Di tích lịch sử - văn hóa Lê Thì Hải (tại xã Thọ Phú, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) được UBND tỉnh Thanh Hóa ký quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh vào năm 1993 nhưng bị lãng quên hàng chục năm qua, hiện nằm trong khuôn viên nhà dân khiến ai cũng thấy xót xa.
Bị lãng quên suốt 30 năm
Theo sử cũ, Lê Thì Hải (1639-1716) được người bác là Lê Thì Hiến (1610-1675) làm quan chức Thái tể, tước Hào Quận công (sau còn được gia phong đến tước vương) nuôi dạy nên người. Lớn lên ông lập nhiều chiến công hiển hách, uy danh lừng lẫy. Ông qua đời năm Bính Thân (1716) niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 12, đời vua Lê Dụ Tông, phong tặng hàm Thái phó, thụy hiệu Hùng Tuấn.
Sau khi ông mất, để tưởng nhớ công lao, triều đình đã cho xây dựng lăng mộ và lập đền thờ ông tại quê nhà thôn Đông, xã Phú Hào, huyện Lôi Dương (nay là xã Thọ Phú, huyện Triệu Sơn). Tuy nhiên, do thời gian và biến cố lịch sử, khu đền thờ và di tích đã bị tàn phá, hiện chỉ còn lại 2 tấm bia cổ.
Mặc dù được công nhận di tích cấp tỉnh từ năm 1993 nhưng 30 năm qua di tích Lê Thì Hải đang bị lãng quên, không được quan tâm, bảo vệ đúng mức. Tận mắt chứng kiến di tích này ai cũng không khỏi xót xa khi một tấm bia vẫn nằm trong vườn nhà dân, cạnh khu chăn nuôi gia súc. Tấm bia còn lại thì được "trưng dụng" làm tường rào.
Bia đá ghi công trạng các vị tướng họ Lê thời Lê Trung Hưng được “trưng dụng” làm hàng rào nhà dân. Đây là một trong những tấm bia lớn còn tương đối nguyên vẹn và được đánh giá là một trong những tấm bia đẹp nhất
Bà Bùi Thị Tuyết, Trưởng Phòng Quản lý Di sản văn hóa (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa), cho biết 2 tấm bia cổ tại di tích Lê Thì Hải có giá trị lớn về văn hóa và điêu khắc. Trong đó, tấm bia lớn (hiện là tường rào nhà dân) được ghép từ 6 tấm đá xanh, rộng khoảng 5 m, cao 1,65 m, dày 0,31 m được khắc chữ Hán Nôm 2 mặt. Nội dung mặt trước của bia ghi công trạng của tướng Lê Thì Hải và các danh tướng thời Lê, mặt sau ghi khoán ước (hương ước) giao cho các làng trong vùng chuẩn bị lễ vật tổ chức thờ cúng hằng năm.
Tấm bia còn lại cao khoảng hơn 2 m, rộng 1,95 m (hiện nằm trong khuôn viên nhà dân, cạnh khu nuôi gia súc, gia cầm) có nội dung ghi lại quá trình xây dựng từ vũ (phủ, từ) là nơi thờ cúng của tướng Lê Thì Hải.
Hai bia cổ này được chạm khắc rất đặc biệt, gồm mũ, thân và đế bia. Bệ đá giật tam cấp khắc hoa văn hình cánh sen. Phần trên là mái đá úp liền tạo thành mũ liên kết với phần thân bia kiểu nhà bốn mái cong nhô ra che kín hai phần mặt bia trước và sau, trên bờ mái có chạm hoa văn; diềm bia chạm hoa cúc leo cách điệu xen lẫn rồng, mây... thể hiện bàn tay tài hoa của các nghệ nhân điêu khắc lúc bấy giờ.
Dân đồng ý di dời, địa phương lúng túng
Bà Dương Thị Thoa (chủ khu đất) cho biết 2 tấm bia nằm trọn trong mảnh đất của gia đình qua nhiều thế hệ. Bản thân gia đình bà cũng rất xót xa khi 2 tấm bia này không được quan tâm bảo tồn. "Nhận thức được giá trị của bia cổ nên gia đình tôi luôn bảo vệ, không cho ai xâm hại. Tuy nhiên, đây là di sản của nhà nước nên dù thấy 2 tấm bia xuống cấp nhưng gia đình không dám đụng vào. Nhà tôi luôn sẵn sàng di dời đi nơi khác để nhà nước có phương án tu bổ, bảo vệ 2 tấm bia cổ này" - bà Thoa cho hay.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Xuân Quy, Chủ tịch UBND xã Thọ Phú, cho biết 2 tấm bia cổ nằm trong khuôn viên của một hộ dân trên địa bàn là đúng thực tế. "Hiện xã và huyện đã họp bàn, tìm quỹ đất để bố trí tái định cư cho gia đình bà Thoa di dời nhà cửa để bảo vệ di tích. Ngoài bố trí quỹ đất còn phải hỗ trợ kinh phí cho gia đình họ tới nơi ở mới, việc này phải huyện, tỉnh mới làm được. Còn trước mắt, chúng tôi đề nghị gia đình tiếp tục bảo vệ di tích, địa phương sẽ cho vệ sinh, nhổ bỏ cây cối quanh 2 tấm bia" - ông Quy cho hay.
Ông Lê Hồng Phong, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Triệu Sơn, cũng thừa nhận trước khi được công nhận di tích thì 2 tấm bia cổ đã nằm trong khu đất của gia đình bà Thoa và đã được nhà nước cấp quyền sử dụng đất cho hộ gia đình này.
"Phòng cũng đã làm việc với xã Thọ Phú và gia đình bà Thoa để tìm phương án. Tại buổi làm việc, gia đình bà Thoa sẵn sàng di dời đi nơi khác, thế nhưng cái khó hiện nay là bố trí đất tái định cư cho gia đình, vì gần 1.000 m2 của hộ gia đình bà Thoa là đất thổ cư. Chúng tôi đang làm văn bản trình lãnh đạo huyện báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo để có cơ sở tìm vị trí đất di dời hộ gia đình bà Thoa ra khỏi di tích. Từ đó, mới có phương án tôn tạo, bảo vệ di tích dài lâu được" - ông Phong nói.
Xứng đáng là bảo vật quốc gia
"Chúng tôi cũng xót ruột khi thấy 2 tấm bia cổ như thế. Đây là 2 tấm bia còn khá nguyên vẹn, có nội dung và niên đại rõ ràng, nó còn xứng đáng là bảo vật quốc gia. Thế nhưng, để có phương án bảo vệ, tu bổ, tôn tạo thì chính quyền 2 cấp (xã, huyện) phải đồng hành với sở, ngành trong việc di dời nhà dân ra khỏi di tích thì mới bảo quản được"- bà Bùi Thị Tuyết, Trưởng Phòng Quản lý Di sản văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, nhìn nhận.
Bia đá ghi công trạng danh tướng Lê Thì Hải bị lãng quên trong vườn nhà dân, gần nơi chăn nuôi gia súc
Bình luận (0)