xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giải Mai Vàng 25 năm: Nhớ nhạc sĩ Nguyễn Nam!

Hữu Thân

Từng gắn kết với anh qua hoạt động của Giải Mai Vàng gần 10 năm, tôi nhận ra ở anh nghĩa tình sâu đậm dành cho Mai Vàng và những người tổ chức giải thưởng này

Ngày 31-10 tới là kỷ niệm 8 năm ngày mất nhạc sĩ Nguyễn Nam. Tám năm qua, cứ vào mùa Giải Mai Vàng là chúng tôi lại nhớ đến anh, người đã gắn bó với Giải Mai Vàng từ ngày đầu. Thường niên lúc còn anh, cứ khoảng thời gian này là anh em chúng tôi lại ngồi với nhau để tính sóng truyền hình cho các hoạt động của Giải Mai Vàng. Nhưng đã 8 năm rồi, việc ấy chỉ còn trong ký ức.

"Cứ réo anh Nguyễn Nam là được"

Nhạc sĩ Nguyễn Nam là Trưởng Ban Ca nhạc thâm niên nhất của Đài Truyền hình TP HCM (HTV). Nhạc sĩ Vũ Hoàng, một trong những sáng lập viên Giải Mai Vàng, là bạn thân với nhạc sĩ Nguyễn Nam, cùng sinh hoạt trong nhóm nhạc sĩ "Những người bạn" nên Giải Mai Vàng được Ban Ca nhạc HTV quan tâm hỗ trợ ngay từ đầu, gần như lễ trao năm nào nhạc sĩ Nguyễn Nam cũng điều xe màu đến ghi hình về dựng chương trình phát Tết, vì lễ trao giải diễn ra thường rơi vào ngày 23 tháng chạp âm lịch, giáp Tết. Tôi và nhạc sĩ Nguyễn Nam biết nhau rồi thân nhau từ đó. Sau này, khi nhạc sĩ Vũ Hoàng chuyển công tác, tôi là người thay anh Vũ Hoàng tiếp tục phát triển Giải Mai Vàng lên chuyên nghiệp, nhạc sĩ Nguyễn Nam còn hỗ trợ Giải Mai Vàng đắc lực hơn. Nếu đạo diễn Huỳnh Phúc Điền là người đầu tiên đưa lễ trao Giải Mai Vàng lên sân khấu chuyên nghiệp thì nhạc sĩ Nguyễn Nam là người giúp lễ trao Giải Mai Vàng lên sóng truyền hình trực tiếp đầu tiên.

Đó là năm 2003, khi quyết định đưa Giải Mai Vàng lên chuyên nghiệp, trong tình cảnh rất khó khăn, tôi cũng rất lo lắng. Vì ngoài việc phải dàn dựng chương trình sao cho thật ấn tượng của lần đầu trên sân khấu chuyên nghiệp, ban tổ chức rất cần được HTV truyền hình trực tiếp lễ trao giải để mở rộng phạm vi phổ biến và tầm ảnh hưởng của giải, tạo tiền đề phát triển cho các năm sau. Nhưng để được truyền hình trực tiếp chương trình trên HTV ở thời điểm đó là không dễ chút nào. Nhạc sĩ Nguyễn Nam động viên: "Làm đi, anh ủng hộ!".

Vậy là sau 8 năm tổ chức, lần đầu tiên Giải Mai Vàng được truyền hình trực tiếp lễ trao giải trên kênh HTV9 - Đài Truyền hình TP HCM, mở ra thời kỳ phát triển mới cho Giải Mai Vàng: chuyên nghiệp và đại chúng hơn. Sau này có dịp tìm hiểu, tôi mới biết để có được buổi lên sóng trực tiếp lễ trao Giải Mai Vàng năm đó, nhạc sĩ Nguyễn Nam phải ký cam kết bảo lãnh và hoàn toàn chịu trách nhiệm với Ban Giám đốc HTV về nội dung chương trình và những sai phạm xảy ra nếu có. Những năm đó, việc đưa được chương trình không phải phục vụ nhiệm vụ chính trị lên sóng trực tiếp là rất khó khăn, nhất là với Giải Mai Vàng lần đầu lên sân khấu chuyên nghiệp, chưa có gì bảo chứng về chất lượng và độ an toàn trên sóng.

