Phan Văn Trị chào đời vào năm 1830 ở thôn Hưng Thạnh, huyện Bảo An, trấn Vĩnh Thạnh (nay là xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre).
Hai thế kỷ, một cuộc đời
17 tuổi, họ Phan rời quê hương đến trọ học ở làng Hạnh Thông Tây, Gia Định (nay là quận Gò Vấp, TP HCM). 19 tuổi, dự khoa thi Hương năm Kỷ Dậu, niên hiệu Tự Đức thứ ba (1849), đỗ cử nhân. Vì thế, thường được gọi là "Cử Trị".
Du khách thăm viếng tại Di tích quốc gia Mộ nhà thơ Phan Văn Trị ở thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.(Ảnh: CA LINH)
Học vị cử nhân ở Nam Kỳ thời ấy là một của báu, dễ dàng nhờ vào đó mà làm quan. Nhưng với Cử Trị thì vì "lý lịch có vấn đề" (cha là Phan Văn Tấn, đã làm quan đến chức Khâm Sai Chưởng tiền dinh Đô thống chế nhưng bị triều đình nhà Nguyễn phạt tội: 9 đời không được làm quan) nên phải sinh sống đạm bạc bằng nghề dạy học ở làng Bình Cách (nay thuộc thị xã Tân An, tỉnh Long An).
Tuy nhiên, vì tài học và tài thơ văn, sang đến đầu tuổi 20, ở vào đầu thập niên 50 của thế kỷ XIX, Cử Trị vẫn là một tên tuổi sáng giá trên đất Nam Kỳ, có sức thu hút và quy tụ được quanh mình những sĩ phu danh tài lúc đương thời: Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thông, Huỳnh Mẫn Đạt, Bùi Hữu Nghĩa... cả nhân vật Tôn Thọ Tường nữa, trong Hội thơ "Bạch Mai thi xã", xướng họa thi ca có tiếng vang, cho đến cuối thập niên 50.
Khi người Pháp đến xâm lược, đánh và chiếm đất Gia Định, "Bạch Mai thi xã" thất tán, trong phong trào "Tỵ địa" (bỏ đất bị chiếm cứ, không chung sống với bọn xâm lược và tay sai, đi tìm đất sống ở nơi khác), Phan Văn Trị di cư sang Vĩnh Long, rồi về Cần Thơ, tiếp tục sống bằng nghề dạy học, bốc thuốc, làm thơ và làm thơ chiến đấu, đặc biệt là chiến đấu với Tôn Thọ Tường (từng cùng Hội thơ Bạch Mai trước đấy nhưng giờ thì đã theo và làm tay sai cho Pháp).
Đức độ cùng tài năng làm thơ chiến đấu ở tuổi 30 của Phan Văn Trị được nhiều người cảm phục và đã chinh phục được cả một cai tổng ở đất Định Bảo là Lê Quang Chiều. Ông này chẳng những cùng Phan Văn Trị bút chiến với Tôn Thọ Tường mà còn chia đất, làm nhà ở cho họ Phan và gả cả người em gái (tên Đinh Thị Thanh) con cô con cậu cho, trước khi đứng ra làm sách "Quốc âm thi hiệp tuyển" (1903) - sưu tầm và giới thiệu các tác phẩm của họ Phan.
Trong thập niên thứ 6 và nửa đầu thập niên thứ 7 của thế kỷ XIX, tuổi 30 "Tam thập nhi lập" và 40 "Tứ thập nhi bất hoặc" của Phan Văn Trị đã trôi qua trong căn nhà tranh mái lá sơ sài tại làng Nhơn Ái, tổng Định Bảo (nay thuộc huyện Phong Điền, TP Cần Thơ).
Vợ chồng ông sinh hạ hai trai, hai gái. Dù cuộc sống không mấy dư dả từ học phí do các môn sinh đóng góp và tiền thuốc từ các bệnh nhân đến nhờ cậy và cả từ tiền công giã gạo mướn của vợ nhưng hết sức sôi động với những bài thơ chiến đấu, làm nên sự nghiệp văn chương lừng lẫy của Cử Trị.
