NSND Hồng Vân vào vai bà Hai Mạnh, nghệ sĩ Thanh Thủy với vai bà Ba Cải trong vở nhạc kịch "Bông cánh cò" trên Sân khấu Kịch Hồng Vân là hình ảnh điển hình về sự nghiêm túc trong lao động nghệ thuật.
Người xem vừa thương, vừa giận
Trong "Bông cánh cò", hai nghệ sĩ Hồng Vân và Thanh Thủy không chỉ diễn mà còn hát những ca khúc mang âm hưởng dân ca của nhạc sĩ Bắc Sơn. Trên phương diện diễn xuất, cả hai nghệ sĩ vào vai nhân vật đầy đặn cảm xúc, song vẫn không quên yểm trợ đắc lực cho dàn diễn viên trẻ. Theo nhận xét của những người trong cuộc về Hồng Vân và Thanh Thủy là "gừng càng già càng cay". Cách diễn của hai nữ nghệ sĩ luôn để lại ý ngầm trong diễn xuất, nên dù là vai phụ nhưng vẫn ở vị thế trung tâm mỗi lần cả hai đối diện, tương tác nhau.
NSND Hồng Vân (trái)
Diễn viên Kim Huyền với vai Huệ trong vở "Trả lại lia thia" từ tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư dễ dàng tìm được sự đồng cảm của công chúng. Sự trở lại của Kim Huyền trên Sân khấu Hoàng Thái Thanh đã góp phần phát huy thế mạnh của thương hiệu này ở thể loại kịch tâm lý tình cảm. Kim Huyền đã thổi một làn gió riêng cho vai Huệ bằng lối diễn rất chi tiết trong việc thể hiện từng bước đi tập tễnh đầy khó khăn do tai nạn mà Rô (diễn viên Trí Quang đóng) gây ra, từng nét cơ mặt lúc điên lúc tỉnh đã khiến người xem vừa thương vừa giận vì sao Huệ cố chấp, tự đày đọa bản thân trong quá khứ và không cho Rô chuộc tội.
NSƯT Tú Sương
Nhân vật anh hùng Bùi Thị Xuân do NSƯT Tú Sương thể hiện trong vở cải lương sử Việt "Ngược dòng Tây Sơn" là một dấu ấn mới của nghệ sĩ Tú Sương. Cô diễn sử Việt theo góc nhìn của người trẻ hôm nay, giữ vững tinh thần dân tộc, không khuếch trương hiện thực. Là diễn viên có thực lực nên NSƯT Tú Sương đã làm cho câu hát, lời thoại luôn bay bổng, thanh xuân. Vai diễn còn tạo cơ hội để cô vận dụng vũ đạo, võ thuật, nhập cuộc vào hành trình khai thác số phận nhân vật, trở thành một vai đào võ tuyệt vời trên sân khấu cải lương tuồng cổ qua bản dựng của đạo diễn Nguyễn Thành Toàn.
Làm khán giả thổn thức
Nhiều ý kiến cho rằng diễn viên Lê Khánh không hợp với vai Giáng Hương trong vở "Giáng Hương - sân khấu về khuya" (Sân khấu Thiên Đăng). Thế nhưng theo đạo diễn - NSƯT Thành Lộc, bản dựng của anh đặc tả Giáng Hương ở một góc nhìn mới. Giáng Hương cố chấp giữ gìn nghệ thuật truyền thống, khăng khăng biểu diễn tác phẩm "Huyền Trân công chúa", hóa thân thành người đẹp tuổi 19 dù tuổi đời đã không còn trẻ. Do vậy, Lê Khánh đã có một vai diễn nặng ký dù gây tranh cãi trong giới chuyên môn nhưng khi ra công chúng đã được đón nhận.
Diễn viên Lê Khánh (phải)
Ở bản dựng mới của đạo diễn Hoa Hạ trong lần tái dựng "Cô đào hát" (Sân khấu Cải lương Mới Đại Việt), chị đã dành cho NSƯT Quế Trân vai cô đào Cầm Thanh rất mới, qua đó đã kích thích cảm xúc của khán giả.
NSƯT Quế Trân (phải)
Trên sàn diễn Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM, vở kịch "Ái tình ngoài hôn nhân" có vai diễn của Mỹ Uyên đã làm khán giả thổn thức. Vai diễn điển hình cho thời đại công nghiệp, xã hội lao nhanh với những mối quan hệ, câu hỏi liệu người phụ nữ có nên coi trọng thiên chức làm vợ, làm mẹ hay độc lập tài chính rồi chấp nhận thay đổi mình. Vai bà Ngọc của Mỹ Uyên là đất diễn có nhiều cảm xúc, thể hiện người phụ nữ đi từ thái cực này sang thái cực khác. Mỹ Uyên đã tạo cho nhân vật dấu ấn khó quên.
NSƯT Mỹ Uyên
NSND Thu Quế có vai diễn Thị Bình trong bản dựng thuần Việt tác phẩm kinh điển của văn học Trung Quốc "Lôi vũ" được giới chuyên môn đánh giá cao. Vai diễn có đủ độ chín muồi để gây xúc động cho người xem, dù với công chúng yêu kịch, chẳng ai còn xa lạ câu chuyện "Lôi vũ" của nhà văn Tào Ngu. Vai Thị Bình của Thu Quế không chỉ diễn tại Hà Nội mà sẽ tham gia tuần lễ sân khấu ASEAN tại Trung Quốc vào tháng 11.
Nghệ sĩ Như Quỳnh của Nhà hát Cải lương Việt Nam có vai diễn nữ chính cực kỳ sinh động, trữ tình trong vở "Mê Đê" do đạo diễn - NSƯT Lê Chức dàn dựng. Trong vở diễn, vai nữ chính liên tục xuất hiện với nhiều trạng thái tâm lý khác nhau. "Mê Đê" đã tạo cơ hội để Như Quỳnh tìm nguồn sáng tạo mới trong hóa thân của người nghệ sĩ.
Bình luận (0)