Người xưa có câu "Thời gian như bóng câu qua cửa sổ". Ý ấy, là chiêm nghiệm thực tế thế sự đã qua. Có những người, những việc, những sự kiện tưởng như mới xảy ra hôm qua, ngày kia thôi, ấy thế mà nhìn lại, đã là cả một quãng dài sự chảy trôi của thời gian. Nói đâu xa, mới ngày nào Đường sách TP HCM (hay Đường sách Nguyễn Văn Bình) được mở ra thành tụ điểm văn hóa sách cho người dân TP HCM, thế mà nay đã 5 năm đi qua. Thời gian chưa dài, tuổi đời Đường sách còn trẻ, nhưng cũng là dịp chiêm nghiệm.
Trước khi có Đường sách, TP HCM cũng đã có những con đường mà khi nói đến, dân yêu sách đều nhớ là… con đường sách: Đặng Thị Nhu (Quận 1), đường sách cũ Trần Huy Liệu (quận Phú Nhuận), Trần Nhân Tôn (Quận 10) hay Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp). Nhưng đó đều là đường sách tự phát mà qua sự khắc nghiệt của thời gian với những áp lực về giá thuê mặt bằng, thị hiếu người đọc, đường hướng kinh doanh… nên những con đường sách ấy dần lụi tàn, hiệu sách cũ và mới vắng bóng dần, độc giả yêu sách mất đi những địa chỉ quen thuộc trên hành trang tìm kiếm tri thức.
Ôn cố vậy để thấy, sự ra đời của Đường sách TP HCM thực sự là một nhu cầu thiết yếu. Nó cần không chỉ với người đọc, mà cả với người làm nghề xuất bản, kinh doanh sách, người quản lý văn hóa nữa. Và có lẽ, đây cũng là đường sách đầu tiên ra đời có sự chung tay của chính quyền để hình thành một điểm đến văn hóa ý nghĩa của Thành phố.
Qua 5 năm hình thành, phát triển, Đường sách đã thực sự là một điểm hẹn, điểm đến văn hóa của những người yêu sách, và nói không ngại ngoa ngôn, nơi đây là một trong những dòng chảy tri thức của Thành phố. Hãy bỏ ra ngoài những số liệu thống kê định tính qua các năm về lượng sách bán ra, về lượng khách đến mua, tham quan... đó là những ghi nhận cần thiết để báo cáo, tổng kết của các đơn vị liên quan và nhà quản lý. Còn độc giả, hãy dùng hiểu biết, tình yêu với địa chỉ này mà cảm nhận, để thấy được những đổi thay.
Gói gọn chiều dài khoảng 100m, nhưng mát rượi dưới những vòm me xanh, đường Nguyễn Văn Bình không chỉ bao chứa trong lòng nó đơn thuần một chỉ dấu giao thông. Hơn thế nữa, con đường ấy là con đường nối dài của sự phát triển văn hóa.
Từ khi có Đường sách, những câu chuyện lịch sử, văn hóa... từ sách được kể trong một không gian thuần chất văn hóa chứ không chỉ giới hạn ở một sân khấu nhỏ hẹp, một khán phòng tận dụng nào đó. Giới làm sách và bản thân những cuốn sách nữa được sống đời sống của chính mình, xác lập vị trí trang trọng trong lòng độc giả.
Nhờ có Đường sách, nơi đây đã thành một địa chỉ quen thuộc để quảng bá sách của các tác giả, đơn vị xuất bản. Họ có một sân khấu riêng cho cuộc chơi của mình mang tính chủ động, không phải vất vả với việc tìm mặt bằng mỗi khi cần tổ chức sự kiện liên quan đến sách. Còn độc giả thì thỏa đam mê với sách khi đến nơi đây. Cũng từ đây, các NXB uy tín của Thành phố như NXB Tổng hợp TP HCM, NXB Trẻ… có thêm kênh quảng bá, khuếch trương thương hiệu, và nhiều công ty sách khắp cả nước như Nhã Nam, Đông A… tiếp cận gần hơn với độc giả thành phố phía Nam.
Hội sách thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ hai tại Đường sách với chủ đề "Mở trang sách - Vẽ ước mơ". Ảnh: Đình Ba.
Thực sự xúc động khi chúng ta được chứng kiến sự quan tâm của độc giả với sách vở, nó không chỉ ở lượng mua, mà điển hình cả qua các sự kiện ra mắt, giao lưu sách. Hãy xem những lần ra mắt sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (Làm bạn với bầu trời), Nguyễn Ngọc Tư (Cố định một đám mây)… fan (người hâm mộ) xếp hàng dài, kiên nhẫn đợi đến lượt nhận chữ ký tặng của tác giả mình mến mộ; hãy nhớ khi trời mưa tầm tã, nhưng tiếng đàn, lời ca của nhạc sĩ Trần Tiến vẫn vang lên trong sự yêu thương của độc giả buổi giao lưu sách "Ngẫu hứng", những lời tâm sự về chiến tích Thường Châu, ASIAD 2018 của tác giả Lê Huy Khoa, trợ lý ngôn ngữ của HLV Park về đội U23 Việt Nam buổi ra mắt sách "Phong cách quản trị Park Hang Seo" vẫn được bạn đọc chăm chú nghe…
Là một thành phố lớn của đất nước, sức mua, lượng độc giả sách là rất lớn. Dẫu thói quen mua sách của dân công sở đang bị các sàn thương mại điện tử quyến rũ, thay đổi, nhưng hấp lực tự nhiên của một không gian sách thực sự truyền thống như Đường sách luôn là địa chỉ quen thuộc để các "mọt sách" tìm đến mua sách.
Thể hiện sự trân trọng giá trị văn hóa từ sách là vĩnh cửu, Đường sách TP HCM không chỉ trưng bày, bán sách mới mà còn có không gian dành cho những cửa hàng sách cũ. Khi những con đường sách cũ Trần Huy Liệu, Trần Nhân Tôn ế ẩm, giá thuê mặt bằng tăng liên tục thì nơi đây thực sự là cứu cánh cho nhiều hiệu sách cũ có một địa chỉ để tồn tại, lưu giữ niềm đam mê và đến gần hơn với độc giả thực sự có nhu cầu.
Là Đường sách, nhưng hoạt động ở nơi đây không đơn thuần chỉ là những kệ gỗ, những trang giấy. Đường sách đa dạng các hoạt động văn hóa như giao lưu sách, trưng bày tác phẩm, tổ chức sự kiện văn hóa thành phố… cùng với đó là các dịch vụ đi kèm như cà phê, khu vui chơi trẻ em, thư viện qua xe buýt sách giúp nó trở nên đầy sức sống và hợp mọi lứa tuổi.
Bé gái hồn nhiên đọc cuốn sách yêu thích mặc mọi thanh âm ồn ã. Ảnh: Đình Ba
Đến đây, giới trẻ có một địa điểm để check-in sang chảnh; những cặp đôi chụp ảnh cưới, nhưng đơn vị, cá nhân quay MV, làm phim... sử dụng không gian văn hóa mà không lo mất phí. Qua đó hình ảnh Đường sách được quảng bá nhiều hơn. Và chẳng biết tự bao giờ, với sức hút của mình dù tuổi đời còn rất trẻ, Đường sách đã trở thành một chỉ dấu văn hóa quen thuộc cho du khách trong và ngoài nước tìm đến khi tới Sài Gòn – TP HCM bên cạnh những công trình, di tích văn hóa, lịch sử khác.
Kể vậy, mới cũng chỉ là dăm câu ba điều trong cảm nhận về Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh qua 5 năm!
Bình luận (0)