Chuyện đi lại của người Đàng Trong
Trong cuốn sách "An Nam qua du ký của thủy thủ Nhật Bản cuối thế kỷ 18" (Shihoken Seishi), các thủy thủ Nhật Bản bị sóng gió đánh giạt vào biển Ðông và được người An Nam cứu giúp, đưa vào đất Gia Ðịnh. Ðôi chân của người An Nam khiến họ chú ý: "Ở đây, có loại guốc Geta bằng gỗ như của người Nhật nhưng có hình dạng (dài) như cái cối chày và tương tự như giày không cổ. Mà dù trời có mưa hay không, đa số người dân đều đi chân không...". Trong lúc đó, người dân địa phương chú ý cách các thủy thủ Nhật phải lấy rơm rạ bện thành các đôi giày hở gót và các ngón chân để đi. Nhiều trẻ em đến học cách làm để đi lại.
Sách "Ngàn năm áo mũ" của tác giả Trần Quang Ðức nghiên cứu khá đầy đủ về y phục các triều đại phong kiến Việt Nam, cũng đề cập sơ lược về các loại hia, giày của các giới nhưng ít đề cập đến người dân bình thường đi lại bằng cái gì trên đôi chân.
Trong phần Y phục dưới triều Nguyễn (từ đầu thế kỷ 19 đến năm 1945) cũng chỉ có vài câu ngắn nói về các đôi hia, giày của vua chúa, hoàng hậu, công chúa: "Hia làm bằng tơ Bát ty màu thâm thêu rồng mây... bên trong lót lĩnh bóng màu bảo lam". Ðến triều vua Minh Mạng, quy định y phục của công chúa có một đôi tất bằng lĩnh và đôi hài bằng tơ Xích vũ thêu phượng...
Mô tả về trang phục dân gian từ thời Tây Sơn đến chúa Nguyễn, kể cả sử gia Trần Trọng Kim cũng chỉ nói đến áo quần mà không thấy đề cập đến giày dép của giới bình dân hay nông dân. Nhưng theo Viện Viễn Ðông Bác cổ, "... Binh lính triều Nguyễn tuyệt đại đa số đều đội nón đi chân đất, sự phân biệt giữa các hạng lính chủ yếu ở áo mão".
Ðến thời Minh Mạng, "quan viên Việt Nam đi ra ngoài cũng đều đi đất". Vậy thì những ghi chép của các thủy thủ Nhật Bản về việc đi chân không của người dân xã hội An Nam thời đó cũng không có gì lạ!
Giày dép của cư dân cảng thị Hội An
Nhà "Hội An học" Nguyễn Bội Liên (1911-1996) từng nói rằng "cái thứ vật lót chân cho khỏi bùn đất" ấy đã hiện diện trong đời sống Hội An từ thế kỷ 18 bằng đôi guốc tre rồi đến gỗ, qua đến thế kỷ 20 thì nó đã trở nên phổ biến lắm rồi.
Tôi từng nghe ở nông thôn Quảng Nam thời xưa, người ta từng lấy những gốc tre già có cựa, có u để đẽo ra làm đế các đôi guốc tre và dùng các sợi mây xỏ vào ngón chân cái vòng ra sau làm quai. Người nghèo khó thì dùng mo cau, mo nang tre đan vào mấy lớp rồi cũng lấy sợi mây hay bẹ chuối khô làm quai.
Cha tôi nói loại dép này bán ở chợ khá rẻ, gọi là "dép mo" nhưng chỉ mang ít ngày thì hỏng. Ở các làng quanh Ðiện Bàn hồi chống sưu thuế đầu thế kỷ 20, người ta cũng dùng gỗ cây mức, cây thầu đâu (sầu đông) vốn là loại gỗ nhẹ để đẽo ra thành các đôi "guốc xà lang" có quai ngang phía trước bằng mấy sợi mây. Sau đó thì thay quai bằng ruột xe hơi cắt ra. Ở Huế lại có loại guốc Huế quai da trâu, mũi nghếch cao phía trước, sơn đen có chạm trổ đưa đi bán nhiều nơi.
Theo Nguyễn Bội Liên, đến năm 1920, ở phố cổ bắt đầu có loại giày dừa làm bằng gỗ vông, bọc nhung đen hoặc đỏ, có thêu hoa bằng chỉ màu, mũi giày nghếch cao như mũi rồng, dành cho các nhà quan hay giới quý phái. Giày hạ bọc bằng da đen láng. Từ những năm 1920-1930, các loại giày, guốc bắt đầu có thêm nhiều cải tiến như giày mui, giày cườm cho nữ giới, guốc gỗ đóng quai da, hai bên đóng đinh sắt. Ở Hội An có thêm loại guốc gỗ xâu dây dừa làm quai khá bền. Từ xứ dừa Tam Quan đưa ra loại dép làm bằng nhau cây dừa xếp lên nhau khoảng 3 cm, được kết lại bằng các sợi mây nhỏ, có quai ngang bọc vải rất được giới thượng lưu ưa thích dùng để đi trong nhà. Cụ Liên còn phát hiện thêm loại guốc chốt bằng gỗ, sơn vàng, có một chốt như tay cầm con dấu ở giữa ngón chân cái và ngón thứ hai nhưng cũng như loại guốc xuồng xuất xứ từ Sài Gòn bán ra, không thông dụng lắm...
Cũng như các quan ở kinh đô từ thời vua Khải Ðịnh bắt đầu dùng giày da như phương Tây, tại Hội An, các thầy phán, thầy thông cũng thức thời với vài loại giày da hoặc sandale quai chéo, đi xe đạp đến sở làm.
Thập niên 1940 trở đi, phụ nữ bắt đầu diện vài loại giày, guốc cao gót, tuy bằng gỗ sơn đen nhưng có đế cao su bằng vỏ xe nên khá êm ái. Xu hướng này kéo dài đến sau năm 1950 với các loại guốc gỗ quai da, dép đế cao su. Cũng thời gian này, các loại dép đế cao su, quai bằng ruột xe cao su bắt đầu xuất hiện từ Huế, Ðà Nẵng đến nhiều vùng tạm chiếm, người ta gọi là "dép cụ Hồ", có thể đi trong mưa và lội qua khe suối. Tất nhiên giày da bóng vẫn là thời trang của giới công chức ở các đô thị. Sau năm 1954, các loại dép cao su dần được thay bằng dép rọ, sandale bằng nhựa tổng hợp hoặc cao su đúc...
Trong lúc phụ nữ ở các đô thị miền Nam chạy theo các loại guốc cao gót bằng gỗ hoặc giày cao gót bằng da, các mệnh phụ phu nhân lại chuộng các loại hài thêu đắt tiền, cánh mày râu vẫn đi giày da bóng lộn tới công sở hoặc giày sa-pô khi ở nhà. Từ các năm 1965 trở đi, các loại giày vải mang nhãn hiệu Bata xuất hiện khắp nơi, đến sau năm 1975 vẫn còn thịnh hành, khi loại "dép râu" bằng cao su quay trở lại.
Ở miền Bắc, ngoài các loại giày da dành cho giới chức ngoại giao, cán bộ lãnh đạo trong các dịp lễ tân, chúng ta được biết có công ty giày dép quốc doanh Tiền Phong nổi tiếng với các loại giày dép, sandale bằng nhựa PVC, hay hiệu guốc nhựa Thiên Nga nổi tiếng một thời với các loại guốc cao gót dành cho phái nữ từ đầu thập niên 1970.
Tôi hỏi người Việt mang dép từ khi nào thì không ai biết. Có người nói do thời tiết không ẩm thấp và sinh hoạt văn minh lúa nước nên người Việt không mang dép (!). Chỉ biết có câu "Chạy mất dép" thì chắc cũng có từ non thế kỷ lại đây thôi.
Khi tôi còn nhỏ lại biết có đôi dép Nhựt gắn liền với các phụ nữ Nhật mặc kimono. Sau 1975 thì được gọi là dép Lào có lẽ từ thị trường Thái Lan nhập về. Sang Thái Lan lại thấy các sư sãi khất thực trên đường toàn mang loại dép ấy.
Khi đời sống vật chất khá dần lên, văn minh tỏa khắp toàn cầu thì đôi dép, đôi giày của người Việt ngày nay cũng là một món trang sức. Vì vậy mà các hãng, hiệu sản xuất, buôn bán giày dép ngày càng sôi động trên thị trường. Tôi vừa đi dự một cuộc họp cuối năm ở miền núi Quảng Nam. Tiệc tổ chức trên nhà làng, bên ngoài hành lang bằng gỗ ván, giày dép đủ loại của khách lẫn chủ xếp ngổn ngang, ken dày. Hình ảnh đó, của "cái thứ vật lót chân" như cách nói của cụ Nguyễn Bội Liên, gợi cho tôi viết bài này để hầu bạn đọc.
Bình luận (0)