Bước vào tháng 3, lượng khán giả đến Nhà hát Trần Hữu Trang, rạp Hồng Liên (quận 6, TP HCM), Sân khấu Sen Việt (Hội Sân khấu TP HCM), Nhà Văn hóa Sinh viên TP HCM... để xem cải lương tăng trở lại. Qua đó, giới chuyên môn lạc quan, tin tưởng vào sự khởi sắc đáng mừng của sàn diễn cải lương.
Tín hiệu vui
Vở "Ngược gió" - tác giả Tiết Duy Hòa, soạn giả Hoàng Song Việt chuyển thể cải lương, NSND Trần Ngọc Giàu dàn dựng - vừa ra mắt đã giữ chân hàng trăm khán giả đến phút cuối. Trước đây, vở kịch này đã diễn thành công tại Sân khấu Thế Giới Trẻ, nay được chuyển thể cải lương mang đậm nét trữ tình đã chạm đến trái tim người mộ điệu.
Với mô típ cải lương xưa, lấy bối cảnh miền Tây, xoay quanh nhân vật chính - anh Trôi bán chiếu - vì yêu mà nhận làm chồng hờ của một cô gái bị ông chủ lò gạch ép làm vợ lẽ. Thậm chí nhận là tác giả cái bào thai của cô, rồi khi cô mất tích, anh chèo ghe đi tìm cô suốt 2 năm, mặc cho cô bạn thân yêu thầm anh vẫn một lòng chờ đợi. Mối tình ngang trái của bộ ba Trôi - Nương - Là dễ lấy nước mắt khán giả.
Bên cạnh đó, vở "Người yêu của đảo chúa" (Nhà hát Trần Hữu Trang) do đạo diễn - NSƯT Lê Trung Thảo dàn dựng sẽ công diễn tối 26-3 và "Khát vọng vương quyền" (Sân khấu Chí Linh - Vân Hà) do nghệ sĩ Chí Linh dàn dựng diễn tối 9-4 cũng xoáy sâu vào chất văn học, tạo cảm xúc cho người xem với hình thức dàn dựng mới.
Một cảnh trong vở cải lương “Ngược gió” của Nhà hát Trần Hữu Trang
Theo soạn giả Hoàng Song Việt, trả lại cho sàn diễn cải lương những vở diễn đúng chất mùi mẫn, văn phong trữ tình và có sự đổi mới, chăm chút về hình thức dàn dựng, nhất là âm nhạc trong giai đoạn này là nỗ lực để tạo sự bứt phá cho sàn diễn cải lương.
Soạn giả Hoàng Song Việt bày tỏ: "Tác phẩm "Nàng Xê Đa" của Sân khấu Cải lương mới Đại Việt được bạn đọc Báo Người Lao Động bầu chọn Giải Mai Vàng lần thứ 27-2021, cho thấy khán giả đòi hỏi sàn diễn cải lương phải tập trung khai thác những vở diễn đậm chất văn học, đủ liều lượng trữ tình. Lâu nay do chạy theo các tiêu chí chủ đề liên hoan, hội diễn, người xem khó tìm được cảm xúc, đó cũng là lý do vì sao nhiều vở chỉ để dự thi rồi cất kho".
Tín hiệu vui là 2 vở diễn kinh điển được công chúng yêu cầu tái diễn là "Tiếng trống Mê Linh" (suất tối 19-3), "Nàng Xê Đa" (suất tối 23-4, cùng tại Nhà hát Trần Hữu Trang), đã bán gần hết vé. Sắp tới, bên cạnh một số kịch bản văn học sẽ lần lượt được Nhà hát Trần Hữu Trang và sân khấu xã hội hóa đưa lên sàn tập thì vở cải lương tuồng cổ "Tiêu Anh Phụng" cũng sẽ khởi tập để đáp ứng mong đợi của khán giả về thể loại tuồng xưa mà nhân vật chính là đào võ.
Phải hợp lực
Đạo diễn - NSND Trần Minh Ngọc đánh giá cao nỗ lực chuyển mình của các sàn diễn cải lương hiện nay, khi một số vở diễn theo đuổi chất chính kịch trong dàn dựng, nội dung, thay vì chỉ bám thể loại hài hoặc hô hào khẩu hiệu. Việc khai thác triệt để chất mùi mẫn, theo đúng niêm luật "trung - hiếu - tiết - nghĩa" và nhất là sử dụng nguồn kịch bản dựa theo tác phẩm văn học thì khán giả sẽ hưởng ứng.
"Việc Nhà hát Trần Hữu Trang kết hợp với Nhà hát Tây Đô (TP Cần Thơ) trao đổi vở diễn luân phiên theo từng tháng, như vừa qua tác phẩm "Cánh buồm ngược gió" đưa lên TP HCM biểu diễn đã tạo được ấn tượng đẹp" - NSND Trần Minh Ngọc đánh giá.
Giới chuyên môn nhận xét vở cải lương "Cánh buồm ngược gió" (soạn giả Phạm Hữu Tùng, biên tập Đức Hiền, NSND Trần Ngọc Giàu đạo diễn, thiết kế sân khấu: cố NSND Phan Phan - nghệ sĩ Trần Thiện), xứng đáng mở đầu cho kế hoạch giao lưu biểu diễn giữa 2 đơn vị nghệ thuật lớn của 2 thành phố.
Khán giả đến xem và cổ vũ các nghệ sĩ của Nhà hát Tây Đô trước hết là kịch bản đậm chất văn học, được dàn diễn viên tài năng thể hiện đầy cảm xúc. Nhất là tiếng vang của vở đoạt HCB tại Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2018 và 2 nghệ sĩ Hoàng Khanh (vai Bùi Hữu Nghĩa) và Hồng Thủy (vai bà Nguyễn Thị Tồn) đoạt 2 HCV; nghệ sĩ Hồng Giang (vai Thái hậu Từ Dũ) đoạt HCB cá nhân.
Ông Phan Quốc Kiệt, Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang, cho biết sắp tới nhà hát sẽ đẩy mạnh việc tổ chức quảng bá các HCV giải Trần Hữu Trang năm 2020 để lấy đà cho việc tổ chức mùa giải thứ 2 năm 2022. "Phần lớn đều chọn tác phẩm văn học, kinh điển, giữ đúng nguyên mẫu và có sự chăm chút về mặt hình thức để chuyển tải đến người xem nhiều cảm xúc, cần thiết nhất của nghệ thuật cải lương" - ông Kiệt nhấn mạnh.
Theo đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn (Sân khấu IDECAF), sàn diễn cải lương không khéo sẽ chỉ sống theo thời vụ, rộ lên theo sự kiện, lễ hội rồi sau đó như lửa rơm vụt tắt. "Muốn duy trì nội lực thì việc đầu tư nguồn kịch bản theo tiêu chuẩn tổ chế tác để nhiều tác giả cùng tham gia dự án, tạo chuỗi sự kiện quảng bá, có trọng tâm mới vực dậy sàn diễn cải lương. Để tạo sức lan tỏa lâu dài, phải hợp lực chứ không thể làm đơn lẻ như lâu nay" - ông Tuấn nói.
Bình luận (0)