xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cây me, giếng nước nhà Tây Sơn

Bài và ảnh: ĐỨC ANH

Cây me, giếng nước, sân đình/ Ơn sâu, nghĩa nặng, dân mình còn ghi”.

Trường tồn qua bao biến động thời cuộc

Cuối năm, không phải mùa cao điểm du lịch nhưng tại Bảo tàng Quang Trung (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), hàng trăm du khách thập phương đến viếng thăm, thắp hương điện thờ Tây Sơn tam kiệt.

Cây me, giếng nước nhà Tây Sơn - Ảnh 1.
Cây me, giếng nước nhà Tây Sơn - Ảnh 2.

Giếng nước và cây me cổ trong ngôi nhà xưa của Tây Sơn tam kiệt

Sau khi thắp hương, múc nước giếng xưa uống để cầu an, gia đình bà Ngô Phương Lan (ngụ TP HCM) đến ngồi nghỉ ngơi dưới tán me cổ thụ. Năm nào gia đình bà cũng thu xếp đến Bảo tàng Quang Trung ít nhất một lần để thắp hương điện thờ Tây Sơn tam kiệt và cầu an. Ngồi dưới tán cây me cổ thụ, lòng bà như lắng lại, thấy mình bình tâm, thanh thản hơn.

Cây me đồ sộ, xum xuê, tọa lạc vững chãi trước sân khuôn viên Bảo tàng Quang Trung. Cạnh cây me, giếng xưa có cùng tuổi đời khoảng 250 năm cho nguồn nước mát ngọt.

Theo ông Châu Kinh Tú, Giám đốc Bảo tàng Quang Trung, cách đây khoảng 250 năm, sau khi kết duyên với cụ Nguyễn Thị Đồng (ngụ làng Phú Lạc; nay thuộc xã Bình Thành, huyện Tây Sơn), cụ Hồ Phi Phúc đến cạnh bến Trường Trầu (thuộc làng Kiên Mỹ, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) xây dựng một ngôi nhà khang trang để ở và tiện buôn bán trầu cau. Trong sân nhà, cụ Phúc trồng một cây me bên trái, đào một giếng nước bên phải. Sau đó, 3 anh em nhà Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lần lượt chào đời trong ngôi nhà này.

Hằng ngày, 3 anh em thường ra sân tập võ dưới gốc me. Đến khi mệt, họ sang ngồi quanh giếng uống nước, trò chuyện. Sau khi khởi nghĩa tây Sơn, cũng tại cây me, giếng nước đó, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã chủ trì nhiều cuộc luận bàn quốc sự cùng văn thần - võ tướng. Sự nghiệp của nhà Tây Sơn hầu như gắn chặt với cây me, giếng nước trong vườn nhà ngay từ lúc dấy binh, xuyên suốt một thời kỳ lịch sử lẫy lừng.

Sau khi nhà Tây Sơn mất, vua Gia Long triều Nguyễn lên cầm quyền đã thẳng tay đàn áp, tận diệt tất cả những gì liên quan đến dòng họ và vương triều Tây Sơn. Thế nhưng, dù cả ngôi nhà của cụ Hồ Phi Phúc đã bị san thành bình địa thì cây me và giếng nước vẫn trường tồn đến nay. Để thể hiện lòng biết ơn vô hạn đối với nhà Tây Sơn, năm 1823, người dân làng Kiên Mỹ xây dựng ngôi đình làng trên nền nhà cũ của cụ Hồ Phi Phúc nhằm bí mật thờ 3 anh em nhà Tây Sơn. Để che mắt chính quyền lúc bấy giờ, đình làng này đặt tên đình Kiên Mỹ thờ thành hoàng. Sau ngày đất nước thống nhất, tỉnh Nghĩa Bình (tách thành Bình Định và Quảng Ngãi đến nay) đã xây dựng Bảo tàng Quang Trung tại nơi này.

Nhiều câu chuyện kỳ bí

Ông Đỗ Thanh Minh - nhân viên Bảo tàng Quang Trung, người chăm sóc cây me - cho hay cây me có chiều cao 24 m, đường kính 1,2 m, tán rộng che phủ 600 m2. Ngày 28-11-2011, tại Bảo tàng Quang Trung, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã trao bằng công nhận Cây di sản Việt Nam vinh danh cây me trong khuôn viên bảo tàng.

