Chi Bảo cho biết, việc nghệ sĩ dùng tài khoản cá nhân làm từ thiện không an toàn
. "Từ thiện" đang trở thành từ khóa nhạy cảm và người ta tin rằng, cả người đóng góp lẫn những người năng nổ với các chương trình từ thiện sẽ thấy "chùn chân" với công việc từ thiện?
- Diễn viên Chi Bảo: Các chương trình từ thiện giữa các cá nhân hiện nay đều không dựa trên những quy định của luật, tin tưởng nhau mà làm, nên khó nói đúng sai, có thể đúng với người này nhưng sai với người khác. Vì thiên về cảm tính và thiếu những quy định ràng buộc nên có rất nhiều rủi ro. Khi thương trái ấu cũng tròn, khi ghét trái bồ hòn cũng méo. Ngày nào mà chuyện từ thiện vẫn còn tiếp tục chỉ dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau thì ngày đó nhiều chuyện tổn thương, đau lòng cho tất cả vẫn còn tiếp diễn. Vấn đề là làm từ thiện sao cho an toàn, an toàn cho cả 3 bên: người làm từ thiện (nhà hảo tâm), người được ủy thác và người được nhận từ thiện.
. Vấn đề an toàn mà anh đang nhắc đến là gì?
- An toàn tức là phải đúng luật. Từ lâu rồi, tôi không ủng hộ cá nhân dùng tài khoản riêng để làm từ thiện. Khi dùng tài khoản cá nhân, nếu xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn rất khó giải quyết. Nếu bạn chỉ làm từ thiện trong một phạm vi nhỏ và không thường xuyên thì việc báo cáo sẽ đơn giản, làm sao cũng được miễn bạn bè, người đóng góp tin tưởng, chấp nhận. Còn chương trình ở quy mô và phạm vi lớn, thì báo cáo từ thiện để minh bạch là cả một vấn đề cần thời gian, tiền bạc và công sức.
Bạn phải chứng minh giải trình các vấn đề sau:
Thứ nhất: bạn phải chứng minh là bạn trao/gửi/uỷ thác đúng đối tượng theo yêu cầu của người quyên góp. Bạn không thể nào tự mình làm việc này được, bạn phải nhờ hoặc thông qua một cơ quan, tổ chức khác. Ví dụ: khi bạn trao tiền cho người bất hạnh, bạn có thể trao tiền tận tay cho họ, nhưng để xác nhận đó có đúng đối tượng không thì bạn phải cần cơ quan nhà nước, nên không có chuyện tự bản thân bạn làm được. Như thế bạn phải đặt niềm tin vào cơ quan, tổ chức bạn nhờ giúp đỡ. Vấn đề cũng là niềm tin.
Thứ hai, việc mua quà/vật tặng phải minh bạch: giá cả, số lượng, hóa đơn chứng từ. Không thể chỉ là những tờ giấy ký vội. Muốn vậy bạn phải mua sản phẩm/vật dụng tại những nơi cung cấp hóa đơn rõ ràng, dù ở xa nơi cứu trợ bạn phải mất thêm tiền vận chuyển nhưng bạn phải thực hiện để minh bạch chứng từ. Tặng quà, trao tiền còn đơn giản nhưng nếu tài trợ công trình, dự án thì công đoạn chứng minh sẽ nhiều thời gian và tốn kém.
Thứ ba, đối chiếu thu chi. Đây là một vấn đề phức tạp, bạn làm cách nào để chứng minh? cách hiện nay là bạn chép/copy file sao kê và đưa lên FB, website.. nhưng cũng chỉ mang tính tạm thời mà thôi, vì không thể cất công kiểm tra những danh sách rất dài hết được.
Cuối cùng, có người hỏi tại sao không nhờ kiểm toán? để "nhờ" được kiểm toán uy tín chưa nói đến việc phải mất chi phí hay miễn phí (tài trợ) thì điều trước tiên toàn bộ quá trình bạn triển khai hoạt động từ thiện phải đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu kiểm toán. Bạn cầm tiền mặt trao cho người khác thì kiểm toán cách nào? Đối với Quỹ Hiểu về trái tim (HVTT), một trong những điều kiện KPMG kiểm toán là toàn bộ thu/chi phải qua hệ thống ngân hàng, không nhận đóng góp và giải ngân bằng tiền mặt. Vì vậy, không phải hoạt động, chương trình nào cũng có thể kiểm toán được. Qua chuyện này, có nhiều thứ để nghĩ. Có xấu nhưng cũng có tốt. Tốt ở đây là mọi người sẽ cẩn trọng để mọi thứ an toàn hơn.
Quỹ HVTT của anh sẽ cung cấp giải pháp cho nghệ sĩ khi làm từ thiện
. Với kinh nghiệm một người vận hành Quỹ Hiểu về Trái tim suốt 11 năm qua với nhiều hoạt động thiện nguyện, anh có giải pháp an toàn nào cho nghệ sĩ làm từ thiện không?
