Chương trình hòa nhạc này nằm trong sự kiện "Liên hoan nghệ thuật Giai điệu mùa thu TP HCM - lần thứ 13-2022" , sau 2 năm phải tạm hoãn vì đại dịch Covid-19, năm nay "Giai điệu mùa thu" 2022 chính thức trở lại.
"Giai điệu mùa thu" là chương trình nhằm quảng bá hình ảnh TP HCM thuộc đề án "Tổ chức liên hoan, sự kiện văn hóa và thể thao tiêu biểu TP HCM, giai đoạn từ năm 2020-2030" do Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM xây dựng.
Theo đó "Giai điệu mùa thu" sẽ là điểm đến cho các nghệ sĩ trong nước giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao chuyên môn với các nghệ sĩ quốc tế; từng bước phát triển loại hình nghệ thuật hàn lâm của TP HCM sánh tầm với các nước trong khu vực châu Á và thế giới. Cơ hội để Việt Nam và các quốc gia trên thế giới giao lưu văn hóa, du lịch, trao đổi chuyên môn nghệ thuật đồng thời tiếp cận và khai thác thị trường âm nhạc phong phú của TP HCM nói riêng, Việt Nam nói chung.
"Giai điệu mùa thu" 2022 có nhiều nội dung hấp dẫn như chương trình thanh xướng kịch Carmina Burana (ngày 13-8), đây là một tác phẩm kinh điển trong nghệ thuật thanh nhạc - hợp xướng, với các nghệ sĩ thanh nhạc cổ điển đến từ Nga và TP HCM như Yuri Rostotsky, Konstantin Brzhinsky và Phạm Khánh Ngọc cùng nhạc trưởng Trần Nhật Minh. Đêm hòa nhạc của các tài năng trẻ và dàn kèn - gõ (ngày 14-8) giới thiệu một số tác phẩm âm nhạc trẻ trung, sôi động cho dàn kèn - gõ, dưới sự dàn dựng và chỉ huy của nghệ sĩ Nguyễn Tuấn Lộc.
Chương trình “Giai điệu mùa thu” 2019 có sự góp mặt của nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng Đặng Thái Sơn. (Ảnh: HBSO)
Đêm nhạc Baroque (ngày 19-8) qua phần biểu diễn của các nghệ sĩ thanh nhạc như Phạm Trang, Phạm Khánh Ngọc, Phạm Duyên Huyền, Đào Mác cùng các nghệ sĩ khách mời đến từ Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và nhạc trưởng Trần Vương Thạch. Đêm nhạc Beethoven & Shostakovich (Rimsky - Korsakov) với sự góp mặt của các nghệ sĩ Việt Nam được đào tạo tại nước ngoài là nghệ sĩ violin Bùi Công Duy, nghệ sĩ cello Phan Đỗ Phúc, nghệ sĩ piano Nguyễn Trinh Hương, nhạc trưởng Lê Ha My (ngày 21-8).
"Những sản phẩm âm nhạc trong "Giai điệu mùa thu" 2022 được xây dựng theo hướng đưa loại hình nghệ thuật hàn lâm đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là giới trẻ" - nhạc trưởng Trần Nhật Minh của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP HCM (HBSO) bày tỏ.
Ngoài ra, còn có chương trình "Tọa đàm âm nhạc" với nhiều nội dung mang tính thời sự như: "Những thành tựu và vấn đề thử thách đối với nghệ sĩ, khán giả và nhà tổ chức chương trình trong thời đại hiện nay"; "Định hướng sở thích thưởng thức âm nhạc của khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ"; "Vai trò của dòng nhạc hàn lâm bên cạnh các dòng nhạc thịnh hành hiện nay"; "Những thành tựu và vấn đề thử thách đối với nghệ sĩ, khán giả và nhà sản xuất, tổ chức chương trình trong thời đại số" (ngày 16-8). Đây cũng là dịp để các nhà quản lý, các nhạc sĩ, nghệ sĩ trao đổi, chia sẻ ý tưởng với giới chuyên môn, khán giả nhằm nắm bắt xu hướng, góp phần xây dựng và hình thành những hoạt động âm nhạc, nghệ thuật hữu ích và phù hợp với giai đoạn hiện nay.
Giám đốc HBSO Lê Ha My cho biết: "Chúng tôi thực hiện "Giai điệu mùa thu" 2022 trên tinh thần các chương trình biểu diễn đặc sắc, giới thiệu đến công chúng những tác phẩm âm nhạc có chất lượng nghệ thuật cao của các tác giả, nghệ sĩ trong và ngoài nước nhằm thiết thực góp phần quảng bá hình ảnh TP HCM, đặc biệt là giáo dục và nâng cao trình độ thưởng thức cho người dân thành phố".
Bình luận (0)