Tiếp tục Chương trình làm việc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 25-5, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), đồng thời tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.
Đại biểu Tô Thị Bích Châu
Đại biểu (ĐB) Tô Thị Bích Châu (TP HCM) cho biết điện ảnh đã được nhiều nước trên thế giới coi là ngành công nghiệp văn hóa, đa dạng, phong phú và ngày càng thu hút nhiều nguồn lực. Vì vậy, Việt Nam cũng nên coi điện ảnh là ngành công nghiệp văn hóa. Để thực hiện được nhiệm vụ này, đại biểu cho rằng dự thảo Luật nên có chương riêng về hợp tác quốc tế nhằm tạo động lực chặt chẽ hơn cho công nghiệp điện ảnh của Việt Nam phát triển. Ngoài ra, trong dự án Luật nên có thêm quy định các nhà sản xuất phim phải có trách nhiệm mua bảo hiểm cho diễn viên đóng thế và nhân viên đoàn làm phim để đảm bảo an toàn cho họ.
Về quy định chính sách của Nhà nước trong phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh tại Điều 5 dự thảo Luật, ĐB Tô Thị Bích Châu cho rằng việc sản xuất phim không chỉ phục vụ cho nhiệm vụ chính trị mà còn phục vụ cho việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nói về truyền thống lịch sử cách mạng, các dân tộc thiểu số, trẻ em. Mặt khác cũng cần có những bộ phim nói về các vị lãnh tụ, anh hùng dân tộc, doanh nhân… Ngoài ra, Nhà nước nên có chính sách khuyến khích, đầu tư cho phát triển nghệ thuật đương đại, hỗ trợ tối đa cho phim về đề tài lịch sử, phim dành cho trẻ em.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa
Còn theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM), Luật Điện ảnh của nước ta được ban hành từ năm 2006, trong khi đó hiện nay công nghiệp điện ảnh thế giới và khu vực đã phát triển hết sức mạnh mẽ, thay đổi rất nhiều so với 15 năm trước.
Theo đại biểu, điện ảnh vừa là một ngành hoạt động văn hóa, vừa là ngành kinh tế sáng tạo, tạo ra sản phẩm kép về văn hóa tinh thần, hiện nay, điện ảnh sử dụng công nghệ cao trong sản xuất, lưu hành và phổ biến sản phẩm. Điện ảnh có thể tạo ra giá trị vật chất rất lớn và trở thành ngành kinh tế lớn của một quốc gia. Điện ảnh đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật, nhu cầu giải trí của người dân, nhất là những người trẻ. Một số quốc gia còn tài trợ và hỗ trợ ngành điện ảnh của họ trong công cuộc xâm chiếm thị trường điện ảnh quốc tế. Có trường hợp còn được sử dụng vì mục đích chính trị và tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.
Bên cạnh việc khẳng định những yếu tố tích cực, việc nhập khẩu văn hóa phẩm nói chung và điện ảnh nói riêng cũng có những mặt tiêu cực và tác hại trước mắt, lâu dài, nhu cầu của một bộ phận xã hội với sản phẩm văn hóa nước ngoài mạnh mẽ hơn đối với sản phẩm văn hóa trong nước. Các nhà sản xuất phim nước ngoài rất biết khai thác, khuếch trương nhu cầu này để thu lợi trên đất nước ta, đẩy lùi nhu cầu văn hóa Việt Nam trên chính sân nhà của chúng ta.
Trước thực tế đó, ông Nghĩa cho rằng việc mở cửa hàng hóa dịch vụ cần có lộ trình và cần có những điều khoản bảo lưu. Tuy nhiên, lĩnh vực văn hóa đang thiếu biện pháp này. Do đó, đại biểu lưu ý việc mở cửa đối với sản phẩm dịch vụ văn hóa phải khác, không thể dễ dãi hơn so với mở cửa cho sản phẩm dịch vụ hàng hóa vật chất.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương)
Cho rằng việc quản lý chưa hiệu quả các nền tảng không gian mạng đã gây nên tổn thương không nhỏ đến đời sống tinh thần của xã hội, ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đề nghị cần nghiên cứu kỹ lưỡng việc quy định cơ chế hậu kiểm đối với quản lý phim trên không gian mạng, để giảm thiểu các tình trạng xuyên tạc sự thật lịch sử, đưa các thông tin xấu, độc.
Theo đại biểu, việc gỡ bỏ các nội dung vi phạm không mang nhiều ý nghĩa khi nội dung đó đã tiếp cận được nhiều khán giả, có thể được tải xuống và đăng trên các nền tảng khác. Trong khi đó, việc sử dụng các công cụ mạng xã hội là rất phổ biến, thông tin trên các nền tảng mạng xã hội lan tỏa mọi lúc, mọi nơi. Đại biểu cho rằng cần có giải pháp để cha mẹ, người giám hộ của trẻ có thể tự kiểm soát, quản lý, đảm bảo trẻ em xem phim trên không gian mạng đúng độ tuổi theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 21.
ĐB Phạm Trọng Nhân cũng đề nghị cần đánh giá thận trọng những nguy hiểm khôn lường của các nền tảng xuyên biên giới, việc phổ biến phim trên không gian mạng cần áp dụng quy trình quản lý chặt chẽ để được cấp phép, cần đảm bảo sự công bằng cho các cá nhân, tổ chức tham gia vào nền công nghiệp điện ảnh, tránh tình trạng "nhờn thuốc" với hình thức hậu kiểm.
Vì vậy, đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát các quy định tại điểm a, Khoản 2 Điều 18; điểm b Khoản 2 Điều 41 và Khoản 1 Điều 27 dự thảo Luật về hậu kiểm đối với việc phổ biến phim trên không gian mạng; đảm bảo khi các quy định của luật có hiệu lực thì các nền tảng xuyên biên giới không có được bất kỳ cơ hội nào xâm lấn bờ cõi tư tưởng văn hóa của người xem.
Bình luận (0)