Ông sinh năm 1932 tại Đông Anh, Hà Nội. Năm 1951, bắt đầu viết văn với bút danh Châu Diên, giành được một số giải thưởng về văn xuôi. Tác phẩm của ông có thể kể đến "Mái nhà ấm" (NXB Văn học, 1959), "Con nhện vàng" (NXB Thanh niên, 1962), tiểu thuyết "Người sông Mê" (NXB Hội Nhà văn, 2003, tái bản 2005).
Ông cũng từng dịch nhiều tác phẩm của Victor Hugo, Carlo Goldoni, Jean-Paul Sartre, A.de Saint-Exupéry, Đới Tư Kiệt… Nổi bật là các cuốn "Chín mươi ba", "Bay đêm", "Nhà tiên tri", "Con trai của người", "Vẻ đẹp đời" , "Sư tử", "Cô chủ quán", "Ruồi"…
Ngoài là nhà văn, dịch giả, Phạm Toàn còn dành nhiều thời gian cho giáo dục. Ông nghiên cứu về giáo dục tiểu học từ năm 1967, tham gia nghiên cứu, giảng dạy, biên soạn sách cho học sinh dân tộc thiểu số, sách tâm lý giáo dục và bộ sách công nghệ giáo dục cho học sinh trường thực nghiệm. Ông nhận Huy hiệu Lao động sáng tạo năm 1981, giải nhì UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 1984…
Dịch giả, nhà văn, nhà giáo dục Phạm Toàn (Châu Diên) Ảnh: Lê Anh Dũng
Những năm cuối đời, Phạm Toàn dành toàn bộ tâm huyết của mình cho giáo dục. Ông được biết đến là người sáng lập nhóm Cánh Buồm, tập hợp những người làm việc hoàn toàn trên tinh thần tình nguyện để cùng nhau biên soạn bộ sách giáo khoa (SGK) có khả năng phát triển năng lực tự học và tự giáo dục của người học. Không chỉ đặt mục tiêu biên soạn SGK, nhóm còn muốn tổ chức việc học thành quy trình gắn với phương châm "Làm mà học, làm thì học" (Learning by doing).
Từ năm 2010 đến nay, nhóm Cánh Buồm đã biên soạn các cuốn giáo khoa: Văn và tiếng Việt cho bậc tiểu học và THCS; Khoa học, Lối sống và Tiếng Anh cho bậc tiểu học (riêng Tiếng Anh còn 2 cuốn lớp 4 và lớp 5 đang làm). Tổng cộng đã có khoảng 100.000 bản SGK Cánh Buồm được xuất bản bằng các nguồn lực xã hội do nhóm quyên góp. Bộ SGK Cánh Buồm cùng phương pháp học "Learning by doing" hiện được sử dụng tại một số trường ở Hà Nội và TP HCM.
Năm 2018, nhà giáo Phạm Toàn đã chuyển giao vai trò tổ chức hoạt động của nhóm Cánh Buồm cho ban điều hành gồm 5 thành viên. Ông vẫn tiếp tục tham gia tư vấn, tập huấn giáo viên và giảng dạy nhưng đều theo kế hoạch do ban điều hành sắp xếp.
Lễ viếng dịch giả - nhà giáo Phạm Toàn được tổ chức từ 8 giờ 30 phút đến 9 giờ 30 phút ngày 28-6 tại Nhà Tang lễ Cầu Giấy. Ông được an táng tại quê nhà - thôn Hội Phụ, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội, sau khi hỏa táng cùng ngày tại Đài hóa thân Hoàn Vũ (Văn Điển).
Bình luận (0)