Bên cạnh 10 vở diễn thu hút khán giả với thương hiệu "Ngân mãi chuông vàng" và tác phẩm mới, Đài Truyền hình TP HCM (HTV) đã lên kế hoạch thực hiện chương trình cải lương 60 phút, quy tụ nhiều nghệ sĩ ngôi sao và lực lượng diễn viên xuất thân từ cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ". Khán giả trung thành của cải lương màn ảnh nhỏ có dịp xem trọn vẹn những vở cải lương truyền hình được dàn dựng công phu, hình thức và bố cục dàn dựng hấp dẫn người xem đến bất ngờ, đầy lôi cuốn.
Đặt chất lượng lên hàng đầu
Sàn diễn cải lương trước cơn đại dịch phải tạm tắt đèn, chưa biết ngày nào mới khôi phục, việc các ngôi sao chạy sô cũng không còn là vấn đề, lúc này là thời điểm vực dậy cải lương truyền hình.
Đội ngũ biên tập, đạo diễn, dàn nhạc cổ và các nghệ sĩ đã ý thức rõ hướng đi mới nhằm xây dựng các vở diễn, chương trình cải lương đạt chất lượng theo yêu cầu để phục vụ khán giả xem đài.
Không còn cảnh quay hình chụp giựt do phải chờ đợi ngôi sao, các vở cải lương như: "Chuột đồng, chuột chợ", "Tết này mới thật là xuân", "Y Ban và nàng tiên", "Hoa đất", "Người đẹp trong tranh", "Yêu thầy"... đã được chăm chút về nội dung, diễn xuất, cảnh trí, âm nhạc. Sau khi phát sóng các vở này đã nhận được lời khen ngợi.
Cảnh trong vở “Chuột đồng, chuột chợ” Ảnh: LÂM VIÊN
Hiện tượng không thuộc lời kịch bản đã được khắc phục, không còn trường hợp thu tiếng hát trước do nghệ sĩ phải chạy sô hụt hơi. Nghệ sĩ lúc này đến sàn quay đã nghiêm túc học tuồng, từ lời thoại cho đến lời ca, các cảnh diễn được thu hình nhuần nhuyễn, tạo hiệu ứng tốt.
NSND Thanh Vy nhận xét: "Hơn 35 năm về trước, thật thích thú khi ngồi trước màn ảnh nhỏ thưởng thức những vở như: "Ngao Sò Ốc Hến", "Tiếng hò sông Hậu", "Tô Ánh Nguyệt", "Đời cô Lựu", "Tiếng trống Mê Linh", "Bên cầu dệt lụa", "Nữ tướng cờ đào", "Áo cưới trước cổng chùa"... Nghệ sĩ nào được lên màn ảnh nhỏ sẽ nhanh nổi tiếng. Nhân mùa đại dịch này, hướng đầu tư tác phẩm được cải thiện, đặt chất lượng nghệ thuật lên hàng đầu sẽ là cơ hội cho cải lương truyền hình phát triển".
Nghệ sĩ Võ Minh Lâm cho biết nghệ sĩ nhận kịch bản sớm, nghiên cứu, thẩm thấu kịch bản và dành thời gian làm việc với đạo diễn, tập dượt, phối hợp với ban nhạc cổ. "Học tuồng thật thuộc thì diễn xuất sẽ suôn sẻ, tạo hiệu ứng đồng bộ với bạn diễn. Những yếu tố đó đã là nền tảng để cùng nâng chất lượng của cải lương truyền hình" - nghệ sĩ Võ Minh Lâm bộc bạch.
Thủ pháp dàn dựng sắc bén
Để những vở cải lương truyền hình thực sự bước ra ngoài cuộc sống, ở lại trong trái tim của khán giả yêu thích bộ môn nghệ thuật này, trở thành "món ăn đặc sản" của số đông khán giả thì thủ pháp dàn dựng đúng ngôn ngữ truyền hình là điều kiện tiên quyết.
NSƯT - đạo diễn Lê Cường bày tỏ: "Ở giai đoạn trước, khi sàn diễn cải lương còn hưng thịnh, cải lương truyền hình "mạnh" theo là điều dễ hiểu. Nay, thể hiện nỗ lực lớn của những người làm cải lương truyền hình, chúng tôi cố gắng dàn dựng bằng thủ pháp mới mẻ. Lợi thế là đặc tả cận cảnh, đúng chất mùi mẫn của cải lương và gửi gắm vào kịch bản hơi thở cuộc sống để có thể gây ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả".
Vở "Chuột đồng, chuột chợ", kịch bản và đạo diễn là nghệ sĩ Linh Trung, đã cuốn hút người xem bởi mang tính thời cuộc.
Hiện nay, vở "Một ngày làm vua" của soạn giả - NSND Viễn Châu đã được lên sàn tập, tuân thủ quy định về giãn cách xã hội, từng lớp diễn đã được ráp nối chờ ngày quay hình. Điều đáng quý là các vở diễn đã tạo được "đất dụng võ" cho thế hệ diễn viên trẻ. "So với thế hệ "nghệ sĩ vàng" trước đây, các bạn trẻ chưa có lực nhưng càng xuất hiện nhiều, với ý thức rèn luyện nghề nghiêm túc, họ đã tạo được sự mới mẻ trong ca diễn. Cách dàn dựng không bị dàn trải, bối cảnh và không gian được dàn dựng hiện đại. Có những cảnh quay ngoài trời rất sinh động, tạo hiệu ứng tốt" - NSND Thoại Miêu tâm đắc.
Về âm nhạc, NSND Thanh Hải nhận xét: "Chính nhờ cách tập dượt có bài bản, có sự phối hợp đồng bộ nên dàn cổ nhạc đã hòa quyện được với tiếng hát nghệ sĩ. Các vở diễn dù được biên tập cắt ngắn cho đúng với khung giờ phát sóng nhưng vẫn giữ được độ chín mùi của từng lớp diễn. Giữ chất trữ tình vốn là nét đặc trưng của cải lương trên màn ảnh".
Sắp tới, chương trình cải lương 60 phút do Ban Văn nghệ HTV triển khai hứa hẹn sẽ dàn dựng được nhiều vở cải lương ngắn, bám chặt thời sự, tìm được sự đồng cảm của người xem qua nỗ lực làm mới cải lương truyền hình.
Đưa đến người xem cảm xúc chân thật
Theo đạo diễn - NSND Trần Minh Ngọc, lâu nay, đa phần cải lương truyền hình khó tìm được kịch bản "đi vào cuộc sống". Ngôn ngữ phim truyện khi đưa vào cải lương theo kiểu khai thác "phim truyện truyền hình" rất khó xử lý bởi hành động và các tình huống đòi hỏi phải thực tế, diễn ra đúng tâm trạng. Do đó, khi màn ảnh nhỏ chủ trương dựng vở trong phim trường, cảnh trí được thiết kế đẹp, đã chuyển tải được hình thức ca diễn của cải lương theo ngôn ngữ sàn diễn được quay hình. Tuân thủ theo đúng cảm xúc thăng hoa của diễn viên có sự tương tác với dàn nhạc. Đây là thủ pháp thú vị để đưa đến người xem cảm xúc chân thật của nghệ thuật cải lương".
Bình luận (0)