Dứt khoát đứng về phía dân
Những công phu thu thập các tác phẩm của Phan Văn Trị từ đầu thế kỷ XX đã cho kết quả là có đến hơn 100 bài thơ, được tính là do họ Phan sáng tác. Tuy nhiên, những thẩm định văn bản học đã chỉ đưa ra một danh mục 45 bài, chắc chắn là của Cử Trị mà thôi và gồm 3 mảng là:
Thơ vịnh vật, 19 bài: "Hột lúa", "Con mèo", "Cá thia lia" (2 bài), "Cối xay", "Con cóc", "Thú đi câu", "Câu cá", "Thợ may", "Quán nước", "Chùa hư", "Cào cào", "Con rận", "Kiến hôi cắn kiến vàng", "Con muỗi", "Con cua, "Ông Táo"...
Thơ tức cảnh - cảm hoài, 13 bài: "Mất Vĩnh Long", "Cám cảnh An Giang", "Cảm hoài" (10 bài), "Câu đối điếu Cai tổng Vĩnh".
Thơ bút chiến, 13 bài: Họa "Tự thuật" (của Tôn Thọ Tường) 10 bài, "Tôn Phu nhân quy Thục", "Từ Thứ quy Tào", "Hát bội".
Cùng những tác phẩm này còn một số bài tồn nghi: "Làm khi đỗ cử nhân", "Cảm thuật", "Đồn lính trong làng", "Than thời sự" (2 bài), "Vịnh Kiều", "Gia Định thất thủ phú"…
Tất cả những bài thơ này đều được viết bằng chữ Nôm. Điều này chứng tỏ: Cùng theo trào lưu dùng chữ Nôm để sáng tác thi ca lúc đương thời nhưng Phan Văn Trị còn rất chú ý đến đối tượng hưởng thụ tác phẩm văn chương của mình, vốn là những người "Nam Kỳ bình dân" và có tinh thần dân tộc rất cao, yêu nước mãnh liệt và trọng nghĩa khí cực kỳ.
Cũng còn chứng tỏ nữa: Mặc dù chính là người được triều đình Huế - qua khoa cử - lựa chọn nhưng dứt khoát đứng về phía dân, theo quan điểm và thái độ của nhân dân - một khi có tình trạng phân hóa, sai biệt, giữa triều đình và nhân dân - thì đó là Cử Trị!
Mấy câu trong bài thơ vào lúc triều đình Huế để mất tỉnh Vĩnh Long của Phan Văn Trị rất điển hình cho thái độ này:
"Tan nhà, cám nỗi câu ly hận,
Cắt đất, thương thay thuộc giảng hòa.
Gió bụi đòi cơn xiêu ngã cỏ,
Ngậm cười hết nói nỗi quan ta!" .
Đối với triều đình mà còn như thế, thì đối với những kẻ phản quốc hại dân mà đi theo giặc, tất nhiên là phải quyết liệt đến mức như thế nào!
Đó là trường hợp đối với Tôn Thọ Tường - một cây bút cũng là cự phách về mặt đặt câu lựa chữ lúc đương thời. Họ Tôn đã rất uốn éo các khả năng văn chương của mình để giương giương biện hộ cho việc theo địch làm tay sai, trước tiên tung ra một lúc 10 bài thơ Nôm lấy tên là "Tự thuật", theo thể liên hoàn thủ vĩ ngâm.
Phan Văn Trị lập tức "họa" lại đủ 10 bài, chan chát, đối xứng, vạch trần những sai trái của họ Tôn, mắng nhiếc bằng những từ ngữ rất nặng nề, gọi Tường là "thằng hoang", "đứa dại", "nói vơ", "mang nhơ"…, khẳng định thái độ đối lập, đứng cao trên chính nghĩa của mình:
"Đừng mượn hơi hùm rung nhát khỉ
Lòng ta sắt đá, há lung lay"!
Trước một Phan Văn Trị như thế, Tôn Thọ Tường vuốt mặt không kịp, phải lùi một bước, xuống giọng, mượn chuyện Tôn phu nhân trong sách "Tam Quốc" để giải trình mình buộc phải hợp tác với Pháp ra làm sao!
Nhưng Phan Văn Trị vẫn kiên quyết truy kích đến cùng bằng những lời lẽ uyển chuyển và uyên bác, bài họa "Tôn phu nhân quy Thục" của họ Phan là một mẫu mực cho thơ xướng họa, thể hiện ở đỉnh cao về cái trí, cái tâm, cái đạo của một tác gia tiêu biểu hàng đầu trong nền văn học "Nam Kỳ kháng Pháp" hồi giữa thế kỷ XIX.
