Chương trình đã trao quà hỗ trợ văn nghệ sĩ trong hoàn cảnh khó khăn của mùa Covid-19 với số tiền 5 triệu đồng. Đón nhận trong niềm vui của ngày gặp lại các đồng nghiệp, ông đã dành buổi chiều hàn huyên với chúng tôi trong căn phòng ấm áp, yên tĩnh.
Viết văn phải dấn thân
Chúng tôi đến thăm ông tại căn nhà nhỏ nằm trên đường Nguyễn Hồng Đào, quận Tân Bình, TP HCM. Ông đã dời về đây sinh sống với người con gái út từ 2 năm nay. Gặp lại các đồng nghiệp trẻ, ông đưa chúng tôi xem toa thuốc điều trị bệnh cao huyết áp và rối loạn giấc ngủ. Năm nay đã 73 tuổi, ông chậm chạp hơn nhưng vẫn giữ cá tính khôi hài, thích chọc cười mọi người và coi mọi chuyện chẳng có gì đáng lo. Ông hỏi về những nhà báo một thời cùng ông "trên từng cây số" giờ ai còn, ai nghỉ.
Nhà văn Đoàn Thạch Biền tại nhà vào chiều 4-11, khi chương trình “Mai Vàng nhân ái” đến thăm.(Ảnh: TẤN THẠNH)
Từ khi chuyên san Áo trắng của NXB Trẻ ngưng phát hành mới đây, nhà văn Đoàn Thạch Biền cho biết: "Trong giãn cách xã hội phòng chống dịch, tất cả đều ngưng trệ. Cứ mỗi số lỗ 30 triệu đồng, cầm cự đến số thứ 4 trong năm đành phải ngưng in. Hiện nay, có một ê-kíp ký kết lo việc phát hành theo hệ thống giao chuyển đến tận nhà, nên tín hiệu vui là Áo trắng sẽ phát hành lại trong năm mới".
Nhận được món quà của chương trình "Mai Vàng nhân ái", ông xúc động bày tỏ niềm vui: "Một nhà báo về hưu 10 năm rồi, vẫn được cơ quan cũ nhớ tới thì thật là cảm động". Trả lời câu hỏi trong đại dịch ông có thai nghén đứa con tinh thần nào, nhất là viết về những mất mát do dịch Covid -19 gây ra, ông trầm ngâm: "Viết văn phải dấn thân, còn nghe kể thì khó mà viết hay. Tôi cũng có đọc các bài viết của chính những người sống sót trở về từ khu cách ly, họ viết hay và đầy cảm xúc. Mình muốn viết đề tài này nhưng không thể viết hay hơn họ, bởi viết văn phải xuất phát từ cảm xúc chân thật nhất mới tìm được đồng cảm từ người đọc".
Ông cho biết luôn quan tâm đến những hoạt động rất ý nghĩa sau mặt báo của Báo Người Lao Động thời gian qua. Đội ngũ làm báo đã thể hiện sự xông xáo, cống hiến hết sức mình trên mọi mặt trận. Điều đó khiến ông cảm thấy tự hào.
Miệt mài sáng tác và làm từ thiện
Điều khiến những ai yêu thích văn chương của Đoàn Thạch Biền chính là cách đặt những câu văn ngắn gọn nhưng không hề thô ráp. Nhắc đến những tác phẩm tuổi mới lớn của nhà văn này thì không thể không nhắc đến chuyên san Áo trắng thuộc NXB Trẻ.
Hơn 30 năm qua, dù trải qua nhiều biến động nhưng ông vẫn trung thành, đều đặn cho ra đời những tiểu thuyết như: "Bất ngờ phía trái tim", "Phượng yêu", "Đừng đốt cháy bông hồng", "Tôi thương mà em đâu có hay", "Tôi hay mà em đâu có thương", "Mây bay trong đầu", "Những ngày tươi đẹp", "Mùa hè khắc nghiệt"…
Những tác phẩm của ông đã được xem là khuynh hướng tiên phong trong việc mở đường cho văn chương tuổi mới lớn đầy mơ mộng. Ông đã phá bỏ lối kể chuyện truyền thống, thay vào đó là cấu trúc về dòng chảy ký ức. Không chỉ viết cho tuổi áo trắng, ông còn truyền ngọn lửa đam mê cho nhiều cây bút mới. Ông sáng lập CLB Văn thơ Gia đình Áo trắng. Rồi chính ông cặm cụi biên tập từng câu chữ, tổ chức bài vở cho từng số.
Suốt 30 năm qua, CLB này đã ươm mầm cho nhiều ngòi bút trẻ mà nay họ đã trở thành nhà văn, nhà thơ có tên tuổi như: Dương Bình Nguyên, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Phong Điệp, Vi Thùy Linh, Trang Hạ, Lê Thiếu Nhơn, Trần Hoàng Nhân, Dương Thụy, Phan Hồn Nhiên, Hải Miên… Sự gắn bó, tận tụy, bền bỉ của ông với Áo trắng trong vai trò đầu tàu khiến bạn viết, bạn đọc gọi ông là "ông Biền Áo trắng".
NSND Trần Ngọc Giàu từng nhận xét rằng những điều người đọc thấy qua văn chương của nhà văn Đoàn Thạch Biền là những điều được viết ra, những điều có thể kể bằng nhiều cách khác nhau, nhưng tựu trung trong tác phẩm của ông là sự hiện diện của tâm hồn luôn trẻ.
Đến thăm ông chiều 4-11, qua những câu chuyện, chúng tôi còn nhận thấy ở ông cái tôi sâu lắng khi nói về mục đích tốt đẹp của việc làm thiện nguyện. Đó là công việc mà hơn 10 năm qua, ông cùng với nhà văn Nguyễn Đông Thức thực hiện chương trình "Môtô học bổng".
"Sau khi nhận sổ hưu, tôi và nhà văn Nguyễn Đông Thức tự bỏ tiền túi và kêu gọi bạn bè ủng hộ rồi tự chạy môtô đi trao học bổng cho các em học sinh nghèo hiếu học tại nhiều vùng miền khác nhau. Hành trình này là những chuyến đi, bảo đảm học bổng đến tận tay các em, không đi lạc. Rồi nhiều học sinh thông qua chương trình này được các nhà hảo tâm bảo trợ học đến khi tốt nghiệp. Sắp tới, chúng tôi sẽ về huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, xây nhà cho một sinh viên mồ côi. Bây giờ chỉ mong còn đủ sức khỏe để tiếp tục lên đường" - nhà văn hào hứng kể.
Bình luận (0)