- Đó là người nhận ủy thác, hiện nay là những nghệ sĩ, nên dùng tài khoản hợp pháp cho hoạt động từ thiện của mình để có thể đáp ứng các yêu cầu "từ thiện an toàn". Quỹ HVTT sẽ cung cấp 1 tài khoản đứng tên Quỹ HVTT cho Nghệ sỹ (người ủy thác) hoàn toàn có thể tự quản lý thu chi theo tiêu chí riêng của từng chương trình mà họ kêu gọi. Nghệ sỹ không phải dùng tài khoản cá nhân và không chịu trách nhiệm pháp lý, lúc đó Quỹ HVTT sẽ chịu trách nhiệm. Người được ủy thác (nghệ sỹ) chỉ việc lên chương trình và kêu gọi quyên góp. Sau đó, họ có thể dùng 100% số tiền quyên góp được để thực hiện giải ngân theo đúng mục đích kêu gọi dưới sự giám sát của Quỹ HVTT.
Mục đích của Quỹ HVTT không phải làm từ thiện là phải quyên góp được nhiều tiền, mà chúng tôi mong muốn làm cầu nối để các tổ chức/cá nhân có thể làm từ thiện theo cách riêng mình dưới những quy định rõ ràng của pháp luật. Chúng tôi đã dành hơn 04 năm để xây dựng Mạng xã hội HVTT (www.hieuvetraitim.com) với mục đích cung cấp giải pháp, công cụ cho các tổ chức, cá nhân có thể làm từ thiện tùy ý và an toàn cho chính mình, mang lại hạnh phúc cho những người cùng tham gia.
. 11 năm tồn tại, Quỹ HVTT hẳn cũng vướng vào những lùm xùm nghi ngờ độ minh bạch?
- Chúng tôi có kiểm toán KPMG để trả lời thay cho các hoạt động của chúng tôi. Hơn ai hết, chúng tôi rất hiểu con đường mình đã chọn, suốt 10 năm qua KPMG luôn đồng hành cùng Quỹ HVTT, ngoài ra chúng tôi chịu sự giám sát và kiểm tra, báo cáo với Bộ tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ lao động thương binh xã hội, nhưng trên hết chúng tôi luôn cân nhắc mọi trường hợp thật cẩn trọng để bảo vệ chính bản thân mình và cộng sự.
Nếu từ thiện có thể trở thành một nghề chuyên nghiệp thì mọi thứ sẽ dễ dàng hơn
. Nhiều ý kiến cho rằng "từ thiện đang trở thành nghề" và nhiều người nổi tiếng đã dùng từ thiện để đánh bóng bản thân?
- Chúng tôi luôn xem làm từ thiện là một công việc là một nghề thật sự, chỉ có điều suốt 10 năm qua chúng tôi phải tự xoay sở và bù đắp các chi phí cho hoạt động của mình. Ở nước ngoài, các tổ chức từ thiện là một nghề đòi hỏi tiêu chuẩn rất khắt khe, lương bổng và chế độ đãi ngộ của CEO không thua kém gì các CEO trong lĩnh vực khác. Họ nghĩ rằng: nếu bạn tài năng mang về thật nhiều tiền, nhiều chương trình hiệu quả thì bạn xứng đáng nhận được những phần thưởng để bạn có thể toàn tâm toàn ý cho công việc. Bạn có lợi, nhưng xã hội có lợi hơn nhiều.
Còn ở ta thì khác, từ thiện là tự nguyện, và không có cơ chế cho phép anh có lương cao. Vậy thì ta sẽ không huy động được nguồn nhân lực tốt cho lĩnh vực này. Chúng ta đâu thiếu tiền đóng góp, thậm chí là rất nhiều, nhưng chúng ta không có đủ nguồn lực tốt để vận hành, phân phối và phát triển, để tạo ra nhiều chương trình hay, thiết thực, ý nghĩa. Đó là một sự lãng phí rất lớn.
. Anh có cho rằng sau những ồn ào vừa qua, nhiều người sợ không muốn làm từ thiện nữa không?
- Sau cơn mưa trời lại sáng, chuyện hôm nay đều là kết quả của những gì xảy ra hôm qua, ta biết rồi thì cố gắng cùng nhau sửa chữa, thay đổi. Tôi luôn tin và chờ đợi một ngày nào đó nhiều bạn trẻ sẽ khám phá ra kho tàng của bản thân mình, đó là sự chia sẻ, tha thứ, thương yêu mọi người cũng là thương yêu chính mình.
Làm từ thiện bình thường như đi uống café vậy thôi
Với cá nhân tôi, từ thiện là một điều hết sức bình thường, giống như đi uống café, không có gì là to tát, được xã hội tôn vinh. Vì từ thiện là một trách nhiệm và nghĩa vụ của ta với cuộc sống này, ai cũng vậy. Lớn giúp nhỏ, mạnh giúp yếu, người hạnh phúc chia sẻ với người bất hạnh đó là quy luật rất bình thường. Nhiều người rất dễ thương, sau nhiều năm tháng đóng góp cho từ thiện bỗng trở nên không còn dễ thương nữa. Đó là do chúng ta hay tôn vinh những điều đáng lẽ bình thường trở nên bất thường. Chúng ta chẳng cần phải làm gì thêm cả chỉ cần hiểu đúng và cảm nhận chân thật của việc cho đi, chia sẻ với những nỗi khổ niềm đau, thì tự thân từ thiện đã trở nên cao cả và hạnh phúc.
Bình luận (0)