Con bé lên năm là tôi ngơ ngác hỏi ông "Vì sao ông ngắt hết lá làm cây đau?". Ông trả lời rằng phải chịu đau thế thì cây mới có lộc biếc, hoa thắm đón Xuân. Nếu để mặc cây nở hoa thì ngày Xuân chẳng còn hoa để ngắm. Và trong khi ngắt lá đào, ông thầm thì hát: "Chịu đau nhé đào ơi, rồi con sẽ có mùa hoa đẹp nhất".
Cây đào nằm ở góc vườn. Giáp Tết, ông chọn cành thắm nhất, chặt vào để chưng trước bàn thờ tổ tiên. Trước khi chưng, ông hơ phần gốc trên lửa, dòng nhựa nâu rỉ ra tựa máu. "Kìa ông, cành đào đau chảy máu đấy, sao ông hơ lửa tội cành đào?". "Ờ, phải chịu đau, chịu nóng như thế thì cành đào mới giữ bền màu, tươi lâu". Đến khi lớn, có những va đập để hiểu thế nào là nỗi đau trong cuộc đời, nhớ lời ông khi xưa mà thấm thía, thấy dịu bớt những vết thương mình mang.
Ông từng kể cho tôi chuyện về gốc đào nhút nhát và gốc đào dũng cảm. Gốc đào dũng cảm dám đương đầu ra ánh sáng, chống chọi gió sương để có nhiều hoa đẹp, chịu hiểm nguy và đến với ông cháu mình. Gốc nhút nhát chọn những góc vườn âm u nên chỉ có dăm bông lơ thơ. Tôi học được những bài học qua lời ông. Những bài học mà lớn lên vẫn thấy giá trị.
Võ Thu Hương Ảnh: Vũ Minh Quân
Cành đào chưng Tết của ông luôn tươi tới qua rằm. Khi ấy, trên cành vẫn còn một ít hoa thắm, lộc đã non xanh, trông rất vui mắt. Cho tới khi không còn cánh hoa nào vương trên cành, ông mang ra vườn trồng. Mùa Xuân nữa sẽ đến, gặp người bạn quý mến, ông bứng lên tặng. Cành đào năm nào rồi sẽ tái sinh một đời cây trong vườn ai đó. Ông nói hạnh phúc lớn nhất của cây là được tái sinh, hạnh phúc lớn nhất của đời người là được chia sẻ. Tôi tin điều đó.
Những đứa trẻ làng tôi sinh ra đều được cha ông trồng cho một cây đào, mít hoặc ổi... để kỷ niệm. Dây cuống rốn được chôn xuống gốc cây để gửi vào đó những ước mong ngọt lành. Vì thế, khu vườn cây trái sai cành quanh năm. Tôi vẫn nghĩ nếu mỗi đứa trẻ sinh ra đều được người lớn trồng cho một cây như cách ông tôi vẫn làm thì màu xanh trên trái đất đã tăng lên đáng kể. Thế giới hẳn sẽ rộng lớn, tươi đẹp hơn khi bạn có thể kết nối yêu thương với những cái cây.
Trẻ con ở phố không có cơ hội để có những bài học từ cây như tôi được học từ ông ngoại. Là bài học về cây phải ra khỏi vùng an toàn của mình thì mới trưởng thành, biết chịu đớn đau để rạng rỡ. Lũ trẻ cũng không bao giờ biết đến cảm giác hồi hộp, âu lo cùng ông khi sáng hôm sau trồng vài cành đào xuống đất, lá bỗng héo rũ. Ông trấn an: "Vài ngày cây sẽ tỉnh". Và háo hức biết bao khi cây bén rễ "tỉnh" lại đầy mạnh mẽ để có một cây đào nảy đầy lộc mới, đợi mùa Xuân khấp khởi những đóa hoa có chút công mình ở đó.
Tôi vẫn thường kể cho con gái nghe về những câu chuyện đóa hoa, cái lá mà tôi đã gặp, đã yêu thương suốt tuổi thơ mình. Phố chật, nhà cao tầng, chỉ có một ban công nhỏ xíu, đủ để mẹ con cùng chăm vài cây xanh. Không vì thế mà con bớt yêu cây hơn tôi ngày xưa khi được lớn lên bên vườn rộng, bên đồi núi quê mình. Con vẫn biết vui khi hoa nở, biết âu lo khi cây bỗng dưng héo rũ, bị sâu ăn lá... Tôi cũng học được từ lũ trẻ cách ứng xử chan hòa với cây, khi con biết cúi xuống thơm một bông hồng. Con biết cây đẹp nhất khi được rung rinh trong gió mai, rạng ngời trong nắng sớm. Cũng như tuổi thơ tôi biết cây đẹp nhất khi thư thả bên sườn đồi giữa mây trời gió núi, uống nước hồ xanh ngọt mát.
"Ai trồng cây người đó có tiếng hát" - tôi nhớ tới bài thơ "Bài hát trồng cây" của Bế Kiến Quốc từ trong sách vỡ lòng. Trang sách của hàng chục năm về trước tưởng đã xa mà hóa ra thật gần, trong một sáng Xuân này, hoa lay lay hát lời yêu thương trước cửa.
Bình luận (0)