Nhạc indie (independent music - những ca khúc được sáng tác bởi nghệ sĩ độc lập, không phụ thuộc vào bất cứ nhà sản xuất, công ty âm nhạc nào) gần đây xuất hiện như một trào lưu, gây "nghiện" đối với người yêu nhạc.
Dễ được đón nhận
Ca khúc "Thằng điên" gây ấn tượng ở các thị trường V-pop, thậm chí lan tỏa sang cả Nhật Bản, Canada. "Thằng điên" với tiếng hát của Justatee và Phương Ly giữ vị trí đầu trên top trending của YouTube Việt Nam sau 2 ngày ra mắt, vị trí 39 trending Canada hay vị trí 18 trending Nhật Bản. Đây được xem là thành tích đáng kể với một MV (video ca nhạc) V-pop ở thời điểm hiện tại mà bất kỳ nghệ sĩ nào cũng mong muốn có được.
"Thằng điên" gây "sốt" bởi âm nhạc bắt tai, ca từ đẹp, cách gieo vần hay và không hề khiên cưỡng, những câu hát rất thơ như: hạnh phúc chỉ hết khi anh ngừng mơ/ cuộc sống vốn dĩ trôi như vần thơ/... mờ sương anh đưa tay ôm lấy em/dẫu biết chỉ là mơ" - cư dân mạng bình luận.
Ca khúc "Hongkong1" của Nguyễn Trọng Tài kết hợp với Sanji và DoubleX cũng đình đám không kém. Chất liệu của "Hongkong1" mang hơi hướng của lo-fi (low fidelity - âm thanh có độ trung thực thấp hơn tiêu chuẩn hiện đại thông thường) - thứ âm nhạc chậm rãi, có sự đan xen của dòng soul và jazz. Lo-fi vốn không quá cầu kỳ về nhạc cụ, chất liệu, thậm chí cả ca từ. Lo-fi thậm chí cho phép sự xuề xòa về âm thanh như đặc trưng riêng biệt.
Lo-fi mang đến những cảm xúc chân thành, mộc mạc và "Hongkong1" ra đời trong phút ngẫu hứng với bản demo trên bàn nhậu của Nguyễn Trọng Tài nổi bật chính nhờ những điều đó. Sự đơn giản tạo nên hiệu ứng và thành công bất ngờ cho "Hongkong1".
Những ca khúc indie mang sự sáng tạo bất tận với cá tính và cái tôi của người sáng tác. Ca khúc truyền tải thông điệp về cuộc sống, tình yêu cùng với những ca từ mộc mạc, dễ hiểu. Nhạc indie hiện thân cho sự tự do, cho tâm hồn của người nghệ sĩ và của những người đam mê âm nhạc muốn được đắm chìm trong chất nhạc đó. Vì vậy, có thể nói indie đã mang lại giá trị nghệ thuật và âm nhạc đích thực.
Trong thế giới internet toàn cầu, với sự xuất hiện của các trang nhạc như Soundcloud, Spotify..., việc xuất bản ca khúc của chính mình trở nên dễ dàng. Nhạc indie cũng chia ra làm nhiều thể loại như indie rock, indie pop và indie folk. Các thể loại nhạc này tương ứng với các nghệ sĩ độc lập. Đôi khi chính vì sự độc lập trong các sáng tác mà các nghệ sĩ được thỏa sức sáng tạo. Nói một cách thẳng thắn, đó là những ca khúc bất chấp xu hướng hay thị hiếu của khán giả. Tác phẩm ra đời đôi khi chỉ là sự ngẫu hứng, bằng cảm xúc bất chợt nhưng rất chân thành nên dễ được đón nhận.
Một buổi diễn giao lưu của Ngọt band. Ảnh: TRẦN MINH NGỌC
Những đại diện điển hình
Thành công của Ngọt band thời gian gần đây được ví như sự trỗi dậy của các nghệ sĩ âm nhạc indie - vốn chỉ được biết đến trong giới underground. Âm nhạc của Ngọt band lấy cảm hứng từ những điều rất giản dị trong cuộc sống theo cách nhìn rất riêng.
