Hiện nay, khả năng hỗ trợ địa điểm để biểu diễn là không khả thi. Thực tế cho thấy, nếu có giảm giá thuê rạp mà chất lượng vở diễn kém thì sẽ không có khán giả. Giải pháp các đơn vị sân khấu xã hội hóa gửi đề cương để thông qua kịch bản theo cơ chế đặt hàng, qua đó sẽ hỗ trợ kinh phí để dựng vở, cũng khó thực hiện vì nhiều đề cương có nội dung rất hay nhưng lại không dàn dựng được. Một trong những lý do dẫn đến ách tắc này là khó quy tụ được các nghệ sĩ ngôi sao. Trở ngại khác là hiện nay sân khấu xã hội hóa không thể nhận hỗ trợ của nhà nước theo hình thức đặt hàng, vì chưa có cơ chế.
Theo NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, đề xuất "hỗ trợ giá vé" là hình thức hỗ trợ khả thi từ phía nhà nước, cho các đơn vị sân khấu xã hội hóa.
Một cảnh trong vở kịch sử Việt “Thái hậu Dương Vân Nga” trên Sân khấu Kịch Hồng Vân
Cụm từ "sân khấu xã hội hóa" như một cách định danh, chính thức ra đời từ sau năm 1997 (khi nhà nước ban hành chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn học nghệ thuật). Theo đó, bên cạnh các đơn vị sân khấu công lập trên cả nước, còn có các đơn vị sân khấu tư nhân, mà TP HCM là nơi tập hợp loại hình này nhiều nhất.
Hiện nay, chỉ còn các đơn vị xã hội hóa còn hoạt động cầm chừng như: Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM (5B), Sân khấu IDECAF, Sân khấu Hoàng Thái Thanh, Nhà hát Thế giới trẻ, Sân khấu Kịch Hồng Vân, Sân khấu Hồng Hạc... Thời gian qua, các sân khấu xã hội hóa này đã nỗ lực rất nhiều nhưng vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn. Sân khấu Kịch Hồng Vân đã tạm ngưng hoạt động sau 22 năm tồn tại; Sân khấu Hoàng Thái Thanh chỉ cầm cự diễn kịch theo mùa...
Theo những người trong cuộc, kiến nghị nhà nước hỗ trợ giá vé trong giai đoạn này cho sân khấu xã hội hóa, là giải pháp cần thiết và khả thi. Chỉ có cách vận hành theo hình thức trợ vé của nhà nước dành cho các vở diễn có nội dung tốt của các sân khấu xã hội hóa, sẽ vừa cứu nguy sàn diễn vừa tạo điều kiện để khán giả hưởng thụ văn hóa xem nghệ thuật tại nơi công cộng.
Bình luận (0)