Hằng năm, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Hội Sân khấu TP HCM đều tổ chức trại sáng tác để tìm nguồn kịch bản chất lượng, đáp ứng nhu cầu dàn dựng, biểu diễn cho sân khấu. Thường các trại đều đặt ra tiêu chí, chủ đề bám sát tình hình và sự kiện của từng thời điểm nhằm phục vụ cho yêu cầu tuyên truyền, giáo dục mang tính định hướng. Bên cạnh đó, trại cũng dành một tỉ lệ nhất định cho các kịch bản có đề tài xã hội đương đại, phản ánh những vấn đề nóng, thời sự nổi cộm trong cuộc sống. Hầu hết các kịch bản được chọn là của các tác giả có nghề và kinh nghiệm sáng tác.
Hàng trăm kịch bản cất kho
Nói về vấn đề này, tác giả Ngọc Trúc cho biết tham gia trại, từng kịch bản đã được đọc để có những góp ý chân thành của cả trại. Do vậy, sau khi tác giả chỉnh sửa, chất lượng kịch bản thường được nâng cao so với bản thảo ban đầu.
Theo tác giả Ngọc Trúc, hầu như sau mỗi trại đều có tác phẩm được chọn dàn dựng, công diễn và tham gia các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp. "Riêng về mặt này, các trại đã hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Nhưng các kịch bản mang tính định hướng lại ít yếu tố giải trí và khó chạm vào chiều sâu tình cảm cá nhân, gia đình cùng với những bức xúc nội tâm trong cuộc sống vốn nhiều biến động. Cho nên không lay động được trái tim khán giả, bởi khi xem vở diễn, họ không tìm được chính mình trong đó" - tác giả Ngọc Trúc, người đoạt giải A trại sáng tác năm 2020 với kịch bản đang được Hội Sân khấu TP HCM dàn dựng "Người Nô làng hạnh phúc", chia sẻ.
Cảnh trong vở “Công lý như hề” (tác giả Vương Huyền Cơ) - Giải A của trại sáng tác kịch bản Hội Sân khấu TP HCM năm 2016
NSƯT - tác giả Phạm Ngọc Dương cho rằng hạn chế lớn nhất của trại hiện chính là các tác giả không thể cùng lúc đáp ứng được cả 2 yêu cầu: định hướng thẩm mỹ và giải trí. Chưa kể đến những mâu thuẫn về tiêu chí, bởi vào trại dễ sáng tác chủ quan và cảm hứng của tác giả, nên tác phẩm được viết không đặt mục tiêu cụ thể là sáng tác cho ai và nhắm đến đối tượng nào?
Hiện nay các địa phương đa phần đều nhận kịch bản về danh nhân địa phương mình nhưng những danh nhân đó hầu hết các bậc lão thành đã viết. Chính vì vậy, một đơn vị nghệ thuật không thể có 2 kịch bản về một danh nhân. Kế đến, các tác giả chưa hiểu sâu về nhu cầu của từng địa phương dẫn đến tình trạng kịch bản miền Nam thì miền Bắc khó dựng và ngược lại. "Thực tế lãnh đạo các đoàn nghệ thuật thường làm việc theo ê-kíp quen thuộc, khó chấp nhận người mới "lọt vào", đặc biệt là lớp trẻ, nên sàn diễn thiếu kịch bản hay, trại sáng tác hiếm có kịch bản của người trẻ được dựng và công diễn" - NSƯT Phạm Ngọc Dương nói.
Theo các nhà chuyên môn, hàng trăm kịch bản ra đời theo từng năm tháng của các trại, cứ thế nằm im trong ngăn kéo hoặc có dựng chỉ tham dự hội diễn, liên hoan, rồi cất kho.
Thiếu chủ đề trọng tâm
Đề xuất cải tiến, tác giả Ngọc Trúc cho biết: "Thời gian gần đây, Hội Sân khấu TP HCM nỗ lực liên kết với các đạo diễn, đơn vị nghệ thuật mời đến giao lưu cùng chi hội tác giả để tìm hướng ra cho kịch bản từ lúc ý tưởng còn sơ khai. Bởi lực lượng này tiếp cận sát sao cùng khán giả, sẽ có sự cảm nhận chính xác nhu cầu và thị hiếu của khán giả hơn so với tác giả. Nhưng tiếc là do dịch bệnh, các hoạt động gần như chững lại".
NSƯT Hạnh Thúy cho rằng tác giả cần đặt mình vào vị trí của đạo diễn, nhà sản xuất để hiểu tác phẩm mình viết khả thi không? Cần đặt mình vào vị trí khán giả để viết cho "thấm", đặt mình vào thời cuộc để cân nhắc phản ánh đời sống không khiên cưỡng. "Phải đặt mình vào nhân vật để sống với câu chuyện mình đã xây dựng, để nhân vật hành động trên tâm lý của nhân vật một cách chắt lọc, tinh tế chứ đừng áp đặt bản thân, luận điểm chủ quan dẫn đến sự gượng gạo, "lên lớp" - NSƯT Hạnh Thúy chia sẻ.
Thời gian dự trại theo các nhà chuyên môn chiếm quá nhiều cho việc tham quan du lịch. Nội dung các buổi giao lưu trong 15-20 ngày lại thiếu chủ đề trọng tâm. Trại chưa áp dụng công nghệ vào hành trình để trao đổi trước và sau chuyến đi về chủ đề thảo luận. Cần tổ chức xem những vở diễn từ các trại trước và vở diễn thị trường đang ăn khách để có sự so sánh, phân tích. Hiếm tác giả chịu đi xem kịch để đúc kết, chỉ nói một cách chủ quan, chưa đặt mình vào vị trí khán giả để hiểu và viết tinh tế.
Bên cạnh đó, không nhất thiết phải viết về địa phương là ca ngợi danh nhân, mà công chúng cần chính là phản ảnh tinh thần, con người và đời sống văn hóa ngay tại địa phương đó. "Điều đáng nói là ngôn ngữ văn học dài dòng, đôi lúc đánh đố khán giả, nên vở diễn từ trại có cái "bệnh" dài trên 3 giờ. Đọc thôi đã mệt, khi dựng đạo diễn và diễn viên phải gia cố, cắt xén, dẫn đến mâu thuẫn giữa người viết và người dựng. Cần chấn chỉnh những điều này để trại sáng tác kịch bản sân khấu sau đợt giãn cách xã hội đi vào trọng tâm, phản ánh tích cực đời sống hôm nay" - một nhà chuyên môn nói.
Bình luận (0)