Nhiều khán giả bày tỏ sự thất vọng với "Gặp nhau cuối năm - Táo quân 2019"
Nhiều ý kiến bày tỏ sự thất vọng đối với "Gặp nhau cuối năm - Táo quân" ngay khi chương trình được phát sóng. Dù vẫn đề cập đến những vấn đề từng dậy sóng dư luận như chuyện cô giáo tát học sinh 231 cái, bắt học sinh uống nước lau bảng, chuyện phụ huynh bắt cô giáo quỳ trên sân trường, sách giáo khoa gây lãng phí, cô giáo lên lớp 6 tháng không hề "mở miệng"... hay tình trạng xuống cấp về đạo đức, người nhà bệnh nhân đánh bác sĩ, thực phẩm bẩn tràn lan, thuốc giả lộng hành, tài xế dùng ma tuý dẫn đến gây nên nhiều vụ tai nạn đau lòng… nhưng chương trình bị cho là đã mất đi sự thẳng thắn, mạnh mẽ của Táo quân một vài năm trước.
"Táo quân" chỉ "điểm mặt" một vài sự việc nổi cộm trong năm nhưng chương trình chỉ lướt qua thay vì đi trực diện vào những vấn đề nóng. Cảm giác chương trình đang mất dần tính phản biện vốn làm nên thương hiệu chương trình" - một khán giả cho hay. Nam ca sĩ T.H. chia sẻ quan điểm "cũng đủ để Táo dừng lại".
Chương trình gây thất vọng vì không chọn được những vấn đề nổi cộm làm điểm nhấn
Không chỉ gây thất vọng vì không chọn được những vấn đề nổi cộm làm điểm nhấn, "Táo quân" năm nay còn khiến khán giả thất vọng vì chèn quá nhiều thương hiệu, từ thời trang, hàng không, sâm, trang web bán hàng online… "Quảng cáo là điều không tránh khỏi, chúng tôi biết điều đó. Nhưng quảng cáo sao cho tinh tế, để khán giả chấp nhận được là điều mà những người làm chương trình cần rút kinh nghiệm" - khán giả Mai Phương (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.
Nhiều khán giả cũng phản ứng với việc chương trình để "Cô Đẩu" hoá thân vào vai đại gia cà phê để hàm ý chế diễu cá nhân
Nói về quảng cáo trong chương trình, nam diễn viên Trung "Ruồi", người vào vai Phó Thiên Lôi, phản hồi với báo chí rằng quảng cáo cũng giúp chương trình có thêm một khoản, chương trình được đầu tư nhiều hơn. Theo nhân vật trong chương trình "Táo quân" này, mọi người thấy thiết kế sân khấu và trang phục đẹp thì khen nhưng quảng cáo lại phản ứng. Tuy nhiên, nam diễn viên cũng đồng tình với quan điểm cần chừng mực với quảng cáo trong các sản phẩm phim ảnh.
Nhiều khán giả cũng phản ứng với việc chương trình đã để "Cô Đẩu" hoá thân vào vai đại gia cà phê với câu nói nổi tiếng "những người anh em thiện lành". Các khán giả cho rằng đại gia kia hoàn toàn là một người bình thường, không gây phương hại đến ai thì một đài truyền hình quốc gia không nên mang người ta lên sóng để chế giễu. Một facebooker nổi tiếng thẳng thắn cho rằng không nên đưa tín ngưỡng, đức tin của người khác ra để gây cười. "Tín ngưỡng của mỗi người, và tín ngưỡng của người ta không làm hại ai. Việc đưa ra như vậy để gây cười là điều không nên" - khán giả này nhận xét.
Thất vọng vì quá kỳ vọng?!
"Táo quân" nhiều năm thành công nên bây giờ vượt qua cái bóng của chính mình là rất khó
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng khán giả thất vọng là do đã quá kỳ vọng vào chương trình. Nhà báo Ngô Bá Lục cho biết mọi người chê Táo quân nhạt nhưng anh vẫn thấy bình thường. "Để cười sằng sặc như 8 năm trước thì khó, nhưng vẫn đủ để mình ahihihi. Mặc dù nhiều khi không khí hơi bị "chết" nhưng "Táo quân" vẫn chạm tới một số vấn đề nóng một cách khá tinh tế, kiểu "đá" cũng xéo xắt phết đấy" - nhà báo Ngô Bá Lục chia sẻ. Anh cũng cho rằng phần thích nhất trong Táo quân chính là câu chuyện "cười ra nước mắt" của bà cụ nghèo không được công nhận hộ nghèo. "Câu nói quan lấy tiền của dân thì được chứ dân lấy tiền của quan thì tội to lắm là quá xuất sắc. Chỉ cần đúng một vai diễn, một câu nói thôi đã đủ lột tả hiện thực xã hội rồi. Vậy còn đòi hỏi gì ở "Táo quân" nữa" - cây viết này cho hay.
Một khán giả cũng là nhà báo khác chia sẻ "Táo quân" nhiều năm quá thành công nên bây giờ vượt qua cái bóng của chính mình là vô cùng khó dù ê-kíp đã nỗ lực hết tâm sức.
Bình luận (0)