Năm 2017 vẫn là năm khó khăn của sân khấu, các sàn diễn vẫn nỗ lực sáng đèn nhưng khán giả ngày càng thưa thớt. Tuy nhiên, nhiệt huyết làm nghề của đội ngũ sân khấu vẫn chưa vơi. Vẫn có những vở diễn, vai diễn giữ chân khán giả mộ điệu.
Vai phụ, chính đều tỏa sáng
Trong năm 2017, các sân khấu kịch và cải lương đã tạo cơ hội cho nhiều nam diễn viên trẻ so tài bằng nhiều vai diễn hay. Bên cạnh sự trợ lực của đàn anh, họ từng bước tạo được uy tín qua các vai chính, mang lại sức hút cho nhiều sàn diễn.
Diễn viên Đoàn Thanh Tài (giữa) trong vở "Hồi xưa biển ngọt" của Sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh
Sân khấu IDECAF năm nay dành một vai rất dễ thương cho Trường Thịnh. Vai Thuận, chồng của Hạ, không xuyên suốt vở kịch nhưng Trường Thịnh vẫn tạo sự bất ngờ qua nét diễn chân thật.
NSƯT Thành Lộc (đứng) vai dì Ba trong vở "Ngôi nhà không có đàn ông" của Sân khấu IDECAF
Theo các nghệ sĩ đàn anh tại IDECAF, với tố chất mạnh mẽ, biết cách tùy biến cho vai diễn, chàng diễn viên trẻ này đã tạo dấu ấn đẹp trong lòng khán giả qua vở "Ngôi nhà không có đàn ông". Trường Thịnh còn là "nhân tố mới của Sân khấu IDECAF", như đạo diễn Vũ Minh nhận xét.
Trên Sân khấu Kịch Phú Nhuận, Minh Luân cũng tạo được sự sinh động qua từng vai diễn mới. Trong đó, ấn tượng nhất phải kể đến là vai Hai Cư trong vở "Con nhà nghèo", một con người nghĩa khí và chân chất.
Ở Sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh, vai Sáu Thôn (vở "Hồi xưa biển ngọt") đã đánh dấu một bước chuyển mới của Đoàn Thanh Tài trong sáng tạo diễn xuất. Đạo diễn Ái Như đã không quá liều khi giao vai khó, nặng ký này cho Đoàn Thanh Tài. Theo chị, diễn viên muốn khẳng định được vị trí kép đẹp trong tương lai thì phải đi lên từ những vai diễn khó, có số phận gai góc. "Đoàn Thanh Tài đã đi vào nỗi đau tận cùng của nhân vật với sức diễn đầy ấn tượng" - NSƯT Thành Hội nhìn nhận.
Nam diễn viên tạo được cảm tình sâu sắc với khán giả trên Sân khấu Sài Gòn Phẳng - Nhà hát Thế giới trẻ là Hoàng Phi (vai Vũ trong vở "Chúng ta thuộc về nhau"). Với sự đa dạng trong cách thể hiện, tính cách của Vũ là nét điểm xuyết tuyệt đẹp cho bức tranh sinh động mà đạo diễn Ngọc Hùng muốn giới thiệu đến khán giả đang yêu với những thông điệp ý nghĩa. "Hoàng Phi có nhiều cách diễn nhưng cách xử lý trong "Chúng ta thuộc về nhau" đã mang lại cho anh nhiều điểm cộng" - NSƯT Công Ninh đánh giá.
Trên Sân khấu Kịch Trịnh Kim Chi, diễn viên Thái Kim Tùng đã tạo được hiệu ứng độc đáo cho vai diễn trong vở "Hồn nữ mơ hoang". Thái Kim Tùng xuất hiện trong vở nhạc kịch bolero này với sự thăng hoa mới lạ. "Tôi đánh giá cao khả năng ứng biến trong diễn xuất của Thái Kim Tùng. Những vai diễn của cậu ấy có chiều sâu tâm lý và sức lan tỏa trong cảm nhận của người xem. Sau thành công trong vở "Giấc mơ" với tư cách đạo diễn, Thái Kim Tùng trở lại sàn diễn trong vai trò diễn viên và đã tạo được sức bật đáng khen" - PGS-TS Trần Yến Chi nhận xét.
