xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Búp bê áo rách" và chuyện đời nhân hậu

LÊ QUANG MINH

Tác giả gửi gắm qua nhân vật bản lĩnh để vượt lên nghịch cảnh, lòng khoan dung để xóa bỏ hận thù, hướng đến những điều tốt đẹp hơn trong đời sống

Sau những tập thơ đầy chất nghiệm sinh, nhà thơ Bùi Phan Thảo vừa ra mắt tập truyện ngắn "Búp bê áo rách", NXB Hội Nhà văn, 2020, với 14 truyện ngắn đầy đặn.

Đầy ắp nỗi đời

"Búp bê áo rách" đem đến cho người đọc những câu chuyện đời bằng giọng văn nhẹ nhàng, điểm xuyết những hóm hỉnh sâu cay. Qua những câu chuyện, tác giả gửi gắm qua nhân vật bản lĩnh để vượt lên nghịch cảnh, lòng khoan dung để xóa bỏ hận thù, hướng đến những điều tốt đẹp hơn trong đời sống.

Búp bê áo rách và chuyện đời nhân hậu - Ảnh 1.

Bìa tập truyện ngắn “Búp bê áo rách”

Trong khi những trang viết về đời sống công nhân cũng không nhiều trong dòng chảy văn chương hôm nay, thì với "Búp bê áo rách", hình ảnh công nhân, đời sống và tình yêu của họ được đặc tả với ngòi bút đầy xúc động. Tác giả đã lấy đi nước mắt của không ít bạn đọc qua mối tình đẹp của Thành và Lệ trong "Chân trần mát rượi phù sa". Còn với "Tình lô cốt", câu chuyện tình yêu của lứa đôi trong đô thị vào mùa chỉnh trang đặt cống sửa đường đan xen với những hệ lụy phiền toái mà nó đem lại cho đời sống cư dân. Tình yêu giữa cô gái dân thành phố với anh kỹ sư quê gốc miền Trung diễn ra tự nhiên như tất yếu phải diễn ra…

Sinh ra và lớn lên ở miền Trung, làng quê ở Quảng Trị thấp thoáng trong nhiều trang viết của Bùi Phan Thảo. Những nhân vật của anh sống động khi anh vén bức màn thời gian, đưa người đọc về với những tháng ngày xa xưa. Ở đó, có anh em ông Tuấn trong "Trăm sông về biển". Thời cuộc đã đưa đẩy anh em ông Tuấn và những người bạn về hai chiến tuyến khác nhau nhưng không có gì chia rẽ tình nghĩa. Những nhân vật đã sống tử tế với nhau, hoặc hy sinh vì độc lập của Tổ quốc hoặc đi trọn kiếp người với đủ nỗi đời. Họ, như những dòng sông, khởi phát từ những ngọn nguồn, rồi cũng tìm về với biển.

Câu chuyện của o Hiền trong "Cỏ huyết hồng" như một "chiêu tuyết" cho một người con gái mù đã thành giai thoại của làng quê những năm kháng chiến chống Pháp. Một chút liêu trai, không gian sông nước, cánh rừng thưa, làng mạc trong truyện ngắn này bàng bạc. Trên nền cảnh đó, o Hiền hiện ra với nét đẹp của người con gái tài hoa, yêu nước, thương cha. O theo cha dấn thân giúp đỡ những người kháng chiến, đào hầm bí mật che chở cán bộ cách mạng. O phát hiện ra chân tướng và dã tâm của Sình, đã báo cho cha o nhưng không kịp cứu cha. O không bao giờ là chỉ điểm cho Tây như người nhà của Sình thêu dệt và o đã hy sinh với những vệt máu loang trên đất làng quê, điểm tô cho sắc thắm của cỏ huyết hồng trong những trưa, chiều…

