Phim "Sắc đẹp ngàn cân" (làm lại từ "200 Pounds Beauty" của Hàn Quốc) và mới nhất là "Yêu đi, đừng sợ" (làm lại từ "Spellbound") có doanh thu không khả quan. Khán giả không còn thích thú xem những phim làm lại từ các tác phẩm ăn khách của nước ngoài nhưng bê nguyên bản gốc hoặc có thêm thắt, chỉnh sửa nhưng không nhiều.
Doanh thu thất bại
Theo thông tin từ nhà phát hành CGV, phim "Sắc đẹp ngàn cân" có doanh thu khoảng 30 tỉ đồng, "Yêu đi, đừng sợ" cũng chỉ ở mức tương đương. Người trong giới nhận định mức doanh thu như vậy không khả quan bởi khi chia tỉ lệ với đơn vị phát hành (5:5 hoặc 6:4), nhà sản xuất phải chật vật hoàn vốn.
Cảnh trong phim "Sắc đẹp ngàn cân". (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Phân tích về sự thờ ơ của khán giả hiện nay, một số người cho rằng phim làm lại từ phim ăn khách của nước ngoài lúc đầu thành công nhờ yếu tố lạ. Khán giả tò mò muốn xem thử bản Việt hóa thế nào, có khác biệt với phim gốc không. Thế nhưng, qua vài phim, họ sẽ chán nếu có quá nhiều dự án làm lại cả phim điện ảnh và truyền hình mà bê nguyên gốc. Một số khác lại cho rằng do nhà sản xuất không sáng tạo khiến khán giả hụt hẫng, thiếu tin tưởng vào những tác phẩm sau.
"Những phim remake gần đây quá giống phim gốc. Khán giả đã xem phim gốc và tâm đắc, khi xem phiên bản Việt Nam thua về diễn xuất, cảnh quay... nên dễ nhàm chán. Hơn nữa, những quan điểm, tư tưởng và cách hành xử của các nhân vật trong phim gốc dù sao cũng cách nay nhiều năm, khó phù hợp thị hiếu khán giả hiện tại. Ngay cả phim ngôn tình ăn khách của năm 2016 cũng dần không còn thu hút khán giả nếu thiếu sáng tạo trong cách kể chuyện" - đạo diễn Luk Vân phân tích.
Theo ông Phi Long, Giám đốc Công ty TNHH Poly Media, "Sắc đẹp ngàn cân" bản Việt hóa thiếu cảm xúc, không nhiều sự khác biệt so với phim gốc khiến khán giả chán. "Khán giả không còn muốn xem phim từng một thời đình đám phòng vé mà cách kể không có gì mới. Họ mất niềm tin vào dòng phim này nên khi nghe phim remake thì không còn háo hức như trước. Đây là lý do vì sao những phim tiếp theo thiếu độ thu hút, doanh thu thấp dù được nhận định remake tốt hơn" - ông nhìn nhận.
Thách thức không nhỏ
Cơn sốt phim Việt hóa bùng nổ kể từ sau thành công lớn của "Em là bà nội của anh" (Việt hóa từ phim "Miss Granny") với doanh thu hơn 100 tỉ đồng. Thành công này đến từ khâu kịch bản được chuyển hóa thuần Việt, dí dỏm, dễ thương; diễn viên diễn xuất tốt. Nhiều khán giả khi đó nhận xét xem "Em là bà nội của anh" hay hơn hẳn các phiên bản khác.
Sau phim này, "Bạn gái tôi là sếp" (Việt hóa từ phim Thái Lan "TM: Er Rak Error") tiếp tục được khán giả đón nhận, doanh thu đạt mức khá và tạo được độ lan tỏa trên mạng xã hội. Thế nhưng, khi các nhà sản xuất đổ xô vào dòng phim này, nhiều dự án remake được công bố thì lượng khán giả ngày càng giảm.
Phim remake không phải chuyện mới lạ, nhất là ở Hollywood. Với những nước có nền điện ảnh đang phát triển như Việt Nam, vào thời điểm thiếu kịch bản hay, remake được xem là giải pháp tức thời.
"Phim remake phát triển là do điện ảnh Việt Nam bị đuối. Nguồn kịch bản đạt chuẩn không nhiều, đạo diễn mất thời gian chỉnh sửa nên phần chuẩn bị tiền kỳ khá lâu. Nếu sử dụng kịch bản remake, có sẵn mọi thứ, đạo diễn chỉ cần làm tốt công việc chuyên môn của mình, đỡ mất công sức" - nhà sản xuất Charlie Nguyễn nhận định.
Phim remake dù giúp giảm tải công việc cho đạo diễn nhưng lại có điểm yếu là nhiều thách thức với người làm, khó thuyết phục người xem nếu không sáng tạo. Phim Việt hóa phải khác biệt, hay hơn bản gốc. Ít nhất, tác phẩm cũng khiến nhà sản xuất phim gốc khi xem phải thốt lên rằng những điều họ chưa làm được đã hoàn toàn khắc phục trong phiên bản. Nếu bê nguyên phim gốc, khán giả phản ứng tiêu cực, doanh thu bị ảnh hưởng là điều chắc chắn.
Nhiều người trong giới sản xuất thổ lộ rằng ngoài vấn đề kịch bản, họ chạy theo làn sóng phim remake còn vì sự đón nhận tích cực của khán giả. Đây là nguồn kích thích họ tiến tới nên khi dòng phim này nhận phản ứng không tốt từ khán giả, sự lo lắng của nhà sản xuất tăng cao.
Không làm khi chưa hài lòng
"Sau "Em chưa 18", tôi và ê-kíp định làm phim "Cú té trời tính" (Việt hóa từ "Key of life" của Nhật Bản). Chúng tôi hoàn thành tiền kỳ, bỏ ra 2 tỉ đồng cho khâu này, kịch bản Việt hóa cũng hoàn tất. Tuy nhiên, tôi không hài lòng với kịch bản, vẫn cảm thấy thiếu thiếu điều gì đó. Sau nhiều lần sửa chữa, mọi người trong nhóm biên kịch đều nói ổn nhưng tôi vẫn quyết định ngừng. Tôi nghĩ thà mất 2 tỉ đồng còn hơn vẫn tiếp tục làm mà không có sự chắc chắn, không có cảm giác hài lòng" - nhà sản xuất Charlie Nguyễn bày tỏ.
Bình luận (0)