Trang web chính thức của giải Nobel, đã khởi động những hoạt động đầu năm 2020 bằng bài đăng tôn vinh Cao Hành Kiện, nhà văn đầu tiên đoạt giải Nobel Văn chương trong thế kỷ này. Đồng thời dẫn lại câu nói nổi tiếng của ông: "Cùng với khởi đầu sự sống, đi tới khát khao sự thật, trong khi khả năng dối trá dần có được cùng quá trình cố gắng sống sót".
Sinh ra từ vẻ đẹp phương Đông
Từ tiểu thuyết "Kinh thánh của một người" (Thái Nguyễn Bạch Liên dịch, NXB Công an Nhân dân) rồi đến "Linh sơn", Cao Hành Kiện thường trực khát khao đi tìm chân lý của mình.
Cao Hành Kiện khá được độc giả Việt Nam ưu ái, phần lớn các tác phẩm quan trọng của ông đều đã được dịch và giới thiệu. Riêng tiểu thuyết "Linh sơn" có ba bản dịch khác nhau của các dịch giả Trần Đĩnh (NXB Phụ nữ), Ông Văn Tùng (NXB Văn nghệ) và Hồ Quang Du (NXB Văn học). Gần đây nhất "Linh sơn", bản dịch của Trần Đĩnh được tái bản, chứng tỏ sức hút không ít từ tác phẩm để đời này của Cao Hành Kiện.
Cuốn tiểu thuyết “Linh sơn” của Cao Hành Kiện xuất bản tại Việt Nam
Để viết "Linh sơn", Cao Hành Kiện đã dành gần 10 năm với ba lần đến lưu vực sông Trường Giang, du sơn ngoạn thủy, qua những địa hình trắc trở. Ông tiếp nối truyền thống hàng ngàn năm của những thi sĩ, cũng là hành giả như Lý Bạch, một thanh kiếm, một bầu rượu, một túi thơ, như Đỗ Phủ xuôi dòng Dương Tử trong suốt những năm dài biến loạn, và dịch chuyển giữa hai thái cực Lý - Đỗ ấy. Hồi trẻ, ông đeo đuổi mộng văn chương, trải qua Cách mạng Văn hóa kinh hoàng, bản thảo bốn tiểu thuyết, mười mấy vở kịch đều mất sạch. Trí thức bị đưa về nông thôn để cho nông dân "cải tạo". Cao Hành Kiện đã ghi lại những năm tháng dị thường ấy trong cuốn tiểu thuyết gần như tự truyện, "Kinh thánh của một người". Vì sao chỉ "của một người"? Cao Hành Kiện lý giải, ông không phát ngôn thay ai, ông chỉ nói về chính mình, về cuộc đời mình, nhưng chính câu chuyện hết sức cá nhân ấy lại đủ sức phổ quát thành số phận chung của người trí thức Trung Quốc. Đối với Cao Hành Kiện, nghệ thuật như sự thanh tẩy, viết một tác phẩm cũng là viết một cuốn kinh thánh đầy ai oán của chính mình.
Nhưng trái lại, trong "Linh sơn", cuốn tiểu thuyết viết sau "Kinh thánh của một người", sự bi phẫn ít thấy, thay bằng sự trầm mặc. Là tiểu thuyết, nó quá rời rạc, phân mảnh, hệt như thao tác ông vẽ một bức tranh, từng nét từng nét một, với những nhân diện lờ mờ lồng vào nhau, không danh tính, mỗi người là một chuyện kể, mỗi chuyện kể là một số phận, nối tiếp nhau như những tràng hoa kết thành một cuốn tiểu thuyết huyễn hoặc sương khói, lại ngồn ngộn nhựa sống. Nhân vật của ông đi xuyên Trung Quốc để tìm một ngọn linh sơn, dù không ai thật sự biết linh sơn đó là ngọn núi nào, hình dạng ra sao, ở nơi chốn nào. Cuộc đi tìm ấy nhiều khi chỉ là cái cớ để tác giả đi sâu vào tâm thức chính mình, là tái khám phá nền văn minh Hoa Hạ, là đi tìm lại căn tính Trung Hoa bị thử thách, bị chà đạp, bị hủy hoại trong quá khứ.
"Linh sơn" là tiểu thuyết phản tiểu thuyết, một mặt, nó được kể trên cái truyền thống kể chuyện dân gian từ địa phương chí thời Chiến Quốc, các chí dị thời Nam Bắc Triều, thoại bản đời Tống Nguyên, bút ký Minh Thanh… nghĩa là nó vẫn cấu thành từ những truyện kể, nhưng một mạch trong sự xóa nhòa nhân dạng người kể, những câu chuyện không đầu không cuối đi đến thống nhất các câu chuyện với nhau trong cuộc hành trình tưởng là dấn bước đi tới nhưng cũng có thể đang bất động. Trong sự bất động ấy, các đại từ nhân xưng như "ta", "mi", "hắn", "nàng" đều hợp lại trong một nhất thể. Cao Hành Kiện là vậy, không chấp nhận lối mòn. Trong vở kịch "Trú mưa" của ông, chỉ toàn những câu thoại "ông nói gà bà nói vịt" hay trong vở "Bỉ ngạn", các diễn viên nhốn nháo trên sân khấu tham gia một trò chơi do người viết bày ra.
Nhà văn của truyền thống và hiện đại
Sinh năm 1940, năm nay bước vào tuổi 80, Cao Hành Kiện từ lâu đã dừng việc viết. Khi lên bục nhận giải Nobel năm 2000, ông đã xuất hiện với tư cách một công dân Pháp và điều này làm người dân Đại Lục phật ý. Nên nhớ, giải Nobel Văn chương trước Cao Hành Kiện là nhà văn Đức, Günter Grass, người được giới phê bình nhận xét đáng lẽ phải đoạt giải Nobel từ lâu. Nhưng chọn lựa Grass, các viện sĩ Hàn lâm viện muốn một cái kết đẹp cho một thế kỷ văn chương, còn chọn lựa Cao Hành Kiện cho giải Nobel năm 2000, năm đầu tiên của thiên niên kỷ thứ ba, họ cũng gửi gắm hy vọng mở ra một thời đại mới, những bước đi của văn chương (cũng như riêng giải thưởng Nobel) trong thế kỷ này.
Xuất bản lần đầu năm 1990, tiểu thuyết "Linh sơn" lập tức được giới phê bình đánh giá cao bởi tính chất mới mẻ của nó trong dòng chảy tiểu thuyết Trung Hoa hiện đại. Chính điều này, cũng là một trong những lý do để Viện Hàn lâm Thụy Điển quyết định trao giải Nobel Văn chương cho ông, vì đã "mở ra những ngả đường mới cho chính kịch tiểu thuyết Trung Hoa".
Nổi tiếng kiệm lời
Cao Hành Kiện nổi tiếng kiệm lời, 20 năm nay ông càng kiệm lời hơn trong cả khi nói lẫn viết. Suốt nhiều năm, ông để những bức tranh của mình lên tiếng. Trong số vô vàn những cuộc triển lãm diễn ra, người ta có thể thấy phong cách đặc trưng với chỉ bằng mực tàu đã diễn dịch cái thế giới nội tâm u uất và hoang mang của ông ra trang giấy.
Có thể nhận ra ngay những bức họa của Cao Hành Kiện có liên hệ với tranh thủy mặc nhưng thật khó xếp nó vào hàng ngũ những bức tranh thủy mặc truyền thống. Tiểu thuyết của ông cũng vậy.
Bình luận (0)