Sao cũ vẫn được lòng khán giả
Năm 2017, nếu các nam diễn viên trẻ nỗ lực tạo độ tin cậy cho người xem qua các vai diễn khó thì dàn ngôi sao tên tuổi vẫn được xem là khó thiếu của các sàn diễn. Họ vẫn chứng tỏ nội lực qua các vai diễn trung tâm.
Trong vở kịch đình đám đang thu hút khán giả "Ngôi nhà không có đàn ông" (tác giả: Ngọc Linh, đạo diễn: Vũ Minh) của IDECAF, Thành Lộc và Hữu Châu mang lại nhiều cảm xúc cho người xem. Vai ông Thiện của nghệ sĩ Hữu Châu và vai dì Ba Duyên của nghệ sĩ Thành Lộc đã chinh phục khán giả. Họ khóc cười với 2 số phận đặc biệt trong vở diễn này.
Ngoài ra, Hữu Châu còn có vai ông Trung trong vở "Chúng ta là gia đình" và Thành Lộc với vai Quốc Dũng trong vở "Đời bỗng dưng yêu". "Năm nay, Thành Lộc có thêm các số phận độc đáo khiến khán giả say mê, thích thú khi xem anh diễn. Ngoài ra, anh còn có vai vị thần bóng đêm trong chương trình "Ngày xửa ngày xưa 2017". Ba vai diễn này hứa hẹn sẽ mang lại cho Thành Lộc một đề cử ở hạng mục Nam diễn viên sân khấu của Giải Mai Vàng năm nay" - NSƯT Trần Minh Ngọc tâm đắc.
Nghệ sĩ Vũ Xuân Trang trên Sân khấu Kịch Phú Nhuận đã có 2 vai ấn tượng: John (vở "Ám ảnh kinh hoàng") và Tùng (vở "Hung thủ"). Vẫn giữ phong độ, bản lĩnh, tạo vị thế đối trọng với các nhân vật trung tâm, Vũ Xuân Trang có lợi thế vừa làm đạo diễn vừa làm diễn viên nên anh đo được độ nóng của vai diễn, sức tác động từ tâm lý nhân vật truyền đến bạn diễn và đi đúng trọng tâm truyền đạt thông điệp của vở diễn. "Trang diễn ngày càng hay, vai phụ nhưng vẫn sáng. Vai John và Tùng là 2 nhân vật phản diện có sự đầu tư" - NSND Hồng Vân phân tích.
Tại Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP HCM, nghệ sĩ Chánh Trực có vai trưởng thôn (vở "Dấu xưa") tạo được dấu ấn. Đây là vai diễn duyên dáng, thể hiện hình ảnh một cán bộ làm việc quan liêu, chuộng hình thức. "Trực biết tạo sức hút nên vai diễn luôn nhận được những tràng pháo tay của khán giả. Trong "Dấu xưa", bên cạnh điểm sáng của NSƯT Thanh Điền vai Bác Hồ là vai trưởng thôn của Trực" - NSƯT Việt Anh đánh giá.
NSƯT Thành Hội cũng có vai hay trong vở "Hồi xưa biển ngọt" - biến một người phụ bạc vợ hiền trở nên đầy thương cảm trước sự ăn năn, hối cải của ông.
Cải lương: Một số vai diễn ấn tượng
Trên sân khấu cải lương năm nay, một số diễn viên có vai diễn tạo được ấn tượng với khán giả: Nguyễn Minh Trường vai Nguyễn Ánh trong vở "Chân mệnh", Trọng Phúc vai Lưu trong "Hồn ma báo oán", Lê Văn Gàn vai Nam trong "Đoạn trường", Võ Minh Lâm vai Kinh Kha trong "Thích khách Tần Vương"…
Đạo diễn Trần Minh Ngọc nhận xét: "Năm nay hiếm kịch bản mới, nỗ lực của các nam diễn viên sân khấu qua các vai diễn kể trên là một cố gắng đáng mừng. Tuy vậy, vai nào cũng có độ sâu lắng, thể hiện nội tâm rất ấn tượng. Vai Nguyễn Ánh của Nguyễn Minh Trường là một bất ngờ thú vị. Sau khi đoạt giải Chuông vàng vọng cổ 2015 đến nay, đây là cuộc lột xác ý nghĩa cho hành trang làm nghệ thuật của em".
Bình luận (0)