặp nguy nan vì đoàn Hoa Thủy Tiên rã gánh tại Bà Quẹo. Bầu Hiếu năn nỉ Bầu Xuân cho anh chị em đoàn hát dọn vào nhà kho ở tạm. Bầu Xuân bằng lòng và còn cung cấp gạo, tiền để nghệ sĩ sống tạm qua ngày. Mấy tháng sau, soạn giả Bạch Diệp, Minh Nguyên của đoàn gặp Bầu Xuân, đề nghị ông bỏ ra số tiền lập lại đoàn hát, để anh chị em nghệ sĩ hành nghề sinh sống, tốt hơn là cứ nuôi mãi. Bầu Xuân bằng lòng và bắt đầu làm bầu cải lương từ tháng 6-1962"- NSND Đinh Bằng Phi kể lại.
Theo hồi ức của NSND Ngọc Giàu, ban đầu, ông Bầu Xuân bỏ ra 300.000 đồng lúc bấy giờ để thành lập đoàn Hoa Mùa Xuân, khai trương vở diễn tại rạp Thuận Hóa, Sóc Trăng. Đoàn lưu diễn lần về Sài Gòn qua Vĩnh Long, Mỹ Tho nhưng đều thất bại, hết vốn. Bầu Xuân làm lại đoàn Hoa Mùa Xuân đợt mới với các nghệ sĩ: Tấn Tài, Như Ngọc..., diễn vở mới nhưng cũng thất bại.
"Lúc bấy giờ, nơi công ty nhiều người phản ứng, yêu cầu Bầu Xuân nghỉ, không làm đoàn hát nữa do ông mất nhiều thời gian, làm thiệt hại cho hãng thầu. Nhưng ông vẫn quyết tâm theo nghề bầu gánh, nhờ vậy đã gầy dựng một đoàn hát quy tụ nhiều nghệ sĩ tài danh, hầu như đều đoạt giải Huy chương vàng Thanh Tâm và được khán giả yêu mến" - NSND Ngọc Giàu kể lại.
Ông còn là người chủ trương đổi mới sân khấu cải lương nên đã mời các bậc thầy trong nghề như: NSND Năm Châu, Bảy Nhiêu, Ba Vân, soạn giả Thiếu Linh... họp bàn và đi đến quyết định thành lập đoàn Dạ Lý Hương.
Tất cả thành viên đoàn hát đều ký hợp đồng với số tiền tùy theo tên tuổi của nghệ sĩ và sự thỏa thuận của đôi bên. Khi mãn hợp đồng, họ được tặng thêm lợi tuất.
Đoàn Dạ Lý Hương ra đời năm 1963, là một đại ban vững mạnh. Giám đốc là Bầu Xuân, phó giám đốc đoàn là ông Nguyễn Văn Hiếu, giám đốc nghệ thuật là nghệ sĩ Ba Vân, đài trưởng là đạo diễn Hoàng Việt; soạn giả thường trực: Thiếu Linh, Hà Triều, Hoa Phượng.
Năm 1964, Dạ Lý Hương cải tiến, mời thêm những nghệ sĩ về như: Út Trà Ôn, Ngọc Bích, Hoàng Giang, Văn Chung, Bạch Tuyết, Hùng Cường. Sau này còn có soạn giả Viễn Châu về làm soạn giả thường trực. Đoàn cho ra đời những kịch bản xã hội ăn khách.
Đoàn Dạ Lý Hương có gần 5 năm hoạt động, đến năm 1968 thì tạm ngưng.
Đến tháng 10-1974, đoàn Dạ Lý Hương diễn vở hát cuối cùng tại rạp Quốc Thanh, có mặt nữ nghệ sĩ Thanh Nga. Đêm ấy chỉ có 300 khán giả đến xem, Thanh Nga từ chối không lãnh lương. Cô nói vì "khán giả chỉ có 300 người, ít lắm, nghệ sĩ lãnh lương kỳ quá"... Sau đó, đoàn Dạ Lý Hương giải thể sau 12 năm hoạt động.
Sau ngày đất nước thống nhất, Bầu Xuân thành lập lại đoàn Dạ Lý Hương (tỉnh Sông Bé). Đến năm 1978, Bầu Xuân dàn dựng vở "Kiều" trên sân khấu của ông. Đó cũng là vở diễn cuối cùng trong nghiệp làm bầu lừng danh của ông.
Thời gian sau này, ông gắn bó với các hoạt động từ thiện của NSND Phùng Há. Ông tham gia Ban Quản lý Chùa và Nghĩa trang Nghệ sĩ TP HCM. Tấm lòng của ông thật đáng kính trọng khi dành hết cuộc đời cho sân khấu.
Tang lễ của ông tổ chức tại tư gia sớ 20/2A đường Bùi Thị Xuân, p.3, quận Tân Bình, TP HCM.
Lễ động quan vào sáng 25-6.
Bình luận (0)