xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những người làm hoa cho đất: Huỳnh Mẫn Đạt: Rạng ngời thi ca yêu nước

Nhà sử học LÊ VĂN LAN

Với tuyệt phẩm "Điếu Nguyễn Trung Trực", đặc biệt là 2 câu "thực" - "Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa/Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần", Huỳnh Mẫn Đạt xứng danh là tên tuổi hàng đầu trên văn đàn thi ca yêu nước lúc bấy giờ

Chỉ còn mươi bài thơ chữ Nôm được truyền tụng trong cuộc đời một quan chức triều Nguyễn long đong lận đận, song chỉ cần một tuyệt phẩm khóc anh hùng Nguyễn Trung Trực làm năm 1868, Huỳnh Mẫn Đạt đã trở thành tên tuổi rạng ngời trên văn đàn và lịch sử thi ca, làm hoa cho đất phương Nam thời oanh liệt "Nam Kỳ kháng Pháp".

Thăng trầm cuộc đời quan chức

Huỳnh Mẫn Đạt sinh năm Đinh Mão (1807) tại làng Tân Hội, huyện Tân Long, tỉnh Gia Định (nay thuộc TP HCM). Lúc 24 tuổi, vào năm Tân Mão (1831), ông dự khoa thi Hương ở trường thi Gia Định, đỗ cử nhân thứ ba trong số 10 cử nhân khoa thi này.

Đến năm Kỷ Hợi (1839), Huỳnh Mẫn Đạt bắt đầu ra làm quan, với chức Thự Ngự sử đạo Ninh Thái (là 2 tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên ngày nay). Năm Canh Tý (1840), với chức Giám sát Ngự sử, ông được cử vào Nam, thanh tra việc Bố chánh Định Tường là Nguyễn Đắc Trí để thua trận đánh dẹp thổ phỉ ở địa phương. Nguyễn Đắc Trí bị giáng làm lính trơn, còn Huỳnh Mẫn Đạt được vua Minh Mạng chuẩn cho ở lại quân thứ, giúp việc dẹp giặc.

Những người làm hoa cho đất: Huỳnh Mẫn Đạt: Rạng ngời thi ca yêu nước - Ảnh 1.

Một tuyến đường tại quận 5, TP HCM mang tên Huỳnh Mẫn Đạt (Ảnh: TẤN THẠNH)

Cũng năm này, bên Hà Tiên có loạn. Huỳnh Mẫn Đạt được lĩnh chức quyền Tuần phủ quan phòng, đi Hà Tiên lo việc đánh giữ. Thế nhưng, Huỳnh Mẫn Đạt chưa kịp lên đường thì đã có thổ phỉ nổi lên ở sông nhánh Tân Thạnh, ông liền đốc binh đánh dẹp. Giặc tan nhưng ông cũng trúng đạn, được vua thưởng 20 quan tiền, cho ở lại Định Tường dưỡng thương. Đến cuối năm, khi khỏi thương tích, ông mới đi Hà Tiên nhận chức.

Đầu xuân Tân Sửu (1841), Huỳnh Mẫn Đạt vừa đến nhiệm sở thì thổ phỉ đã nổi lên rất mạnh, vây đánh đồn Châu Nham, lăm le chiếm cả vùng. Ông đã tổ chức chống giữ thành Hà Tiên hiệu quả, buộc giặc phải rút lui, được vua thưởng chức Án sát thực thụ.

Mùa xuân năm Nhâm Dần (1842), Hà Tiên xảy ra việc quân Xiêm La do tướng Ô Thiệt Vương chỉ huy đến cướp phá. Ông chỉ huy đánh lui quân Xiêm, được ban chức Viên Ngoại lang, được vua Thiệu Trị thưởng một chiếc nhẫn và một đồng tiền vàng.

Qua năm Giáp Thìn (1844), Huỳnh Mẫn Đạt được thăng làm Thự bố Chánh sứ Hà Tiên. Đến năm Tân Hợi (1851), Huỳnh Mẫn Đạt được thăng tiếp làm quyền Tuần phủ Hà Tiên - chức vụ cao nhất trong cuộc đời làm quan triều Nguyễn ở phương Nam của ông.

