Tác giả Vương Huyền Cơ
Theo tác giả Vương Huyền Cơ, trại sáng tác là một loại hình sinh hoạt văn học nghệ thuật, tập hợp các văn tài để viết những tác phẩm phục vụ đường lối, chính sách của nhà nước. Thập niên 1980 - 1990, chủ trương này rất hiệu quả, có những tác phẩm nổi danh từ các trại sáng tác.
"Nhưng hơn mười mấy năm trở lại đây, cách làm này không còn hiệu quả bởi thế giới đã phẳng, internet kết nối tới hang cùng ngõ hẻm, sự kiện gì mới xảy ra trên thế giới thì nơi hẻo lánh cũng đã rõ. Trại sáng tác vẫn tiếp tục tồn tại, cách làm vẫn vậy nhưng văn tài đã cạn kiệt..." - tác giả "Xóm nhỏ Sài Gòn" (Sân khấu IDECAF), một tác phẩm đình đám trong Liên hoan Sân khấu mùa thu tại TP HCM, cho biết.
Cảnh trong vở hài "Nàng Hến tầm xuân" của tác giả Vương Huyền Cơ trên sân khấu Nhà hát Kịch TP HCM
Theo tác giả Vương Huyền Cơ, loại hình nghệ thuật nào cũng có trại sáng tác. Các hội nhà văn, điện ảnh, mỹ thuật… đều tổ chức trại sáng tác. Theo chị, cách làm việc của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nói chung và Hội Sân khấu TP HCM nói riêng là công tâm và nghiêm túc.
"Vừa qua, trại ở Đà Lạt có một Ban Sáng tác để đọc hàng trăm kịch bản gửi về rồi chọn ra 15, 20 kịch bản tốt nhất để tham dự trại. Trong đó, việc phải phát hiện và ưu tiên cho loại hình nghệ thuật dân tộc như cải lương, tuồng, chèo… đã làm rất hiệu quả. Viết kịch bản sân khấu là một sáng tạo khó khăn nhất mà các cây bút ở lãnh vực khác đều vật vã nếu muốn dấn thân. Ban Sáng tác ngoài việc đọc còn phải có khả năng đánh giá, góp ý để phát triển những kịch bản có tiềm năng trở nên hoàn thiện hơn, xuất sắc hơn. Nhưng tại sao các trại sáng tác sân khấu thành công nhưng vẫn chưa gọi là trọn vẹn?" - chị đặt vấn đề.
"Trại sáng tác kịch bản sân khấu sẽ thành công nếu lãnh đạo dám nghĩ dám làm, ưu tiên cho những cây bút trẻ có tài năng, có khát vọng. Sân khấu cần phải trẻ hóa lực lượng. Trại sáng tác là bệ đỡ cho những tiềm năng yêu nghề có khát vọng, là nền tảng vững chắc cho những ai tỏa sáng tiếp tục tỏa sáng, chưa tỏa sáng sẽ tỏa sáng. Chỉ cần tác giả đồng lòng sáng tạo, sáng tác vì nền sân khấu thì sẽ có tác phẩm hay" - tác giả Vương Huyền Cơ khẳng định.
Cảnh trong vở kịch "Hẻm nhỏ Sài Gòn" của tác giả Vương Huyền Cơ (Nhà hát kịch TP HCM)
Dẫn chứng về việc có những quy định đã cũ nhưng vẫn còn "tươi rói" vì phải theo đúng "tiêu chí", tác giả Vương Huyền Cơ ví dụ về đề tài người lính. "Nếu khuyến khích đổi mới tư duy thì sẽ có 10 kịch bản khác nhau về người lính, nhưng do phải đúng "định hướng" nên 10 kịch bản được viết trong trại chỉ với một góc nhìn. Đây là lý do trại sáng tác lạc hậu cũ kỹ. Hoặc cứ do cả nể mà chấp nhận để một số tác giả đem bản thảo quá cũ đi dự trại, khiến cho chất lượng trại bị mất đi ý nghĩa. Đến khi nào những người làm sân khấu biết nghe những lời thật lòng thì trại sáng tác kịch bản sân khấu mới thật sự là nơi sản sinh ra những tác phẩm mang hơi thở từ cuộc sống, dễ dàng tiếp cận với công chúng" - chị bày tỏ.
Bình luận (0)