Đoàn khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM do Trưởng ban Thi Thị Tuyết Nhung dẫn đầu vừa có các buổi làm việc với Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP, Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP về tình hình hoạt động của các đơn vị này từ năm 2015 đến nay và phương hướng hoạt động đến năm 2020.
Kêu cứu trong tuyệt vọng
Những báo cáo từ các đơn vị hầu hết là chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" về "cơm, áo, gạo, tiền" để giúp họ có thể duy trì hoạt động. Thế nhưng, đằng sau những bản báo cáo đó không còn là việc "cho con cá hay cho cần câu". Vấn đề đặt ra là môi trường và sức người được đầu tư như thế nào để xây dựng một thiết chế văn hóa mang tầm chiến lược.
Chương trình sân khấu du lịch do Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang nỗ lực thực hiện để có nguồn thu trong giai đoạn khó khăn
NSƯT Nguyễn Đức Thế, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, nêu hiện trạng: "Trang thiết bị phục vụ biểu diễn của Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam còn thua nhà thiếu nhi các quận - huyện. Tên của nhà hát nghe lớn như vậy nhưng vẫn sử dụng ngôi nhà bạt cũ rách 16 năm nay, trong khi hạn sử dụng mà đối tác Singapore thiết kế chỉ 6 - 7 năm".
Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam thành lập vào cuối năm 2013, trên cơ sở sáp nhập Đoàn Xiếc TP HCM và Đoàn Múa rối TP. Nhà hát này được giao quản lý một số rạp hát nhưng đều trong tình trạng xuống cấp, không thể sử dụng phục vụ biểu diễn. Rạp Lệ Thanh B (quận 5) là nơi hoạt động của Đoàn Xiếc TP HCM từ năm 1986. Đến năm 1995, rạp xuống cấp nghiêm trọng, không thể dùng làm nơi biểu diễn hay trụ sở hoạt động. Trụ sở chính của Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam hiện nay là rạp Nhân Dân (còn có tên là Hào Huê) cũng rất cũ nát, phần thiết kế bên trong không còn phù hợp để biểu diễn.
Hoạt động biểu diễn của Đoàn Xiếc TP HCM lâu nay chủ yếu tại rạp bạt di động nhưng từ năm 2011 đã di dời về Công viên Gia Định (quận Gò Vấp), xa khu vực trung tâm, lượng khán giả giảm hẳn. Nhà hát đã đề xuất được đầu tư trang bị rạp bạt mới nhằm bảo đảm an toàn cho diễn viên, khán giả nhưng vẫn chưa được duyệt. Rạp bạt cũ khi số lượng khán giả đông có nguy cơ đổ sập gây tai nạn, rất nguy hiểm.
Báo cáo của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cũng đầy bức xúc. Rạp Hưng Đạo xây mới bị "lỗi" thiết kế, phải đóng cửa chờ sửa chữa khiến 5 năm qua, nghệ sĩ không có điểm diễn.
Việc nhà hát mới hiện nay cố gắng mở màn mỗi tuần 2 suất khi khán giả đã quên mất thói quen đến rạp càng khiến đời sống nghệ sĩ bấp bênh. Lương trung bình của mỗi nghệ sĩ ở Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang chỉ 1,6 - 3 triệu đồng/tháng.
"Thiếu mọi mặt"
NSND Trần Ngọc Giàu cho biết Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang nói riêng và sân khấu cải lương nói chung đang "thiếu mọi mặt". Ngoài thiếu thốn kinh phí dựng vở, mỗi đoàn chỉ có 2-3 nhạc công, trong khi cơ cấu dàn nhạc xưa là 6-7 người. Lực lượng tác giả viết kịch bản cải lương thiếu hụt trầm trọng; các đạo diễn trẻ cũng chủ yếu làm phim điện ảnh, truyền hình, không mặn mà với cải lương…
"Đã đến lúc phải nhìn Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang ở góc độ một nhà hát tiêu biểu gìn giữ nghệ thuật sân khấu cải lương. Cần xem nghệ thuật cải lương là di sản và có giải pháp mang tầm chiến lược. Nhà hát Trần Hữu Trang phải được phát triển như một đơn vị vừa biểu diễn, đào tạo vừa là một bảo tàng giữ gìn các di sản, quảng bá các giá trị nghệ thuật cải lương vì đến nay, nó đã tròn 100 tuổi" - NSND Trần Ngọc Giàu đề xuất.
Các đại biểu đều bày tỏ sự chia sẻ đối với những trăn trở của NSND Trần Ngọc Giàu. Phó Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM Nguyễn Hồng Hà thừa nhận mặc dù có nhiều cố gắng nhưng TP đầu tư về văn hóa chưa tương xứng với kinh tế. Cần phải có cuộc họp chuyên đề về phát triển văn hóa nghệ thuật nhằm mổ xẻ, phân tích vấn đề, giúp TP HCM lấy lại vị thế mà đáng lẽ phải có được ở các lĩnh vực này.
Các đại biểu cũng đặt vấn đề: Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM có đặt cải lương trong tổng thể quy hoạch và xác định đây là đặc sản về du lịch của TP chưa? Sở có xác định cải lương là đặc trưng riêng của TP để phát huy và quảng bá? Phải đặt đúng tầm thì mới nhận thức đúng và đề ra chiến lược giữ gìn, phát triển.
Kỳ tới: Nhà hát giao hưởng: Câu chuyện 20 năm
Hướng tới giải pháp hữu hiệu
Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM Thi Thị Tuyết Nhung khẳng định việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương không chỉ là trách nhiệm của riêng Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang mà là của tất cả đơn vị liên quan. Bên cạnh đó, TP HCM phải có một chiến lược khả thi, mang tầm nhìn 10 năm trong việc đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng, nuôi dưỡng thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân đang giữ nhiều vốn nghề để trao truyền cho thế hệ trẻ.
Bà Nhung nhấn mạnh: "Kết quả đợt khảo sát này nhằm hướng tới một giải pháp hữu hiệu. Đó là cần một cơ chế đặc thù cho các đơn vị văn hóa nghệ thuật của TP HCM. Chiến lược đó cần có lộ trình. Các đơn vị thực hiện đề án phải hợp lực một cách toàn diện mới có thể xây dựng thiết chế văn hóa bền vững cho một đô thị lớn được xem là trung tâm văn hóa của cả nước".
Bình luận (0)