Sau 2 tiểu thuyết "Đất trời vần vũ" (Giải C cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn Việt Nam 2010) và "Ngược mặt trời" (Giải thưởng Trịnh Hoài Đức 2017) được bạn văn, bạn đọc chú ý, năm 2023, nhà văn Nguyễn Một lại ra mắt tiểu thuyết "Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín", NXB Hội Nhà văn, một tác phẩm làm giàu thêm gia sản văn chương của ông với gần 20 đầu sách.
Nhà văn Nguyễn Một
Dòng sông soi bóng phận người
Qua tác phẩm này, Nguyễn Một nhắc nhở đừng quên những tang thương, hậu quả tàn khốc chiến tranh gây ra cho người dân Việt. Qua từng câu chữ, từng diễn biến đầy kịch tính, không hùng hồn hay rao giảng, thông điệp Nguyễn Một đưa ra là chiến tranh luôn đem đến bi kịch cho những phận người, quốc gia, dân tộc; cuộc sống sẽ tốt đẹp biết bao nếu không có những cuộc chiến tranh phi nghĩa.
Tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín”
Hơn 330 trang in là những thân phận con người trong cuộc chiến tranh, chiến tranh đi vào tận từng gia đình, chia rẽ gia đình như ông Ruộng (Trần Viết Điền) có 5 con thì 2 con đi theo cách mạng, 2 con đi lính Việt Nam Cộng hòa, còn lại con trai út Trần Viết Sơn - nhân vật chính trong tiểu thuyết - được ông gửi vào Nam cho người bạn thân mà ông cũng là con nuôi của gia đình này - để ăn học những năm cuối trung học và để trốn lính, bởi theo ông: Chiến tranh là tổn thất nhân mạng, thà cho con út trốn lính để giữ mạng sống của con mình.
Tiểu thuyết bắt đầu bằng khung cảnh bên bờ sông ở thị xã Thủ Biên, vùng lân cận Sài Gòn những năm cuối thập niên 1960, khi Sơn đưa Diễm, con gái ông Duy - người bạn của cha anh, người nhận anh vào trọ học tại thị xã và ở lại nhà ông - đi lễ ở nhà thờ…
Tiểu thuyết kết thúc khi Sơn đã 45 tuổi, về lại bên sông, đọc thư của Diễm và nghe trong gió từ sông thổi lên một mùi hoa bưởi, thuở gần 30 năm trước Sơn nghe từ mùi tóc Diễm lúc hai người đón gió từ sông thổi về. Dòng sông cũng là một biểu tượng của lịch sử, của thời cuộc và cũng là của dòng đời, của những thân phận nổi trôi. Dòng sông cũng là chứng nhân, soi bóng những phận người…
Nặng lòng với đất và người
Không gian tiểu thuyết chỉ gói gọn ở 4 địa phương: Quảng Nam quê hương của Sơn, thị xã Thủ Biên nơi Sơn trọ học, Tây Ninh nơi Sơn trốn lính và gặp được quân giải phóng, Sài Gòn nơi Sơn với giấy tờ giả, tiếp tục trốn lính rồi bị cảnh sát Sài Gòn bắt giam cho đến ngày giải phóng thì được giải thoát, trở về quê nhà.
Tác giả đã rất am hiểu, nặng lòng với những vùng đất thân thương, dựng nên khung cảnh, con người sống động, những nhân vật với tính cách khác nhau để tái hiện miền Nam Việt Nam một thời. Ở đó, Sơn đi học, đi thi, thi rớt tú tài phần 2, Sơn trốn lính, Sơn và Diễm yêu nhau. Ông Duy - thiếu tá quân đội Sài Gòn có con trai lớn là Trần Văn Tâm, anh hai của Diễm - đầu quân vào lính nhảy dù và có tin tử trận, đưa quan tài về chôn. Người yêu Tâm là Trang, bạn học của Diễm, ngỡ như không thể gượng dậy nổi vì cái chết của người yêu sau cái chết của cha mẹ bởi bom đạn. Hận đời, Trang lao vào rượu và làm gái bán bar, quen với một lính Mỹ và có thai, sinh con Trang gửi vào tu viện nhờ nuôi.
Ở đó, có Thành, con trai ông Danh, một nhà tư sản có tiếng ở Thủ Biên, lo lót cho Thành làm phi công "kiểng" của quân đội Sài Gòn, Thành yêu và săn đón Diễm nhưng cô lúc đó còn nặng lòng với Sơn. Có Hùng Hippy, con trai ông Tư cụt, một người bán cà phê và là cơ sở cách mạng. Hùng từ thanh niên lêu lổng, ham đua đòi ăn chơi, trở thành người của cách mạng, sau giải phóng công tác trong ngành công an rồi tha hóa, tổ chức cho người vượt biên và cùng cấp trên của mình nhận án tử hình. Những nhân vật phụ nhưng có tính điển hình cao là bà Mười "thả giàn", mở quán rượu để bán cho những thương phế binh quân đội Sài Gòn và cũng là một người cảm tình với cách mạng…
Nỗi đau hằn sâu
Còn ở quê nhà, chiến tranh cũng lấy đi những sinh mạng một cách đau xót. Đó là ông Xí, ra ruộng cày và bị một viên đạn lạc lấy mất mạng sống; là Hương, cô bé lai Pháp đi giữ trâu trong tháp bị đạn lạc xuyên qua ngực, trên tay còn chùm trái dủ dẻ. Ông Xí có con trai là Đó, tham gia cách mạng nhưng sau không chịu nổi cực khổ đã chiêu hồi, dẫn lính Sài Gòn đi phá hầm bí mật, giết chết con của bà Tư Mía, khiến bà Tư Mía phát điên, sau này Đó bị Bồng phục kích bắn chết khi về thăm mộ cha mình.
Với gia đình Sơn, trong một cuộc đụng độ, anh Trần Viết Viên bị thương sống sót, nhưng anh Trần Viết Giang hy sinh và hai anh Trần Viết Trì, Trần Viết Thủy đi lính Sài Gòn cũng tử trận. Một ngày, mất 3 người con, người con còn lại chưa biết tin tức ra sao khiến bà Kha Ly, mẹ Sơn như điên dại… Những trang viết này Nguyễn Một đã cùng bạn đọc rơi nước mắt và nỗi đau hằn sâu trong từng trái tim người.
Đau thương, mất mát và những khoảnh khắc hạnh phúc trong những kiếp người, trong từng đặc tả của Nguyễn Một xoáy vào tâm trí người đọc, song tiểu thuyết đã có cái kết có hậu. Trần Văn Tâm không chết, đã trở về tìm gặp lại Trang, người con gái hồng nhan đa truân đã cùng anh sống hạnh phúc. Dòng họ nhà Sơn tưởng chừng tuyệt tự thì trong hai đứa con của Diễm, có con trai của Sơn, kết quả của đêm họ gần nhau một lần duy nhất trong đời…
Tiểu thuyết khép lại khi Sơn nhớ lời cha xứ giảng đạo ngày xưa anh đưa Diễm đi lễ: "Lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu, tối tăm liền bao trùm cả mặt đất cho đến giờ thứ chín. Mặt trời trở nên u ám, màn trong đền thờ xé ra làm đôi ngay chính giữa"…
Những giờ khắc đó đã qua, hồi quang của hoàng hôn lóe sáng trên dòng sông, như dòng đời chảy mãi…
Bình luận (0)