Người đọc nhận thấy rõ khẩu khí của một người con nguyên quán xứ Nghệ luôn bộc trực, được sinh ra tại đất An Giang với chất Nam Bộ ngang tàng. Hai chất này hòa quyện, thể hiện rõ trong từng trang thơ của anh.
Một chút ngông nhưng chân thành, nghĩa khí:
"Mai ta đong rượu gạo đào/ vào núi nâng chén rót vào càn khôn/ học nhau giữ vía gìn hồn/ kính nhau cung cách sinh tồn như nhiên (Mời rượu càn khôn)".
Hiện thực xã hội đầy ắp trong thơ Thất Sơn. Anh nhận diện nỗi buồn:
"Làng quê thành đất dữ/ phố phường thành đất dữ/ lòng người thành đất dữ/ nhân tâm đâu đó thành đất dữ/... tiu nghỉu nỗi buồn không phát tiết được/ hút bóng buồn tao tác (Nỗi buồn không thậm xưng)".
Với anh, "đã đau, đau cạn nguồn/ đã buồn, buồn sạch vốn" (Ngất ngư). Anh dấn thân, nhập cuộc, sẻ chia qua những vần thơ. Đồng bằng châu thổ sông Cửu Long quê hương đầy lắng sâu, tình tự qua những phận đời, qua 6 câu truyền đời:
"Câu vọng cổ lêu bêu/ chung chiêng ánh bạc ngời mặt sông sóng sánh/ chữ tình rơi lưng chừng nhịp lỡ/ câu sáu chưa về buồn nát tiếng song lang (Cõi mang mang)".
Hoàng Văn Thất Sơn có nhiều câu thơ nhìn lại chính mình, đầy khắc khoải:
"Ta loay hoay trượt qua miền cảm xúc/ chai cứng, ung thư, băng hoại tâm hồn/ trên mặt nước dơ, dưới bầu trời ô nhiễm/ ta loay hoay kẹt trong đám dật dờ (Lầm)".
Và những "buồn cũ cứ lạc hoài vào thinh không", khiến anh lên tiếng gọi tha thiết:
"Người ơi/ câu hò mê chơi không về trên đồng không còn lũ/ Người ơi/ sự dối lừa leo thang/ nhẫn nại và chịu đựng lẫn nhau đang tì tì biến thể/ Người ơi/ còn hàng ngàn giá trị/ chờ người/ hay chờ ai? (Người ơi)".
Bên cạnh những câu chữ gai góc, phong trần, những suy tư đẩy tới cùng sự vật, phơi lộ những góc khuất, Hoàng Văn Thất Sơn có những câu thơ lãng đãng, đầy thi vị: "Gió lạc vờn ta mộng/ vàng thu rụng trễ tràng/ mùa tràn mùa bất tận/ mùa luyến mùa hợp tan (Tràn mùa)".
Những câu lục bát mềm mại, được dụng công khéo léo, đơn sơ mà vẫn toát lên cái tươi mới:
"Ngày mây rớt/ dậy thì bưng/ giọt mưa lịm/ ngọt đọt gừng xanh tươi/ đắng ngọt em/ ngọt đắng tôi/ mắt môi đắng ngọt/ cùng trôi bềnh bồng (Ngập ngừng)".
Biết bao nhiêu là thương sau những "bài tình" của Hoàng Văn Thất Sơn:
"Chờ em yêu lại từ đầu/ tay nâng cánh hạc bể dâu cũng đành (Lời thương)".
Trái tim yêu có thể không đủ lớn để chồng chất yêu thương nhưng nhịp đập vẫn đều, nếu có rớt nhịp thì cũng không buồn trách ai.
"Trái tim chờ lặng lẽ/ lặng lẽ mang yêu thương/ thơ đặt vào lồng ngực/ dệt mộng miền tha hương (Bài tình trái tim)".
Phải là người từng trải, nặng lòng với quê hương mới đem lại hình ảnh trái bần không chỉ như một ám ảnh về sự nổi trôi, phiêu dạt mà còn là cảm giác về nỗi mất mát riêng mang của phận người:
"Trái bần xưa trôi dạt tới phương nào/theo mùa/ con nước có gầy hao (Gầy hao)".
Để rồi, càng cần trân quý đời sống ta có hôm nay với những giá trị vĩnh hằng, như ánh sáng soi rọi nhân tâm:
"Cùng từ tạ đi em/ năm tháng đời đã cạn/ để là mình dù một lần duy nhất/ để dáng người in bóng phía nhân tâm (Tạ từ tình)".
Bình luận (0)