Những ca từ như "Em dạo này có còn xem phim một mình?/ Em dạo này có đồ ăn và shopping?/Ngày xuân em có xuống phố không người/Và tán dương cỏ cây lặng thinh?" ("Em dạo này" của Ngọt band) nghe rất đỗi bình dị nhưng lại rất đáng yêu. Điều này lý giải vì sao Ngọt band khiến khán giả cuồng nhiệt đến thế. Ngọt band mang đến cho khán giả thứ âm nhạc ngây thơ nhưng tràn đầy sức sống và triết lý sống của tuổi trẻ. Hai điều đối nghịch này trở nên hòa quyện trong giai điệu âm nhạc không khuôn mẫu của Ngọt band. Điều đó khiến Ngọt band trở nên khác biệt trên thị trường âm nhạc hiện nay.
Gần đây, những cái tên như Vũ, Thái Đinh, Hà Okio, Cá Hồi hoang, nhóm DaLab... chính là những đại diện thú vị cho indie Việt. Họ vẫn sáng tác, ca hát, hoạt động nghệ thuật đại chúng nhưng mỗi ca khúc dường như gắn liền với cảm xúc của nghệ sĩ, của bản thân chứ không hề chạy theo thị trường, thị hiếu khán giả. Người ta vẫn gọi vui các sáng tác của họ "rất nhiều tình" khi mang đến sự khoáng đạt, tự do bởi chất liệu, ca từ gần gũi với đời sống.
Lê Cát Trọng Lý cũng là một nghệ sĩ indie điển hình, thành công nhất tại Việt Nam. Có lẽ chưa có ca sĩ nào tổ chức live show phải tăng suất diễn trong cùng một ngày để phục vụ khán giả yêu nhạc như Lê Cát Trọng Lý. Những buổi diễn của cô không quảng bá ồn ào, thậm chí chẳng cần tiếp thị, quảng cáo nhưng vẫn cứ đông nghẹt khán giả và Lê Cát Trọng Lý cứ bận rộn với các buổi diễn đã lên lịch từ Bắc chí Nam.
Lê Cát Trọng Lý thành công ngay từ những sáng tác đầu tay như "Chênh vênh", "Cơn bão nghiêng đêm", "Chưa ai"... Những tác phẩm đầu tay của cô được đánh giá là có cá tính nổi trội hơn hẳn những nghệ sĩ cùng thời. Sáng tác về sau của cô mang vẻ trữ tình và triết lý cuộc đời sâu sắc hơn.
Tự do, độc lập trong sáng tạo
Chất tự sự chính là nét nổi bật trong những tác phẩm indie. Nghệ sĩ indie không bị đóng khung trong việc thu âm, đăng ca khúc lên mạng và không xuất hiện trước công chúng. Thỉnh thoảng, họ vẫn tổ chức đêm nhạc hoặc đi diễn ở một số chương trình. Khi đó, họ có thể trở thành nghệ sĩ lớn theo cách của nghệ sĩ indie: có lượng khán giả lớn hơn và không quảng bá hình ảnh như những ca sĩ thần tượng.
Tất cả nghệ sĩ indie không hoạt động hình ảnh mà tập trung thể hiện âm nhạc thuần túy. Đây cũng là sự khác biệt dễ thấy nhất giữa âm nhạc đại chúng với indie. Nghệ sĩ indie không chỉ tự sáng tác, trình diễn sản phẩm âm nhạc mà còn kiêm luôn nhiệm vụ phối khí, thu âm và phát hành, quảng bá. Quá trình sản xuất "tự mình làm tất" tạo cho họ một phong cách cũng rất "độc lập" mang màu sắc riêng.
Bình luận (0)