Sự nỗ lực của các nghệ sĩ đã nhận được những tín hiệu tích cực, nhiều bạn trẻ đặc biệt quan tâm đến loại hình nghệ thuật độc đáo này.
NSƯT Ngọc Khanh giao lưu với sinh viên tại chương trình giới thiệu sách về nghệ thuật hát bội
Biết rồi sẽ thích
NSƯT Ngọc Khanh, một trong những người tâm huyết với dự án quảng bá nghệ thuật hát bội cho giới trẻ, cho biết cứ vào mỗi chiều cuối tuần là tại tầng 4 chung cư Ngô Tất Tố (quận Bình Thạnh, TP HCM), sân chơi mang tên "Đường đến hát bội", lại sôi động hẳn lên bởi hơn 30 sinh viên tìm đến học hóa trang, vũ đạo, hát, múa.
Hiện nay, tiếng vang của các dự án như: "Vẽ về hát bội", "Vang vọng trống chầu", "Đường vào hát bội"… được thực hiện bởi thế hệ 8X, 9X là những tín hiệu vui bước đầu của những người thực hiện dự án quảng bá nghệ thuật hát bội cho giới trẻ. Mới đây, có thêm một không gian hát bội thông qua chương trình "Giữ lửa ngàn năm" do nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Thực hành FPT Polytechnic TP HCM tổ chức.
NSƯT Ngọc Khanh phấn khởi: "Biết rồi sẽ thích. Nếu không tạo điểm đến để người trẻ biết thì làm sao họ thích".
Vô số câu hỏi như: Tại sao hát bội còn có tên gọi hát bộ? Tính tượng trưng, ước lệ và cách điệu trong hát bội như thế nào? Các nhân vật dê xồm, người trung trực hoặc nịnh hót có nụ cười khác nhau ra sao? Lý do gì Tạ Ôn Đình trong tuồng "San Hậu" lại thích thở phì phì cho chòm râu bay lên? Tại sao nhân vật Khương Linh Tá bị chém đứt đầu vẫn tìm được đầu để gắn lên cổ? Các bạn trẻ đã thắc mắc và thật sự thích thú qua từng câu trả lời, phân tích của giới chuyên môn về hát bội.
Sau khi tham gia các trò chơi "khán giả cùng diễn như nghệ sĩ", bạn Tuấn Kiệt (quận 6, TP HCM) nói: "Em rất thích, sân chơi này vừa vui vừa mang đến nhiều điều lý thú, bổ ích".
"Cốt lõi vẫn là để các bạn trẻ tự khám phá, không thể biến những sự kiện thành bảo tàng viện mà phải để các bạn trẻ chạm tay vào. Tôi ứa nước mắt khi nhận được rất nhiều câu hỏi. Có quan tâm các bạn trẻ mới hỏi, có thắc mắc thì mới tìm hiểu. Đưa hát bội đến với các bạn trẻ không thể cầu kỳ, không thể giữ khoảng cách mà phải để họ cùng hòa mình vào bộ môn này" - NSƯT Ngọc Khanh nói.
NSƯT Ngọc Khanh hướng dẫn các học viên tại lớp học “Đường vào hát bội”
Thánh đường nghệ thuật
Trong kế hoạch chinh phục khán giả trẻ đến với hát bội, Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP HCM đã xác định nhiệm vụ lớn là phải tạo một thánh đường nghệ thuật đúng nghĩa chuẩn mực trong công tác biểu diễn, quảng bá.
Theo NSƯT Hữu Danh, các vở diễn được chăm chút thật kỹ từng khâu: kịch bản, đạo diễn, âm nhạc, trang phục, cảnh trí, âm thanh, ánh sáng, vũ đạo… "Chúng tôi cũng đã soạn sẵn những câu diễn dễ hiểu để sử dụng cho các suất diễn phục vụ khán giả trẻ nhằm truyền đạt một cách hiệu quả nhất về ngôn ngữ, hình ảnh, câu chuyện lịch sử với các bạn trẻ. Sau mỗi suất diễn, chúng tôi mời các bạn trẻ lên sân khấu cùng diễn lại vài động tác nhân vật mà họ thích. Hạnh phúc lắm khi mỗi suất đều có thêm nhiều khán giả trẻ bày tỏ yêu thích hát bội" - NSƯT Hữu Danh bộc bạch.
NSƯT Hữu Danh cho biết "thánh đường nghệ thuật" (tại sân đền thờ Vua Hùng, nằm trong khuôn viên Thảo Cầm Viên) dành cho các bạn trẻ thời gian qua thường xuyên sáng đèn vào sáng thứ bảy và chủ nhật cách tuần.
"Lúc đầu còn bỡ ngỡ nhưng dần dà qua mấy suất đi xem, em đã thật sự bị cuốn theo những tiết mục hát bội. Thế là em tiếp tục tìm hiểu, muốn mình trở thành đại sứ của hát bội" - bạn Lý Băng Băng (ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) chia sẻ.
Bên cạnh "thánh đường nghệ thuật", Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP còn tổ chức thường xuyên chương trình "Đưa hát bội đến gần với giới trẻ" thông qua chương trình sân khấu học đường. Được triển khai thực hiện từ năm 2002 đến nay, nhà hát đã kết nối và biểu diễn phục vụ tại khá nhiều trường học trên địa bàn TP.
Quả nhiên, để cuốn hút người trẻ, hát bội cần phải đồng hành với các bạn trong mọi ngóc ngách của đời sống. Muốn đạt được điều này, cần có 1 kế hoạch để các ngành cùng tham gia. Một khi người trẻ đã chịu tìm hiểu, đồng hành thì họ sẽ góp phần làm cho giá trị của bộ môn nghệ thuật truyền thống hát bội không bị lãng quên.
Bình luận (0)