Điều này chẳng những khiến những kẻ như Tôn Thọ Tường phải cúi đầu mà còn - một lần nữa - quy tụ, tập hợp được quanh mình những cây bút tài danh chân chính - như Huỳnh Mẫn Đạt, Bùi Hữu Nghĩa, Lê Quang Chiều… - khi họ cùng họ Phan lên tiếng, cất lời, phê phán Tôn Thọ Tường bằng việc - mỗi người cũng 10 bài - "họa" thơ "Tự thuật", làm nên cả một diễn đàn thi ca yêu nước chống giặc mạnh mẽ lúc đương thời.
Tượng đài cho Nhà thơ - Chiến sĩ
Nhiều tài liệu hiện nói Phan Văn Trị mất ngày 16-5 năm Canh Tuất, tức 22-6-1910 dương lịch, thọ 80 tuổi.
Nhưng, như thế thì Phan Văn Trị phải biết đến công trình "Quốc âm thi hiệp tuyển" của Lê Quang Chiều, sưu tập thi ca của chính họ Phan, xuất bản từ năm 1903, trước đấy. Tuy nhiên, không có một dấu hiệu nào về việc này.
Trường THCS Phan Văn Trị và đường Phan Văn Trị(ảnh dưới) ở quận Gò Vấp, TP HCM .(Ảnh: TẤN THẠNH)
Một tín hiệu bàng thính khác: Bà vợ Đinh Thị Thanh của họ Phan, sinh năm 1835, được ghi nhận là sau khi ông mất đã tục huyền, tái giá cùng một người cũng làm nghề giã gạo mướn, tên Trụ. Vậy, nếu đúng là Phan Văn Trị mất vào năm 1910 thì bà Thanh tái giá ở tuổi đã ngoại 75 sao?
Trong khi đó, sách "Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca" của Nguyễn Liên Phong, xuất bản năm 1909, sau những câu thơ mô tả chân dung và hành trạng của Phan Văn Trị lúc cuối đời, đã hạ một câu rành rẽ: "Đã lâu về cõi âm minh xa miền". Tức là Cử Trị mất trước năm 1909 "đã lâu" rồi!
Cuối cùng, được biết Tôn Thọ Tường chết vào năm 1875, lại có bài "Khóc đầu Hạng Võ", được cho là bài thơ khóc Phan Văn Trị. Như vậy, họ Phan chắc chắn là đã mất trước năm 1875.
Mất vào lúc mà cả đất nước cũng như gia đình đều rối bời những gian khó, cho nên nơi để lại thân xác của Phan Văn Trị lúc đầu cũng khá sơ sài, đạm bạc như cuộc đời của ông.
Cho đến năm 1942, khi hai nhà văn Kiều Thanh Quế và Lê Thọ Xuân tìm đường về thăm thì vẫn thấy "không có bia, không tam cấp đá, không có gò đất đắp vun lên" như các vị đã viết trên Tạp chí Tri Tân số 75.
Nhưng từ sau năm 1975, đặc biệt là vào năm 2005, tình hình đã thay đổi hẳn. Mộ của Phan Văn Trị đã được đặt lại vào một khu tưởng niệm (ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) khang trang, bề thế, diện tích hơn 2.000 m2, có nhà hương khói, nhà trưng bày, tượng đài, cây kiểng… và đặc biệt là tấm bia đá tượng hình cuốn sách khổng lồ, khắc trình 4 bài thơ tiêu biểu của tác giả họ Phan (là: "Mất Vĩnh Long", "Hột lúa", Họa thơ "Tự thuật" thứ nhất, "Cá thia lia"), đặt giữa những đá thơ, lưu bút các tác phẩm khác.
Ở trên cao xanh, nơi cùng quy tụ những người hiền tài đã làm hoa cho đất phương Nam - Xứ Đàng Trong - Nam Kỳ lục tỉnh, thời Mở Đất và Giữ Đất, hẳn bây giờ, nhà thơ - chiến sĩ hồi giữa thế kỷ XIX Phan Văn Trị cũng cảm thấy hài lòng.
Bình luận (0)