Ngoài giá trị lâu năm, cảnh quan, cây me còn được xem là biểu tượng cho sức sống, sự trường tồn của phong trào Tây Sơn trong lòng dân tộc nên việc theo dõi và chăm sóc cây rất kỹ càng. Không chỉ tưới nước, bón phân định kỳ cho cây, nhân viên bảo tàng còn thường xuyên cắt tỉa những cành khô, làm cỏ xung quanh gốc, quét dọn làm sạch các hốc cây để tránh bị mối mọt hay kiến đỏ xâm nhập gây bệnh. Năm 2005, Bảo tàng Quang Trung bắt đầu nhân giống me cổ thụ để du khách mua về trồng.

Cùng với cây me cổ, giếng nước xưa gắn với 3 anh em nhà Tây Sơn cũng được chăm sóc, bảo vệ đặc biệt. Ông Trần Trung Thông, cán bộ Bảo tàng Quang Trung, cho biết giếng nước ngày xưa được ghép bằng đá ong, không có vữa hồ, không có thành giếng, sâu khoảng 8 m, đường kính gần 1 m. Sau này, để bảo vệ giếng, Bảo tàng Quang Trung mới xây thêm thành giếng và hàng rào bảo vệ.

Theo nhiều người dân địa phương, ngày xưa, cả làng Kiên Mỹ chỉ có mỗi giếng nước trong điện thờ Tây Sơn tam kiệt nên gọi là giếng làng. Nước giếng rất trong, ngọt và mát. Sau này, làng Kiên Mỹ có thêm nhiều giếng mới nhưng người dân địa phương vẫn thích dùng nước giếng làng. Có những năm nắng hạn, các giếng trong làng Kiên Mỹ đều khô cạn nhưng không hiểu vì sao giếng trong điện thờ lúc nào cũng ăm ắp nước.

Ngoài giá trị lịch sử, cây me cổ và giếng nước xưa của 3 anh em nhà Tây Sơn còn nổi tiếng linh thiêng qua nhiều giai thoại. Nhiều bô lão ở làng Kiên Mỹ kể rằng trong chiến tranh, người dân địa phương đến gốc me tránh bom đạn, cầu mong anh linh Tây Sơn tam kiệt che chở. Vậy mà rất an toàn, không tên lính nào chĩa súng bắn vào khu vực điện thờ. Giữa thời kỳ chiến tranh nhưng rằm tháng 11 âm lịch hằng năm, bà con vùng Kiên Mỹ đều đến gốc cây me làm giỗ 3 anh em nhà Tây Sơn. Ai cũng phải tắm rửa sạch sẽ, tinh tươm.

Gia đình ông Tô Đình Minh (63 tuổi; ngụ thôn Kiên Mỹ, thị trấn Phú Phong) sống cạnh điện thờ Tây Sơn tam kiệt. Từ bé, ông đã nghe truyền tụng nhiều câu chuyện linh thiêng quanh cây me, giếng nước nhưng vẫn bỏ ngoài tai. Năm học lớp 11, một lần vào điện thờ Tây Sơn tam kiệt chơi, do bạn bè thách đố nên ông Minh đưa tay vuốt râu pho tượng bán thân của Hoàng đế Quang Trung, đồng thời đặt điếu thuốc lá vào miệng pho tượng. Sau lần đó, ông Minh bỗng nhiên bị sốt cao, co giật, gia đình mời nhiều thầy thuốc đến chữa trị nhưng vẫn không khỏi.

"Khi bạn bè đến thăm, kể lại chuyện mạo phạm tượng Hoàng đế Quang Trung, cả gia đình ai cũng hốt hoảng. Mẹ tôi sắm lễ vật, mang đến điện thờ, múc 3 ly nước trong giếng đặt trước tượng Hoàng đế Quang Trung thành tâm khấn vái, xin tạ tội. Sau đó để 2 ly nước lại điện thờ, ly còn lại mẹ đem về nhà bảo tôi uống. Nhờ đó, tôi hạ sốt, sức khỏe trở lại bình thường" - ông Minh kể.

Trải qua khoảng 250 năm với bao biến động thời cuộc, giờ đây, dưới tán me cổ thụ, bên giếng nước trong vườn xưa vẫn diễn ra những lớp tập võ buổi chiều, những buổi luyện đao kiếm khi trăng sáng như thời tuổi thơ 3 anh em nhà Tây Sơn còn sống.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo