Mỗi lần giới thiệu về đờn ca tài tử, giáo sư Trần Văn Khê đều nhắc đến điệu Nam Xuân. Với cả người ngoại đạo lẫn dân trong nghề, nếu đã nghe đờn ca tài tử thì ắt phải có ít nhất một lần được thưởng thức điệu Nam Xuân.
Hơi Xuân, điệu (hay bài) Nam Xuân là một sáng tạo mang đặc trưng Nam Bộ. Điệu Nam Xuân trong đờn ca tài tử không thấy ở bất cứ thể loại âm nhạc nào khác, dù tên bài bản Nam Xuân có thể hiện diện trong nhạc mục của ca Huế, hát tuồng Huế, hát bội Nam Bộ, nhạc lễ Nam Bộ, kể cả thể loại lý - dân ca Nam Bộ.
Với tính chất âm nhạc thư thái, nhịp độ thong thả, tiết tấu chững chạc, hơi Xuân trong nhạc tài tử nghe thảnh thơi, thong dong, thư thả, nhẹ nhàng nhưng thâm trầm, sang trọng. Điệu Nam Xuân tạo cảm giác thanh thoát, trong lành, có thể mường tượng giống sự thanh tịnh, trang trọng của không khí gia đình sáng mùng 1 Tết, mà ai cũng có thể cảm nhận trong mùi hương trầm lan tỏa, ánh sáng ban mai lóng lánh bên giọt sương trên cành mai ngày đầu năm mới. Hơi Xuân cũng mang vẻ trầm hùng, uy nghiêm khi thể hiện những nội dung hào hùng về lịch sử dân tộc.
Với cả người ngoại đạo lẫn dân trong nghề, nếu đã nghe đờn ca tài tử thì ắt phải có ít nhất một lần được thưởng thức điệu Nam Xuân. Ảnh: Ngọc Trinh
Đến nay, hầu như chưa có tài liệu nào công bố nguồn gốc, người sáng tạo hơi, điệu Nam Xuân trong nhạc tài tử. Chỉ thấy bài Nam Xuân trong tư liệu thành văn sớm nhất là sách "Bản đờn tranh và bài ca" do Phụng Hoàng Sang chủ bút, hợp tác với Nguyễn Tư Bá - bản còn được lưu giữ là lần xuất bản năm 1905.
Trong nghi lễ cúng đình ở Nam Bộ, bài Nam Xuân được đờn khi lễ sinh dâng tuần rượu thứ nhất. Âm nhạc trong hầu hết những nghi thức đều là bài "Ngũ Đối Hạ" và "Đảo bụa"; còn bài Nam Xuân và lớp trống Xuân chỉ xuất hiện lần duy nhất khi dâng tuần rượu đầu trong lễ Đoàn cả (lễ chính của cúng đình ở Nam Bộ) nên còn gọi là lễ Tế Xuân. Thực tế, âm sắc bài Nam Xuân trong nhạc lễ không giống điệu Nam Xuân của nhạc tài tử. Bài Nam Xuân khi đờn trong nhạc lễ, người trong nghề cho là "nghe mùi nhang khói"!
Trong âm nhạc hát bội Nam Bộ, hơi Xuân được đờn trong những tình huống kịch: Khi vua, quan, công chúa, hoàng tử... dạo trong vườn hoa hay đi trên đường thiên lý; khi hay tin thi đậu - đỗ đạt; khi "nói lối" để động viên, khuyên nhủ... Hơi Xuân đệm cho nói lối Xuân, ngâm (thơ) giọng Xuân, hát Nam Xuân. Thế nhưng, điệu, hơi Nam Xuân trong hát bội Nam Bộ cũng không giống điệu, hơi Nam Xuân trong đờn ca tài tử.
Nhạc lễ và hát bội đã hiện diện ở Nam Bộ trước đờn ca tài tử, với biểu mục bài bản gồm: Nam Xuân, Nam Ai, Nam Đảo. Vậy nên, dễ công nhận rằng điệu, hơi Nam Xuân trong nhạc lễ và hát bội xuất hiện trước. Song, có lẽ bài bản trong nhạc lễ không chỉ được mang vào diễn tấu trong nhạc tài tử mà còn mang tính gợi ý cho sự sáng tạo khác. Bằng cách "chuyển hơi", 3 bài Nam Xuân, Nam Ai và Nam Đảo tuy được đàn trên hệ thống dây Nam, thang âm giống nhau, cùng chung nét nhạc ban đầu nhưng do thay đổi cách rung, mổ các bậc âm mà ta có 3 âm điệu khác nhau, 3 hơi nhạc khác nhau. Đây là kiểu biến hóa giai điệu vô cùng đặc trưng theo phong cách linh động, uyển chuyển... của người Nam Bộ.
Nhạc tài tử có nguồn gốc từ sự kết hợp của nhạc lễ Nam Bộ với lối chơi của nhạc thính phòng Huế. Ngược dòng thời gian và ngược dòng lịch sử âm nhạc, tính từ âm nhạc Huế, ta có thể tìm thấy điệu Nam Xuân trong nhạc mục của ca Huế cũng như trong bài bản của ca kịch bài chòi và tuồng Huế. Tên bài Nam Xuân xuất hiện trong nhạc mục của các thể loại này nhưng âm điệu đều khác với điệu Nam Xuân trong đờn ca tài tử.
Bài Nam Xuân (cũng như Nam Ai) trong hệ thống nhạc thính phòng - ca Huế thuộc hơi Nam còn trong nhạc tuồng được thể hiện với 2 hơi khác nhau. Lòng bản các bài Nam Xuân trong những thể loại này với điệu Nam Xuân trong nhạc tài tử Nam Bộ cũng hoàn toàn khác nhau. Khi nghệ nhân diễn tấu, ta sẽ thấy cùng một lòng bản nhưng họ có thể thể hiện bằng nhiều cách khác nhau, tạo nên những giai điệu ngẫu hứng chỉ giữ lại âm điệu mà giới nhà nghề gọi là "hơi, điệu".
Tìm lại ngọn nguồn và đặc trưng của điệu Nam Xuân thật sự làm chúng ta ngưỡng mộ trước những sáng tạo trong âm nhạc cổ truyền của cha ông. Sự khác nhau, tinh tế, chi tiết trong cách nhấn nhá, rung, luyến mỗi bậc âm; sự xê dịch trục âm, ngẫu hứng trong diễn tấu làm thay đổi, biến hóa giai điệu không chỉ giúp bài bản phong phú mà còn thể hiện phong cách các thể loại âm nhạc. Sự tách bạch, khác biệt trong mỗi giai điệu khiến chỉ trong một bài Nam Xuân cũng thể hiện đầy đủ đặc điểm của từng thể loại...
Mỗi thể loại âm nhạc dân gian nói riêng, loại hình nghệ thuật dân gian nói chung bao giờ cũng mang đến cho đời sống con người những giá trị. Và, có lẽ giá trị to lớn nhất của âm nhạc cổ truyền là ở chỗ đã cô đúc những nét đặc trưng, đầy sáng tạo của nghệ thuật âm nhạc dân tộc truyền thống.
Bình luận (0)