Thông tin đạo diễn Trần Cảnh Đôn qua đời tối 21-10 khiến nhiều người trong giới bất ngờ và thương tiếc. Ông là một trong những đạo diễn thâm niên, hoạt động qua nhiều thời kỳ của thị trường phim Việt.
Sống và làm việc hết mình
Khác với hình ảnh xuề xòa đời thường, đạo diễn Trần Cảnh Đôn trong công việc luôn nghiêm khắc, cầu toàn với yêu cầu cao từ phía diễn viên. Trong mắt các đồng nghiệp, các diễn viên từng làm việc nhiều cùng đạo diễn Trần Cảnh Đôn, ông vô cùng dễ thương và máu lửa với nghề. Ông làm việc liên tục với niềm hăng say, nỗ lực tạo ra nhiều tác phẩm phục vụ khán giả.
Đạo diễn Trần Cảnh Đôn quan niệm rằng cuộc sống quá ngắn trong khi những gì cần làm rất nhiều nên ông luôn sống và làm việc hết mình. Nếu đã ghét, ông sẽ ghét đến cùng nhưng đã yêu thì sẽ yêu mãnh liệt, không chấp nhận cách sống lờ đờ, vô vị.
Chính bởi quan niệm sống này, đạo diễn Trần Cảnh Đôn trong công việc luôn cầu toàn, cố gắng hết mức có thể và cũng yêu cầu diễn viên phải như thế. Tuy nhiên, kết thúc cảnh quay, đạt được hiệu quả mong muốn thì ông lại trở về là một Trần Cảnh Đôn vui nhộn, hay chọc cười mọi người, thích cùng bạn bè lai rai bàn chuyện nghề.
Được xem là một trong những đạo diễn "đàn anh" của làng phim Việt, ông vẫn giữ đức tính khiêm tốn, chan hòa, sẵn sàng dìu dắt đàn em bước đầu làm nghề nên nhận được sự trân trọng, yêu quý từ họ. Khi biết tin ông qua đời, nhiều người làm nghề thương tiếc vì làng phim Việt lại mất đi một đạo diễn tài năng.
"Anh Trần Cảnh Đôn là người khai sinh ra tên Việt Trinh. Tôi từng đóng vai một người hầu trong phim "Thạch Sanh - Lý Thông" ở tập mà đạo diễn Trần Cảnh Đôn thực hiện. Anh khen tôi diễn xuất tốt sau một phân cảnh và hứa sẽ mời đóng phim nếu có vai phù hợp. Sau đó, anh mời tôi đóng phim nhựa "Ngọc trong đá". Suốt thời gian trên trường quay, tôi hay bị trách mắng ở những phân cảnh chưa diễn đúng những gì anh yêu cầu. Ban đầu, tôi nghĩ rằng có thể do anh không thương mình, không hài lòng về cách diễn của mình nên gây khó khăn. Tuy nhiên, khi phim chiếu và được nhiều lời khen, tôi lại hối hận bởi suy nghĩ trước đó của mình và vô cùng cảm ơn anh. Rõ ràng, những phân cảnh bị la mắng nhiều lại thuyết phục khán giả nhất và giúp tôi ghi dấu ấn về diễn xuất" - diễn viên Việt Trinh kể lại.
Từng tham gia gần 10 phim với đạo diễn Trần Cảnh Đôn, diễn viên Lý Hùng tâm sự dù khó tính trong công việc, rầy la diễn viên một cách thẳng thắn nhưng ngoài đời ông vô cùng dễ thương. Ông là người đầu tiên thuyết phục thành công diễn viên Lý Hùng chấp nhận đóng vai phản diện, góp phần tạo sự đa dạng trong sự nghiệp diễn xuất của nam diễn viên này. "Tôi nhớ mãi nụ cười của anh ấy!" - diễn viên Lý Hùng cho biết.
