Suất diễn đầu tiên của vở nhạc kịch thiếu nhi lần đầu có ở Việt Nam mang tên "Bé chịu chơi", mở màn cuối tuần trước tại Nhà hát Bến Thành
(TP HCM) để lại nhiều ấn tượng với tinh thần lạc quan về một tương lai đầy triển vọng của nhạc kịch Việt. Mượn bối cảnh viễn tưởng để kể về câu chuyện mang tính thời sự, vở nhạc kịch "Bé chịu chơi" lấy đề tài đang được xã hội quan tâm là thực trạng thiếu nhi phải gánh chịu áp lực học tập nặng nề, nhắc nhở các bậc cha mẹ hãy cho con tuổi thơ trọn vẹn.
Câu chuyện xảy ra ở một thành phố u buồn màu xám, nơi những trẻ em như bé Tí Nị (nhân vật chính) bị cấm vui chơi và phải dành phần lớn thời gian cho việc học để trở thành những hình mẫu lý tưởng của xã hội mà bố mẹ mong đợi: bác sĩ, kỹ sư, nhà khoa học, tiến sĩ... Vở nhạc kịch đưa người xem cùng nhân vật tham gia chuyến hành trình kỳ thú, đầy kịch tính, đến nơi ở của trẻ em thành phố xám, bước vào thế giới trò chơi ngầm, được khám phá những trò chơi thú vị và trở về với đúng tuổi thơ vui tươi, tràn ngập tiếng cười của mình. Từ đây, hành trình chuyển đổi trong nhận thức của mẹ Tí Nị bắt đầu. Từ một bà mẹ luôn suy nghĩ rằng việc thúc giục con học chính là thể hiện tình yêu thương với con, mong con có một tương lai tươi sáng, mẹ Tí Nị đã nhận ra tầm quan trọng của vui chơi đối với sự phát triển của trẻ thơ và góp phần duy trì sự gắn kết giữa cha mẹ - con cái.
Cảnh trong vở nhạc kịch "Bé chịu chơi"
Vở nhạc kịch thiếu nhi lần đầu này không thật mạch lạc và cũng không mấy chuyên nghiệp so với những vở nhạc kịch lừng danh thế giới mà khán giả Việt dễ dàng thưởng thức thông qua phương tiện internet nhưng thể hiện tâm huyết và sự quyết tâm của ê-kíp thực hiện, gồm: nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, biên đạo múa Tấn Lộc của Arabesque và đạo diễn trẻ Nguyễn Khắc Duy ("linh hồn" của nhóm nhạc kịch Buffalo nổi tiếng hiện nay). Tham gia diễn xuất có diễn viên Cát Tường (diễn viên chính), nhóm nhạc kịch Buffalo và hơn 15 diễn viên nhí đáng yêu. Đạo diễn Nguyễn Khắc Duy cho hay: "Bé chịu chơi" là vở nhạc kịch đầu tiên có sự tham gia của các diễn viên nhí. Việc tuyển chọn diễn viên nhí không ngoài mục đích truyền tải nội dung câu chuyện và thông điệp một cách tự nhiên và chân thật nhất, bởi chính các em là người hiểu rõ tâm tư, tình cảm của mình nhất". Để có được vở diễn này, theo biên đạo Tấn Lộc, cả đội ngũ dành hẳn 1 tháng chỉ để tập luyện cho vở diễn. Nhạc kịch không mới nhưng ở Việt Nam, để ra mắt một vở nhạc kịch trọn vẹn không hề dễ dàng khi việc tìm kiếm diễn viên phải bảo đảm cả 2 yếu tố ca và diễn.
Một điểm nổi bật nữa của vở diễn là phần âm nhạc của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh. Không phải là những khúc ca giai điệu trúc trắc, đòi hỏi kỹ thuật, như trong các ca khúc sáng tác của anh gần đây, âm nhạc trong vở nhạc kịch "Bé chịu chơi" đơn giản, dễ thẩm thấu. 10 bài hát được sáng tác đo ni đóng giày cho vở diễn giúp các em lột tả hết tâm trạng của các nhân vật, làm tăng thêm phần đáng yêu của dàn diễn viên nhí.
Đây không chỉ là vở nhạc kịch thông thường mà còn là sự kết hợp của nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc trên sân khấu như xiếc, kịch tương tác; được đầu tư dàn dựng với quy mô hoành tráng từ sân khấu, vũ đạo đến âm nhạc cùng ê-kíp hùng hậu. Sân khấu được thiết kế đầy lung linh, huyền ảo với nhiều yếu tố màu sắc cuốn hút trẻ em.
Trong vai trò tổng đạo diễn chương trình, nghệ sĩ Tấn Lộc cho biết: ""Bé chịu chơi" là một trong những vở nhạc kịch thuần Việt hiếm hoi dành cho thiếu nhi hiện nay. Chúng tôi mong muốn sẽ tạo nên sắc màu mới lạ cho vở nhạc kịch này khi kết hợp các loại hình nghệ thuật hàn lâm – vốn còn khá xa lạ với đa phần trẻ em Việt. Vở nhạc kịch không chỉ gửi thông điệp thời sự đến các bậc cha mẹ mà tôi tin rằng nó còn là sản phẩm nghệ thuật đầy ý nghĩa, giúp nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ".
Vở được tiếp tục diễn vào ngày 14 và 15-10 tại Nhà hát Bến Thành; vào các ngày 21, 22, 28 và 29-10 tại nhà hát Âu Cơ (Hà Nội).
Bình luận (0)