Chiều tối 22-9, tại TP HCM, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị - hội thảo chủ đề "Triển khai Luật Điện ảnh, đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh và dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP".
Ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phát biểu tại hội nghị
PGS - TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, bày tỏ sự băn khoăn về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh sẽ do đơn vị nào quản lý, việc quản lý sẽ như thế nào.
Bà Ngô Thị Bích Hiền, Phó Tổng Giám đốc Công ty BHD, cho biết nếu nguồn ngân sách của quỹ vẫn quyết định trích 3% từ doanh thu bán vé của các phim nhập khẩu chiếu rạp tại Việt Nam thì rất khó. Bởi sau đại dịch, các rạp phim vẫn trong tình trạng khó khăn nên xin nhà nước cho phép chưa thể đóng góp cho quỹ dù rất mong muốn điện ảnh Việt có một quỹ hỗ trợ, thúc đẩy phát triển chung.
Phim phổ biến trên không gian mạng sẽ được hậu kiểm nhưng cũng có những quy định cần phải tuân thủ và cũng cần thời gian chuẩn bị để có thể đáp ứng theo quy định
"Hội đồng phân loại phim chiếu trên mạng nếu không có tiêu chí cụ thể mỗi nơi sẽ làm theo mỗi cách khác nhau. Thời lượng phát sóng phim truyện Việt Nam đạt ít nhất 30% so với tổng thời lượng phát sóng phim của mỗi đài truyền hình cũng gây ra khó khăn bởi số lượng phim hiện nay không nhiều. Tôi nghĩ cần phải có thời gian "chuyển tiếp" từ 6 tháng đến 1 năm để chuẩn bị đủ về kỹ thuật lẫn nguồn nhân lực thực hiện theo những quy định mới" – ông Đoàn Đức Dương, đại diện của VieOn, nói.
Ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi nhận tất cả các ý kiến đóng góp của đại biểu và kỳ vọng tiếp tục nhận được sự góp ý để ban soạn thảo nghiên cứu đưa vào dự thảo. Vào tháng 11, dự thảo sẽ được trình Chính phủ xem xét thông qua. Luật Điện ảnh sửa đổi có hiệu lực từ tháng 1-2023.
Theo dự thảo, phim phổ biến trên không gian mạng sẽ được quản lý bằng hình thức hậu kiểm. Cụ thể, nhà sản xuất, phát hành phim phải có hội đồng phân loại phim với các thành viên đủ năng lực để thực hiện việc phân loại theo quy định. Sau khi phân loại thì báo cáo kết quả cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ sẽ kiểm tra tính xác thực, đăng tải công khai tên doanh nghiệp trên cổng thông tin và cấp quyền truy cập hệ thống dữ liệu về phân loại phim.
Tỉ lệ suất chiếu phim truyện Việt Nam bảo đảm đạt ít nhất 25% tổng số suất chiếu trong năm. Phim truyện Việt Nam được ưu tiên chiếu vào khung thời gian từ 8 đến 22 giờ. Thời lượng phát sóng phim truyện Việt Nam đạt ít nhất 30% so với tổng thời lượng phát sóng phim của mỗi đài truyền hình.
Về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, các nguồn của quỹ dự kiến là nhà nước hỗ trợ vốn ban đầu khi mới thành lập từ nguồn ngân sách sự nghiệp văn hóa; huy động đóng góp tự nguyện, tài trợ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và các nguồn thu nhập hợp pháp khác; trích 3% từ doanh thu bán vé của các phim nhập khẩu chiếu rạp Việt Nam, 3% từ phí thẩm định và phân loại phim; 1% từ thuê bao của phim phổ biến xuyên biên giới; 0,05% tiền thuê bao của truyền hình trả tiền; 0,5% doanh thu từ hoạt động quảng cáo trong chương trình phim chiếu trên truyền hình; 5% phí hậu kiểm.
Bình luận (0)