Đạo diễn Trần Cảnh Đôn. (Ảnh từ Facebook nhân vật)
Tâm hồn lãng mạn
NSƯT Trịnh Kim Chi nhận xét đạo diễn Trần Cảnh Đôn là người say mê công việc, máu lửa với nghề nên luôn muốn tác phẩm của mình chỉn chu nhất có thể. Sự máu lửa trong anh dễ dàng truyền cảm hứng, lôi kéo cả ê-kíp theo guồng quay chung của phim. "Tôi thấy mọi người như bị cuốn hút theo sự nhiệt huyết của anh ấy. Anh ấy nóng tính, hay la mỗi khi thấy diễn viên không tập trung, diễn chưa đúng ý nhưng buông công việc ra là cười xòa, không giữ những bực tức trước đó trong người" - NSƯT Trịnh Kim Chi cho biết.
Trong suốt sự nghiệp của mình, đạo diễn Trần Cảnh Đôn cho thấy một tình yêu lớn đối với các tác phẩm văn học, một tâm hồn lãng mạn ẩn sau vẻ ngoài bụi bặm, xuề xòa thông qua các tác phẩm điện ảnh, truyền hình ông đã thực hiện. "Anh Cảnh Đôn có một tâm hồn lãng mạn khác hẳn với biểu hiện bên ngoài. Phim của anh không khô khan mà luôn có những hình ảnh, những tình huống trong các khung cảnh đầy lãng mạn mà những ai thích phim của anh đều nhận ra" - diễn viên Việt Trinh nhận định.
Trong làng phim Việt, đạo diễn Trần Cảnh Đôn cũng được đánh giá là năng động, nắm bắt được xu hướng thị trường. Vào thời kỳ hưng thịnh của dòng phim thương mại giai đoạn đầu thập niên 1990, ông có những tác phẩm gây chú ý như: "Đoạn cuối ở Bangkok", "Cô thủ môn tội nghiệp", "Khi người ta trẻ", "Vòng vây tội lỗi"...
Đến lúc dòng phim này bão hòa và đi xuống, ông chuyển sang làm đạo diễn video ca nhạc và làm phim quảng cáo cho hàng loạt tên tuổi: Lam Trường, Đan Trường, Cẩm Ly... Thời điểm phim truyền hình phát triển mạnh, ông xông xáo với những bộ phim truyền hình tạo sự mới lạ cho khán giả vì quay bối cảnh trong nước và ở Thái Lan, như "Tội phạm", "Dollar trắng"...
Ngoài ra, đạo diễn Trần Cảnh Đôn còn làm đạo diễn lễ trao Giải Mai Vàng lần thứ X-2004 và lần thứ XI-2005 do Báo Người Lao Động tổ chức. "Tôi thật sự thích thú với chương trình này bởi nó không chỉ là một chương trình biểu diễn nghệ thuật quy mô lớn, quy tụ hàng trăm văn nghệ sĩ mà còn là một không khí trao giải căng thẳng và hồi hộp…!" - ông chia sẻ vào thời điểm làm đạo diễn lễ trao giải.
Với nhiệt huyết làm nghề không mệt mỏi, đạo diễn Trần Cảnh Đôn sẽ luôn được nhớ đến qua những di sản mà ông để lại cho các thế hệ khán giả.
Đạo diễn Trần Cảnh Đôn qua đời lúc 20 giờ 15 phút ngày 21-10, hưởng thọ 63 tuổi. Linh cữu được quàn tại chùa Vĩnh Nghiêm (TP HCM). Lễ động quan lúc 9 giờ 15 phút ngày 25-10, sau đó linh cữu đưa đi hỏa táng tại Hóa An - Bình Dương.
Đạo diễn Trần Cảnh Đôn sinh năm 1959, quê ở Hưng Yên. Sau khi tốt nghiệp THPT, ông chọn học đại học ngành tài chính - kế toán. Dù vậy, sau khi tốt nghiệp đại học, ông nhận ra đây không phải nghề mình yêu thích nên tiếp tục học chuyên ngành đạo diễn sân khấu.
Ông nhận nhiều giải thưởng trong sự nghiệp như: Giải B phim truyện video Hội Điện ảnh Việt Nam năm 1999 với phim "Tội phạm", giải bạc phim truyền hình toàn quốc với phim "Tội lỗi cuối cùng", giải Bông sen bạc Liên hoan Phim Việt Nam với phim "Cô thủ môn tội nghiệp", giải khán giả yêu thích với phim "Ngọc trong đá"...
Bình luận (0)