Tuy nhiên, chỉ được 1 năm thì xảy ra vụ án ẩn lậu thuốc phiện Hà Tiên, nhiều quan chức bị liên lụy. Trong đó, Huỳnh Mẫn Đạt bị cách chức Tuần phủ. 8 năm sau, ông mới được chuyển làm Án sát Định Tường.

Huỳnh Mẫn Đạt ngồi ghế Án sát Định Tường chưa ấm chỗ thì đã xảy ra việc quân Pháp tấn công địa phương này (ngày 12-4-1861). Ông cùng các quan chức Định Tường không địch nổi "tàu đồng, súng sắt" của Pháp, để mất thành. Vua Tự Đức ra lệnh bắt giải ông về kinh hỏi tội nhưng rồi lại tha, lệnh cho đi theo Nguyễn Tri Phương trở lại Nam Kỳ lập công chuộc tội.

Tuy nhiên, khi mới cùng Nguyễn Tri Phương vào tới Bình Thuận, Huỳnh Mẫn Đạt đã được tin triều đình ký "Hòa (hàng) ước Nhâm Tuất (1862)", nhường cho Pháp 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ (Gia Định, Định Tường, Biên Hòa). Quá chán nản, ông bèn từ quan, theo phong trào "Tỵ địa" (bỏ đất bị giặc chiếm, đến ở đất khác) sang sống ẩn dật tại Hà Tiên cho đến lúc mất - năm Nhâm Ngọ (1882), thọ 75 tuổi.

Vẻ vang sự nghiệp sáng tác

Nổi tiếng giỏi thơ chữ Nôm ngay từ thời còn đi học đến lúc ra làm quan nhưng chỉ tới khi cáo quan về ẩn dật, Huỳnh Mẫn Đạt mới có thêm điều kiện chuyên tâm vào sự nghiệp văn chương để nổi tiếng hơn nữa. Ông là nhà thơ hàng đầu làm vẻ vang cho đất Phương Nam thời "Nam Kỳ kháng Pháp".

Những người làm hoa cho đất: Huỳnh Mẫn Đạt: Rạng ngời thi ca yêu nước - Ảnh 3.

Một trường tiểu học tại quận 5, TP HCM mang tên Huỳnh Mẫn Đạt. (Ảnh: TẤN THẠNH)

Có lần lên Sài Gòn thăm chơi vào buổi chiều, đang đội nón lá đứng coi quân nhạc Pháp thổi kèn tại Bồn Kèn, Huỳnh Mẫn Đạt chợt thấy Tôn Thọ Tường - kẻ "có chữ nghĩa" mà lại đi theo Pháp làm đến chức Đốc Phủ sứ - cưỡi xe đi qua. Ông liền lánh mặt sau một gốc cây. Thế nhưng, Tôn Thọ Tường đã nhận ra ông, vội xuống xe, ân cần trân trọng đến gặp, lại còn trách cứ sao không đến chơi!

Thế là, việc này thành đề tài để tác phẩm mai mỉa Tôn Thọ Tường ra đời - được nhiều người truyền tụng là của Huỳnh Mẫn Đạt, tung hứng cùng 10 bài thơ bút chiến với họ Tôn của Phan Văn Trị:

Cừu mã dăm ba dạo cặp kè

Duyên sao giải cấu khéo đè ne

Đã cam bít mặt cùng trời đất

Đâu dám nghiêng mày với ngựa xe

Hớn hở trẻ dong đường dăm liễu

Lơ thơ già núp cội cây hòe

Sự đời thấy vậy thời hay vậy

Thà ẩn non cao chẳng biết nghe!

Thơ phẫn chí và bày tỏ chí khí của Huỳnh Mẫn Đạt là như thế. Bài "Lên đèo Hải Vân" là một ví dụ điển hình:

Đồi liễu ngàn mai cảnh quạnh hiu

Chia hai Thuận Quảng một con đèo

Lá dòm mặt nước cây mong lội

Biển bọc chân non sóng muốn trèo

Mặt đất day ngang đường khuất khúc

Sườn non dựng ngược đá cheo leo

Vén mây muốn bước lên trên tót

Đoái lại vầng trăng lẽo đẽo theo.

Làm thơ "Vịnh cây dừa", Huỳnh Mẫn Đạt mong đợi và kêu gọi:

Đuôi phượng vẻ vang che nắng gió

Mình rồng chan chứa gọi mây mưa

Dãi dầu giúp kẻ khi xơi tối

Giúp nước vui người buổi khát trưa.