Thấm đẫm tình người

Nhà văn Thu Trân từng viết rằng nhiều truyện của Bùi Phan Thảo êm êm như một khúc sông trôi dài, trôi mãi. "Đến lúc dừng lại thì người đọc đã có phần "say sóng" do những nhân vật của anh, những cốt truyện của anh ân tình quá, sâu xa quá, da diết quá. Kiểu như đứng ngóng mãi một con đò. Và rồi, "bóng người xưa" cũng xuất hiện bên kia sông". Tác giả đem lại những dư ba lắng đọng trong tâm tưởng người đọc qua những truyện nhuốm màu ký ức, với những tình yêu, thân phận con người, như "Bóng thời gian", "Trên những phận người", "Và gió còn thổi mãi"… Những trang viết đẹp về Angkor, về mảnh vườn xưa ở Huế ngày nào, cùng ngọn gió hun hút thét gào trên những mái phố cao nguyên ngày trẻ dại và những bi kịch đời người, cũng như cách nhân vật đã sống thật đẹp, đã yêu trọn vẹn và chấp nhận mất mát, thiệt thòi…

"Búp bê áo rách" cũng đem đến cho người đọc những câu chuyện rất đời. "Lá vẫn xanh đời" là những quan sát tinh tế về khung cảnh và những diễn biến ở trong và ngoài phòng bệnh tại bệnh viện, thấp thoáng những cảnh đời sau từng số phận, để thêm yêu thương đấng sinh thành và cuộc sống. "Búp bê áo rách" - tên truyện làm đề tựa cho tập truyện - kể về cô bé con của chị nhân viên đoàn cải lương từ miền Nam ra lưu diễn ở cao nguyên. Cô bé chỉ có con búp bê cũ nát để làm bạn. Chàng cán bộ Sở Văn hóa Thông tin ngày đó thương cháu bé nghèo đã về Sài Gòn mua búp bê và áo mới cho búp bê để tặng cháu. Nhưng cô bé đã bị cơn sốt rét rừng lấy đi mạng sống. Chàng chỉ kịp tiễn em đi trong một ngày mưa, nghĩa trang nhỏ hiu hắt buồn.

Còn với "Song sinh" là một tấn trò đời với các lớp lang, phơi bày ra cái bi hài của đời sống. Ông thương gia nước ngoài, không có con trai, sang Việt Nam làm ăn đã lấy vợ nhỏ. Cô vợ có thai, là con gái nên đã bày trò là cô mang song thai, rồi "mua" một bé trai sơ sinh. Ông bố sang Việt Nam thăm con, chỉ cưng nựng đứa con trai với niềm vui có người nối dõi mà bỏ quên cô "công chúa" nhỏ ở góc phòng với đôi mắt trong veo ngơ ngác...

Chất "đời" cũng đầy đặn trong truyện "Số không" hay "Ảo ảnh" trong tập truyện ngắn này. Những va đập đời sống lên từng hạnh phúc gia đình, mầm mống của đổ vỡ, sự giả dối và trơ lì trong cảm xúc của từng thành viên đối với nhau…, cho thấy hạnh phúc đơn sơ mà quý giá hơn sự phù phiếm của tiền bạc, danh vọng. Khi đánh mất hoặc sắp đánh mất họ biết ra điều quý giá đó thì đã muộn. 

Dĩ nhiên, nhà văn không thể đứng ngoài thời cuộc, nhất là những vấn đề của nhân loại, đang diễn ra nóng bỏng, tác động tới toàn cầu như đại dịch Covid-19. Bùi Phan Thảo viết “Người về” với nhân vật chính là Nhiên, du học sinh từ Mỹ trở về trong những ngày dịch Covid-19 hoành hành trên thế giới. Tâm trạng lo lắng của cha mẹ Nhiên, hành trình về nước, những diễn biến ở khu cách ly… đã nêu bật không khí khẩn trương, quyết liệt và đong đầy tình cảm của người dân nước Việt trong cuộc chiến chống dịch bệnh.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo