Trong những ngày giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, nhà thiết kế đồ họa trẻ này đã hoàn thành dự án ý nghĩa mang tên "Bội tự", chuyên cung cấp những thông tin về nghệ thuật hát bội thông qua những ký tự chữ cái theo phong cách đồ họa.
Theo nhiều tư liệu, hát bội hay còn gọi là hát bộ, hát tuồng… và là loại hình nghệ thuật truyền thống lâu đời của dân tộc. Ban đầu, hát bội chỉ được biểu diễn để vua quan thưởng thức trong cung đình nhưng về sau đã lan tỏa khắp thôn quê, được dân chúng yêu thích.
"Trong nhịp sống hiện đại ngày nay, loại hình nghệ thuật vàng son một thuở này đang phải đối diện nguy cơ mai một. Từ những lần được trực tiếp xem hát bội tại trường học, tôi đã bị thu hút bởi tính độc đáo của loại hình nghệ thuật này. Càng tìm hiểu, tôi càng yêu thích và ấn tượng. Thế nên, lúc đầu "Bội tự" đơn thuần chỉ là bài đồ án cho một môn học trên lớp với 11 chữ cái, nhưng sau đó, trong thời gian nghỉ dịch tôi đã phát triển thành dự án cá nhân với 22 chữ cái" - Nguyễn Phương Vy nói.
Sản phẩm của dự án “Bội tự” (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Để thực hiện dự án, cô tiếp cận 2 nguồn tư liệu là cuốn "Sổ tay hát bội" của tác giả Huỳnh Ngọc Trảng và "Nghệ thuật sân khấu hát bội" của tác giả Lê Văn Chiêu, cùng một số thông tin tìm kiếm trên mạng.
"Bội tự" có thể hiểu là nghệ thuật hát bội thể hiện qua ký tự chữ cái. Dự án bao gồm 2 phần: phần một là Typeface (kiểu chữ) được thiết kế theo hai định dạng Regular (bình thường) và Italic (in nghiêng) với sự tương phản mạnh giữa các nét thanh - đậm và các nét móc nhọn kéo dài lấy cảm hứng từ hình ảnh lông chim trĩ trên chiếc mão trong trang phục hát bội.
Phần hai là các chữ cơ bản trong bảng chữ cái được cách điệu, lồng ghép hình ảnh minh họa thể hiện cho nội dung liên quan hát bội gắn liền cụm chữ có ký tự đó đứng đầu.
"Đó là một việc làm hữu ích, thúc đẩy giới trẻ thích thú, tìm hiểu cội nguồn mà chung sức giữ gìn" - "Vua hát bội" miền Nam, NSND Đinh Bằng Phi, đánh giá.
Bình luận (0)