Các nhà làm phim Việt học hỏi được gì từ nền điện ảnh Iran - một nền điện ảnh đặc biệt bị kiểm duyệt gắt gao, kinh phí làm phim thấp, không tình dục, bia rượu, bạo lực… nhưng vẫn thành công vang dội tại các liên hoan phim danh tiếng?
90% phim được chiếu tại các LHP quốc tế
Iran có một nền điện ảnh khá lạ kỳ khiến cả thế giới ngưỡng mộ. Bộ phim "The Salesman" (Người bán hàng) của đạo diễn Iran Asghar Farhadi, đã được xướng tên hạng mục Phim nước ngoài xuất sắc nhất tại Oscar 2016. Năm 2012, bộ phim "A Separation" (Ly thân) cũng từng giành chiến thắng tại giải Oscar và giải Quả Cầu Vàng. Trước nữa, năm 1998, "Children of Heaven" (Những đứa trẻ đến từ thiên đường) cũng từng lọt vào đề cử Oscar cho Phim nước ngoài xuất sắc nhất.
Cảnh trong phim “The dark room” (Phòng tối), đoạt giải thưởng Phim truyện xuất sắc nhất của Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội 2018
Có mặt tại hội thảo "Kinh nghiệm thành công quốc tế của điện ảnh Iran" được tổ chức ngày 29-10 trong khuôn khổ Liên hoan Phim (LHP) quốc tế Hà Nội, nhà phê bình phim người Iran Mohammad Attebbai cho biết đến cuối tháng 10-2018, tổng số phim tham gia LHP quốc tế là hơn 40.000. Tổng số giải thưởng quốc tế của nền điện ảnh này đã đạt được là hơn 4.000 phim, trong đó 152 phim được giải thưởng là trước cách mạng Hồi giáo 1979.
Ông Mohammad Attebbai khẳng định một trong những yếu tố mang lại thành công cho điện ảnh Iran là sự nỗ lực không ngừng đưa phim đến với các LHP quốc tế. Phim của Iran hầu hết đều lọt vào các hạng mục chính của các LHP quốc tế. Trước đây, Iran sản xuất 60 phim truyện mỗi năm, nhưng vừa qua đã tăng lên 150 phim truyện mỗi năm. Đáng chú ý, 90% số phim do Iran sản xuất được chiếu tại các LHP quốc tế, cho thấy chất lượng các phim của Iran được công chúng và giới chuyên môn đánh giá cao.
Đạo diễn Shahram Mokri cho biết phim có đề tài tình dục và bạo lực không thể chiếu ở Iran. "Nhưng để làm phim, chúng tôi tìm cách xử lý qua ánh sáng, âm thanh, thông qua ngôn ngữ của nghệ thuật để lột tả về bạo lực và tình dục" - ông Shahram Mokri nói.
Một đạo diễn khác đến từ Iran là Rouhollah Hejazi chia sẻ các đạo diễn Iran đã làm những bộ phim với ngân sách rất thấp, những diễn viên không chuyên nghiệp, kỹ thuật cũng không cao siêu. Tuy vậy, họ đã làm bằng tất cả tình yêu điện ảnh. Theo ông Kazem Mollaie, đạo diễn của "The dark room" (Phòng tối), phim đoạt giải thưởng Phim truyện xuất sắc nhất của LHP quốc tế Hà Nội 2018 (trao giải vào tối 31-10), hơn 80% bối cảnh của phim Iran đều là cảnh thực và thực tế không có nhiều cảnh dựng trong quá trình làm phim. Các nhà làm phim độc lập Iran thường phải chủ động tìm nguồn vốn hoặc vay ngân hàng tư nhân, thậm chí có những bộ phim khi phát hành xong không trả được nợ. Tuy nhiên, thế mạnh của những nhà làm phim độc lập là được chủ động sáng tạo và làm những gì mình muốn trong khả năng. Mỗi khi gặp những khó khăn về kiểm duyệt, bản thân họ lại thu thập được những kinh nghiệm để chuyển đổi nó bằng những cách thức sáng tạo hơn.
Nhân cách của người làm phim
Đạo diễn Đặng Nhật Minh nói rằng việc tiếp xúc với các đạo diễn, nhà làm phim Iran ở các kỳ LHP đã giúp ông hiểu điều đầu tiên và rất quan trọng khiến điện ảnh nước này thành công xuất phát từ nhân cách của các nghệ sĩ, của những người làm phim. Họ hoàn toàn đứng về phía nhân dân, yêu và gắn bó với những con người bình thường trong xã hội. Với ông, Iran mới là cường quốc điện ảnh chứ không phải Hollywood.
Đạo diễn trẻ Nguyễn Hoàng Điệp cho hay ngay khi còn là sinh viên ở trường điện ảnh, chị đã luôn được nghe sự so sánh giữa điện ảnh Việt Nam và Iran. "Sau này, khi làm phim, tôi học được từ họ cách kể câu chuyện gần gũi với đời sống chứ không để tâm quá nhiều đến kỹ thuật, sự cầu kỳ về kỹ xảo hay ngân sách nhà nước" - tác giả phim "Đập cánh giữa không trung" nói.
Đạo diễn của bộ phim "Cha cõng con" (từng đoạt giải Phim xuất sắc nhất châu Á tại LHP quốc tế Iran lần thứ 36) Lương Đình Dũng cũng đã xem rất nhiều phim Iran - những câu chuyện đặc sắc chân thật được kể qua ngôn ngữ điện ảnh một cách tinh tế. Chia sẻ quan điểm của mình, Lương Đình Dũng cho rằng điện ảnh Việt nên nhìn nhận sự việc tổng quan trước rồi xem mình ở điểm xuất phát nào, lợi thế của chúng ta là gì, từ đó mới đưa ra hướng đi cụ thể. "Hollywood làm phim với kinh phí khủng để bảo đảm thành công nhưng không thể thiếu những câu chuyện liên quan đến con người, kể cả phim hoạt hình. Còn Iran hay nhiều nước khác, gồm cả Việt Nam, không có kinh phí lớn, ê-kip cơ bản đáp ứng cho một đoàn làm phim chuyên nghiệp đang thiếu hụt. Vậy chúng ta nên lựa chọn những câu chuyện mang đậm màu sắc văn hóa, con người, đời sống Việt để làm phim thì mới có thể giành lợi thế khi ra nước ngoài" - đạo diễn Lương Đình Dũng nhận định.
Bình luận (0)