Tháng 4-1975, cách đây hơn 45 năm, trong đội hình Binh đoàn 232, Trần Thế Tuyển cùng đồng đội tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử hướng về Sài Gòn - Gia Định, góp phần kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Tháng 4-2020, kỷ niệm 45 năm ngày non sông gấm vóc thu về một mối, trong bối cảnh đặc biệt, cả nước đang gồng mình chống đại dịch Covid-19, tôi nhận được bản thảo tập truyện ngắn "Dòng sông cuộn chảy" (NXB Tổng hợp TP HCM xuất bản tháng 6-2020) của nhà báo - nhà thơ Trần Thế Tuyển. Tác giả gọi điện cho tôi: "Nhà nào ở nhà đó, do vậy phải tranh thủ cơ hội biên tập gấp tập 19 truyện ngắn, cho kịp tháng tri ân đồng đội".
Món nợ không bao giờ trả hết
Cùng một "lò" trui rèn, đào luyện từ quân đội, một thời cùng nhau tác nghiệp tại Báo Quân đội Nhân dân, nên tôi hiểu dụng ý của Trần Thế Tuyển, coi đây là một sản phẩm tinh thần dâng tặng các đồng đội yêu quý, hoặc họ đã anh dũng ngã xuống trong cuộc chiến, hoặc họ đang có mặt trên các nẻo đường của hậu phương hôm nay.
Trần Thế Tuyển từng nói trong một hội thảo khoa học của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP HCM: "Là người lính, viết về đồng đội là món nợ không bao giờ trả hết". Vừa là đồng đội, đồng nghiệp vừa là bạn bè thân quý, tôi gần như có đủ trên giá sách những tác phẩm của Trần Thế Tuyển. Đó là các cuốn sách đáng đọc, đáng suy ngẫm về mẹ, về cha, về quê hương và đồng đội.
Sau những "Dấu chân của Mẹ", "Ngực đá", "Câu hỏi đời người", "Dấu ấn", "Phía sau mặt trời", "Gió thổi miền ký ức"; "Kỷ niệm về anh ấy", "Hai mươi năm sau", "Quê hương và đồng đội", "Tiếng vọng", "Ký ức xanh", "Tiếng chim trong vườn"..., đến bây giờ là "Dòng sông cuộn chảy".
Bìa sách “Dòng sông cuộn chảy”
Nhận được bản thảo tập truyện ngắn "Dòng sông cuộn chảy", tôi đã đọc ngay, đọc một mạch cả buổi chiều và tối. "Dòng sông cuộn chảy", truyện ngắn thứ 19 được dùng làm tựa đề chung cho tác phẩm. Đọc truyện của Trần Thế Tuyển tôi liên tưởng đến một dòng sông Mê Kông, dòng sông quê Nam Bộ rất có hồn đang cựa mình, dòng nước trong xanh cuồn cuộn chảy, đổ về biển cả. Dòng sông hôm nay không còn giống dòng sông chở nặng phù sa của hơn 45 năm trước, khi từ thượng nguồn, người ta đã dựng nên những con đập thủy điện khổng lồ, xây các công trình thủy điện "hủy hoại" môi sinh vùng hạ lưu. Đó là dòng sông có thực trên đời, dòng sông mà hàng vạn người lính đã vượt qua, dòng sông với hàng trăm, hàng ngàn tấn bom đạn quân thù dội xuống, dòng sông nhuộm máu đào của chiến sĩ và đồng bào ta trong cuộc trường chinh vĩ đại giải phóng dân tộc.
Chùm truyện ngắn trong "Dòng sông cuộn chảy": "Cha con người lính", "Thầy Long của tôi", "Kỷ niệm về anh ấy", "Hằng", "Lô cốt", "Ngày và đêm", "Tiếng vọng", "Đêm vùng ven", "Hai mươi năm sau", "Đoạn cuối chiến tranh", "Đồng đội cũ", "Người về từ phía bên kia"... cho người đọc cảm nhận bút pháp văn học của Trần Thế Tuyển càng ở độ chín về tài năng. Một đồng nghiệp nhận xét: "Thơ và văn của Trần Thế Tuyển mượt mà, chất văn học và tân văn quyện chặt trong từng tác phẩm của người con quê hương thành Nam". Quả là một nhận xét chí lý. Nút thắt - kịch tính từng câu chuyện đến bất ngờ; cách miêu tả, lối kể chuyện rất có duyên mà đằm thắm; mộc mạc, dung dị mà rất nội tâm; lúc lãng mạn trong trẻo, khi dữ dội và quyết liệt của người lính nơi hòn tên mũi đạn, gắn với hậu phương, với cô thôn nữ - dịu ngọt hương bưởi sau buổi chiều muộn, quyện với hương bồ kết, được ngòi bút của Trần Thế Tuyển lột tả sâu sắc, lắng động, quyến rũ. Lối kể chuyện của Trần Thế Tuyển duyên ngầm, mới lạ, không theo lối cũ, không sáo mòn mà ta thường bắt gặp ở một số cây bút dễ dãi, non tay.
Nghĩa tình, nhân văn
Trần Thế Tuyển sống nghĩa tình, ngòi bút nhân văn, tình yêu dành cho mẹ, cho quê hương đất nước, đồng đội như mạch ngầm tuôn chảy. Điều bao trùm, xuyên suốt, cốt lõi trong hầu hết các tác phẩm thơ và văn cũng như trong tập truyện ngắn "Dòng sông cuộn chảy" là tình yêu quê hương đất nước, tình yêu lứa đôi của người lính bộ đội Cụ Hồ. Trần Thế Tuyển vẫn là một người lính trong thời chiến cũng như trong thời bình, khi đang trên chiến tuyến, hoặc lúc họ đã lùi về hậu phương luôn nhớ về đồng đội đã ngã xuống trên các chiến trường, trên con đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Cuộc vận hành chương trình "Nghĩa tình Trường Sơn" do Báo Sài Gòn Giải Phóng phát động, thời khắc mà Trần Thế Tuyển làm Tổng Biên tập, từ ngày ấy kéo dài đến hôm nay, với nhiều kết quả và ý nghĩa thiết thực.
Trần Thế Tuyển đã cảm - viết về đồng đội là món nợ đời - trần ai, viết mãi, viết suốt đời hôm nay và mai sau vẫn không đủ, không thể trả hết được.
Tháng 4-2020, lúc này đây, hàng vạn người lính thời bình đang ở tuyến đầu phòng chống đại dịch Covid-19, một lần nữa phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ đã, đang và vẫn lung linh tỏa sáng phẩm chất cao đẹp: Vì nhân dân mà chiến đấu, vì sự bình yên cuộc sống của nhân dân mà phục vụ.
Tôi không đi vào phân tích, cảm nhận nội dung từng truyện ngắn trong tác phẩm "Dòng sông cuộn chảy", việc đó xin dành để bạn đọc, đồng nghiệp và đồng đội yêu quý. Điều toát lên như một sự vĩnh hằng, lan tỏa cao quý đó là nghĩa tình đồng đội, sự tri ân những người lính - bộ đội cụ Hồ vẫn mãi mãi, không bao giờ ngừng nghỉ.
Trần Thế Tuyển với một trái tim luôn thổn thức, trách nhiệm, bản lĩnh, vững chãi trong mọi khó khăn, bão tố và ghềnh thác; luôn sống động cùng ký ức, trong ký ức với đồng đội. Trái tim ấy nồng ấm, cùng nhịp đập với non sông, đất nước nơi "Dòng sông cuộn chảy".
Năm 2020, sắp bước vào tuổi 70 - một Trần Thế Tuyển "Nghĩa tình Trường Sơn" vẫn trên từng cây số "tìm kiếm" đồng đội, đắm say lao động sáng tạo với từng con chữ, trang viết.
Quý lắm thay! …
Bình luận (0)