Đoàn kiểm tra, khảo sát của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật năm 2022 vừa đến thăm 3 đơn vị nghệ thuật: Nhà hát Trần Hữu Trang, Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM và Sân khấu IDECAF. Mục tiêu của đợt khảo sát này là nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, đề xuất chính sách đặc thù cho hoạt động văn hóa - nghệ thuật.
Đầu tư công có trọng điểm
NSƯT Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM, cho biết mong muốn của nhiều văn nghệ sĩ hiện nay là thành phố có một cơ chế, chính sách đặc thù, tạo hành lang pháp lý để sân khấu thường xuyên sáng đèn; đồng thời lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật ở TP HCM nói chung có đủ lực thực hiện những bước đột phá, nhằm bảo đảm yêu cầu phát triển tương xứng với vị trí, tiềm năng và tầm vóc của một trung tâm văn hóa lớn.
Sau hơn 2 năm bùng phát đại dịch Covid-19, nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật tại TP HCM bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là đối với các đơn vị xã hội hóa. Chẳng hạn, Sân khấu Kịch Hồng Vân phải ngưng diễn; Sân khấu Trịnh Kim Chi không thể thuê mặt bằng lâu dài ở Trung tâm Văn hóa quận Phú Nhuận để hoạt động vì theo quy định, trung tâm không thể cho thuê dài hạn, chỉ cho thuê theo hợp đồng 3 tháng; Sân khấu Hoàng Thái Thanh phải tạm ngưng các suất diễn thường xuyên, chỉ duy trì diễn theo mùa...
"Hầu hết các sân khấu xã hội hóa tại TP HCM đều thuê hội trường của những trung tâm văn hóa. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, đời sống sàn diễn hết sức khó khăn, đứng trước nhiều thử thách. Vì vậy, cần sớm có cơ chế hỗ trợ phù hợp để văn hóa - nghệ thuật nói chung, các sân khấu xã hội hóa nói riêng có thể tiếp tục hoạt động" - ông Tôn Thất Cần, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, đề xuất.
Theo ông Phan Quốc Kiệt, Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang, để lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật đóng góp tích cực vào sự phát triển toàn diện của TP HCM, phát triển tương xứng với sự tăng trưởng kinh tế - xã hội, nghệ sĩ sân khấu truyền thống - trong đó có bộ môn cải lương - kiến nghị sớm có sự hỗ trợ cụ thể.
"Cần ưu tiên đầu tư công có trọng điểm đối với các thiết chế văn hóa - nghệ thuật chủ đạo. Lĩnh vực sân khấu truyền thống - gồm: hát bội, cải lương, ca múa nhạc dân tộc… - cần nhận được sự hỗ trợ kịp thời để tăng cường hoạt động quảng bá, đầu tư cho tác phẩm, phục vụ nhu cầu của người dân thành phố nói riêng và cả nước nói chung" - ông Phan Quốc Kiệt bày tỏ.
NSƯT Mỹ Uyên trao đổi với Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm (thứ 2 từ trái sang) khi đoàn công tác đến thăm Hội Sân khấu TP HCM
Chủ động "gỡ khó"
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thái Dương - đơn vị quản lý Sân khấu IDECAF, cho rằng cần sớm sửa đổi Luật Doanh nghiệp để các sân khấu có thể vay vốn kích cầu. Sau đại dịch, sân khấu không nằm trong danh sách 11 nhóm ngành thiết yếu. Vì vậy, rất cần bổ sung ngành văn hóa, trong đó có sân khấu, thuộc nhóm ngành thiết yếu. Ngoài ra, cần sớm ban hành luật về nghệ thuật biểu diễn.
"Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Cục Nghệ thuật Biểu diễn cần sớm có kiến nghị nhằm kịp thời có những nghị định, thông tư phù hợp, gỡ khó về mặt tài chính cho hoạt động xã hội hóa ở lĩnh vực nghệ thuật. Vấn đề cấp thiết để các sân khấu xã hội hóa hoạt động, tồn tại là nguồn vốn" - ông Huỳnh Anh Tuấn nêu ý kiến.
Ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đánh giá cao những kết quả nổi bật trong lĩnh vực văn hóa - văn nghệ của TP HCM thời gian qua. Đặc biệt, trong bối cảnh vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, Thành ủy TP HCM đã nỗ lực tổ chức, triển khai nhiều công việc gắn sát với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; cụ thể hóa những ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc.
Ông Trần Thanh Lâm đề nghị trong thời gian tới, Thành ủy TP HCM cần quan tâm tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt hơn nữa các chương trình hành động của Đảng bộ thành phố nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật. Bên cạnh đó, bổ sung những kết luận tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào các đề án, chương trình hành động của TP HCM trong thời gian tới.
TP HCM cần nghiên cứu giải pháp cụ thể nhằm xử lý hài hòa giữa phát triển các hoạt động văn hóa - văn nghệ quần chúng và chuyên nghiệp. Quan tâm đầu tư có trọng điểm, tạo sự đột phá về cơ sở vật chất, trang thiết bị đối với các thiết chế văn hóa - thể thao; nâng cao hiệu quả hoạt động của các công trình trong việc phục vụ, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và thụ hưởng văn hóa của người dân.
"Phải chủ động tìm cách "gỡ khó" về mặt cơ chế trong việc đào tạo tài năng văn hóa - nghệ thuật. Chú trọng hơn nữa công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ, những tài năng nghệ thuật cho TP HCM và đất nước" - ông Trần Thanh Lâm nhấn mạnh.
Bình luận (0)