Trong khi đó, ông viết bài thơ "Chó già" là để thở than:

Không ai trấn Bắc ngăn bầy cáo

Ít kẻ ngừa Tây giữ đứa tà!

Những vần thơ chói lòa

Ngày 27-10-1868, thực dân Pháp đưa Nguyễn Trung Trực - người đã đánh chìm pháo hạm Hy Vọng của quân xâm lược ở sông Nhật Tảo ngày 10-12-1861; đánh hạ đồn Kiên Giang của giặc ngày 16-6-1866, làm chủ Rạch Giá 6 ngày - ra pháp trường xử tử.

Khí phách lẫm liệt của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực - hiên ngang tự vén tóc gáy cho đao phủ chém đầu - thể hiện trong lời thư tuyệt mệnh:

Theo việc binh nhung thuở trẻ trai

Phong trần hăng hái tuốt gươm mài

Anh hùng gặp phải thời không đất

Thù hận chan chan chẳng đội trời.

Cùng với câu nói bất hủ: "Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây" vang động cả đất trời, Nguyễn Trung Trực đã đi vào lịch sử, đi vào lòng dân.

Huỳnh Mẫn Đạt - sống ngay ở Rạch Giá vào lúc ấy - lập tức có bài thơ "Điếu Nguyễn Trung Trực". Tuyệt phẩm này chẳng những đã đưa người anh hùng dân tộc vào cõi bất tử mà còn khiến cho chính Huỳnh Mẫn Đạt trở thành nhà thơ hàng đầu trên văn đàn thi ca yêu nước chống giặc của đất phương Nam lúc bấy giờ.

"Điếu Nguyễn Trung Trực" viết bằng chữ Hán, 7 chữ 8 câu, theo luật thơ thời Đường. Hai câu "đề" mở đầu bằng lời "luận anh hùng" cổ truyền: Không cần bàn đến việc thành bại tại chiến trường, mà cốt ở sự việc một người (chỉ là) dân chài nhưng đã làm nên được cây cột đá sừng sững vững vàng trong lúc sóng lở:

Thắng phụ nhung trường bất túc luân

Đồi ba chỉ trụ ức ngư dân!

Hai câu "luận" ngợi ca thật đích đáng tinh thần tiết nghĩa trung trinh của Nguyễn Trung Trực:

Nhất đán phi thường tiêu tiết nghĩa

Lưỡng toàn vô úy báo quân thân.

Hai câu "kết" vừa khẳng định tiếng thơm vĩnh cửu của khí phách kiên cường Nguyễn Trung Trực, vừa "nèo" thêm sự đối sánh với tính thấp hèn đáng chết của những kẻ nhu nhược không dám chống giặc:

Anh hùng cường cảnh phương danh thọ

Tu sát đề đầu vị tử nhân.

Đặc biệt rực sáng, chói lòa là 2 câu "thực". Huỳnh Mẫn Đạt đã so sánh việc đánh chìm tàu Hy Vọng như vầng lửa đỏ làm rung chuyển đất trời; cùng với thanh kiếm vung lên ở trận đánh chiếm đồn Kiên Giang, khiến quỷ thần cũng phải kêu khóc - tất cả đều là những chiến công của Nguyễn Trung Trực:

Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa

Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần!


Chống giặc bằng ngòi bút

Căm thù quân Pháp xâm lược, ghét cay ghét đắng những kẻ phản nước hại dân mà đi theo giặc, dứt khoát đứng vào hàng ngũ những nhà thơ yêu nước, chống giặc bằng ngòi bút và thi ca (như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Thông…), Huỳnh Mẫn Đạt có cảm tình đặc biệt và là bạn tâm giao với Bùi Hữu Nghĩa ở Cần Thơ.

Từ nơi sống ẩn dật tại Rạch Giá, Huỳnh Mẫn Đạt thường tìm đường sang Cần Thơ, giao lưu cùng Bùi Hữu Nghĩa. Kết quả của những chuyến đi lại này là vở tuồng "Kim thạch kỳ duyên" nổi danh ra đời - tiếng là sáng tác của họ Bùi nhưng được biểu diễn, truyền tụng khắp nơi là do công đức và tài năng nhuận chính của họ Huỳnh.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo