Xuất hiện trong đêm "Con đường âm nhạc" tối 22-9 tại TP HCM (do Trường Nghệ thuật Soul Academy tổ chức), nghệ sĩ piano Bích Trà khiến người nghe xúc động vì những ngón đàn tinh tế. Kết thúc chuyến trở về Việt Nam dài nhất sau 30 năm bôn ba tìm chỗ đứng ở nước ngoài, nghệ sĩ Bích Trà cho biết trong tương lai, chị muốn tìm công việc ở châu Á, để được gần mẹ (NSND Trà Giang) hơn. Nhưng không chỉ là câu chuyện cá nhân, mong muốn của Bích Trà còn gắn với công việc giảng dạy và dẫn dắt các lứa học trò trên con đường âm nhạc.
Nổi tiếng không phải là… nghề
Sinh ra trong một gia đình nghệ thuật nhưng nghệ sĩ piano Bích Trà cho biết vẫn vấp phải những "rào cản" rất lớn trên con đường âm nhạc. Làm thế nào để vượt qua được thách thức, trong đó có những khó khăn thuộc loại không thể khắc phục?
Nghệ sĩ Bích Trà. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Trà là con gái của diễn viên điện ảnh - NSND Trà Giang và nghệ sĩ vĩ cầm - giáo sư Bích Ngọc. Thuở nhỏ, nghệ sĩ Bích Ngọc rất mong muốn Bích Trà chơi vĩ cầm nên cho con gái học từ rất sớm nhưng: "Học vĩ cầm khó lắm, đứng mỏi chân, ôm đàn rã tay, chơi mãi mà chẳng nốt nào "nghe được", trong khi đó cây piano lại "lọt vào tầm ngắm" nên tôi xin cha cho học piano" - Bích Trà nhớ lại.
Cho dù thế, tập đàn piano đối với một đứa trẻ chẳng dễ dàng gì, hơn nữa, Bích Trà cũng thích vẽ, thích đọc sách văn học… nên hễ cứ tiếng xe máy của cha xa dần ngoài đầu ngõ là cô bé Trà quay ngược kim đồng hồ lên và trốn vào trong tủ ngồi đọc sách.
Lớn lên, rơi vào bước chuyển đột ngột khi đi sang Nga năm 14 tuổi, vượt qua cú sốc về sự khác biệt trình độ giữa học sinh - sinh viên Việt Nam với các nước bạn, Bích Trà bắt đầu cảm nhận vẻ đẹp tuyệt vời của âm nhạc và lao vào, theo đuổi con đường âm nhạc chuyên nghiệp. Được tuyển chọn du học tại Trung cấp Âm nhạc Gnessin và tiếp tục học tại Nhạc viện Moscow - Liên bang Nga, Bích Trà cũng bắt đầu hiểu ra nỗi khổ của người châu Á, sở hữu những ngón tay quá mỏng, mặc cảm thể xác khiến rất nhiều người tin rằng nghệ sĩ châu Á khó có thể đánh được các tác phẩm lớn, khó tạo ra được màu sắc âm thanh của tác phẩm.
"Cảm nhận âm nhạc là câu chuyện trí tuệ nhưng thể lực cũng là cản trở lớn. Nhiều bản nhạc chỉ chơi 1 chương đã mệt lắm rồi, mà các bản nhạc lớn đều từ 3 chương trở lên" - Bích Trà cho biết. Nhưng trót ôm "tham vọng" phải đi đến hết con đường âm nhạc, để vượt lên dần dần, nới rộng biên độ của sự cố gắng, phát hiện nội lực bản thân, Bích Trà xác định cho dù đã chơi hoàn hảo bất cứ một bản nhạc nào, dù đã mệt nhoài nhưng chị vẫn chơi lại lần nữa với yêu cầu phải thật hoàn hảo, để tự vượt qua sự thách thức của giới hạn: "Nếu không vượt qua thử thách, sẽ không thể biết giới hạn thật của mình ở đâu" - Bích Trà nói.
Mơ ước, khát khao
Năm 1997, Bích Trà nhận được học bổng du học của Royal Academy of Music, London - Anh. Năm 2013, Bích Trà là người Việt Nam đầu tiên được trao tặng danh hiệu ARAM (Associate of the Royal Academy of Music), trở thành thành viên của Viện Âm nhạc Hoàng gia Anh. Cho đến hiện tại, Bích Trà là nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên có hợp đồng ghi âm solo với hãng thu âm dòng nhạc cổ điển hàng đầu thế giới Naxos.
Bích Trà trở về Việt Nam với sự thong dong của người đã đi hầu khắp các nước trên thế giới, như chị nói là "không đếm được". Nhưng con đường nghệ thuật nào cũng gian nan và khó có nghệ sĩ nào dám tự mãn ngủ quên trên thành công của mình, Bích Trà tổng kết: "Chỉ có 20% là tài năng thôi, còn phải tới 80% là khổ luyện".
Hơn 20 năm học hành vất vả, trong đó 10 năm ở Nga và 2 năm ở Anh, cô vượt qua hành trình cực nhọc theo đuổi giấc mơ nghệ thuật mới có thể thành công. Mơ ước lớn nhất ở thời điểm hiện tại của nghệ sĩ Bích Trà là có thể hướng dẫn thêm cho các học sinh - sinh viên Việt Nam đi ra nước ngoài học tập và làm việc.
"Học ở Nga, rồi đến Anh, tất cả các môi trường học tập đó đều dạy cho tôi rằng học xong không nhất thiết hoặc duy nhất chỉ có thể trở thành nghệ sĩ solo trên sân khấu. Các nước khác, nghệ sĩ đệm cho ca sĩ hát mà đạt đến đỉnh cao cũng rất được tôn trọng. Ở Hồng Kông, một giáo viên âm nhạc lâu năm có thể thu nhập trên 200 USD/giờ dạy, còn giáo viên có bằng thạc sĩ âm nhạc cũng có thể thu nhập hơn 100 USD/giờ dạy, ngang với mức thu nhập của một luật sư. Ở Việt Nam, tất nhiên rất thiệt thòi, giáo viên âm nhạc không thể thu nhập như thế. Nhưng đó chưa phải là điều tệ nhất cho sinh viên Việt Nam. Tôi mong muốn giáo trình giảng dạy của Việt Nam được cải tiến, cập nhật hơn với thế giới thì sinh viên Việt Nam khi đi ra nước ngoài mới khỏi bị bỡ ngỡ và chênh lệch trình độ quá lớn" - nghệ sĩ Bích Trà đề xuất.
Được sống cạnh mẹ là điều quan trọng nhất
Đầu tháng 10-2017, Bích Trà sẽ quay trở lại nước Anh. Nghệ sĩ Bích Trà cho biết chị trở về Việt Nam lần này là lâu nhất, sau 30 năm ở nước ngoài, kể từ năm 14 tuổi tới nay. Bích Trà bảo: "Lần này, tôi dành tới một năm để ở Việt Nam. Bố mất đã lâu, nhà chỉ có một mẹ một con mà tôi đi nhiều quá, đi xa quá, nên bây giờ đối với tôi, được sống cạnh mẹ là điều quan trọng nhất. Mẹ phải hiểu và thương tôi lắm, mới để con được "bay nhảy" và hoàn thành tâm nguyện với nghệ thuật. Nhưng tôi hiểu mẹ luôn tự hào về mỗi việc tôi làm. Lần trở về này, ngoài các chương trình biểu diễn, tôi còn giảng dạy tại Nhạc viện TP HCM. Trong tương lai, tôi mong muốn được chuyển về làm việc ở châu Á để được gần mẹ và hỗ trợ được nhiều hơn cho các học sinh của mình".
Bình luận (0)