Được lên sóng rồi cũng chưa yên. Đạo diễn dàn dựng chương trình ở sân khấu thường ít khi quan tâm đến thời lượng phát sóng trực tiếp nên cứ làm cho thỏa thích ý mình, vì vậy, lễ trao giải nhiều năm rơi vào tình trạng lố giờ phát sóng. Những lúc như vậy, chúng tôi lại réo nhạc sĩ Nguyễn Nam, chỉ có anh can thiệp may ra trực lãnh đạo của đài mới cho thêm thời gian. Có năm, lễ trao giải đang đến phần công bố 2 hạng mục quan trọng là Nam và Nữ ca sĩ nhạc nhẹ được yêu thích nhất thì sóng truyền hình bị cắt vì không thể kéo thêm được nữa. Khán giả theo dõi qua màn ảnh nhỏ không biết được kết quả mình đang mong đợi nên phản ứng rần rần. HTV bị công chúng mắng oan, nhạc sĩ Nguyễn Nam với tư cách Trưởng Ban Ca nhạc chịu trách nhiệm lên sóng lễ trao Giải Mai Vàng là người gánh hết. Một lần, trước giờ khai diễn, đạo diễn và biên tập xe màu yêu cầu tất cả video clip đưa lên sóng truyền hình trực tiếp đều phải có ký duyệt của Ban Giám đốc HTV. Những lần trước đó không có yêu cầu này nên các video clip giới thiệu đề cử của từng hạng mục tranh giải vẫn phát bình thường. Chúng tôi lại réo Trưởng Ban Ca nhạc Nguyễn Nam: "Anh ơi giúp em!". Nhạc sĩ Nguyễn Nam lại phải đứng ra bảo lãnh trách nhiệm để các video clip đề cử được phát sóng đúng theo kịch bản. Thử tưởng tượng nếu lúc đó không có nhạc sĩ Nguyễn Nam bảo lãnh thì lễ trao Giải Mai Vàng năm đó sẽ mất một phần ý nghĩa tôn vinh của buổi lễ trao giải vì các nội dung của video clip, trong đó có các gương mặt đề cử của 15 hạng mục trao giải không được lên sóng. Xong việc, anh em gặp nhau, anh bảo lúc đó vì tin chúng tôi nên anh cam kết miệng với ban giám đốc đài là nội dung không có vấn đề gì, anh đã được xem qua.

Sau lần đó, những người chịu trách nhiệm lên sóng lễ trao Giải Mai Vàng không còn yêu cầu phải có lãnh đạo đài ký duyệt nội dung trong các video clip phát kèm nhưng chúng tôi luôn ý thức phải kiểm soát chặt chẽ các nội dung này để không đẩy anh vào tình thế khó xử.

Giải Mai Vàng 25 năm: Nhớ nhạc sĩ Nguyễn Nam! - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Nguyễn Nam nhận Giải Mai Vàng 2009 hạng mục Chương trình truyền hình được yêu thích nhất dành cho chương trình “Thay lời muốn nói” của Ban Ca nhạc Đài Truyền hình TP HCM

Hết mình hỗ trợ cho Mai Vàng

Ngoài việc xin sóng truyền hình trực tiếp cho lễ trao Giải Mai Vàng hằng năm, nhạc sĩ Nguyễn Nam còn vận động Ban Giám đốc HTV hỗ trợ sóng truyền hình trực tiếp cho chương trình "Mai Vàng chào Xuân" phục vụ công nhân ăn Tết xa nhà, diễn ra ngay sau lễ trao giải. Chương trình "Mai Vàng chào Xuân" đầu tiên diễn ra tại Công ty Pou Yuen, quận Bình Tân, vào năm 2005. Lúc này ở đó chưa có cáp quang, HTV phải điều xe chảo thu phát sóng vệ tinh xuống tận nơi. Việc này quả thật không dễ dàng thực hiện với chúng tôi nếu không có nhạc sĩ Nguyễn Nam thuyết phục được ban giám đốc đài. Trong các năm từ 2006 đến 2010, Giải Mai Vàng mở rộng hoạt động với nhiều chương trình tiền Mai Vàng, đưa nghệ sĩ đến giao lưu, trình diễn phục vụ công nhân, sinh viên tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, các nhà máy, công ty có đông công nhân làm việc; các ký túc xá sinh viên trên địa bàn TP HCM và các tỉnh lân cận với hàng chục đêm diễn. Mỗi mùa tiền Mai Vàng, Ban Ca nhạc HTV lại đưa xe màu đến tận nơi thu hình đem về dựng chương trình phát sóng. Nhiều lúc tôi tự hỏi: Không có nhạc sĩ Nguyễn Nam làm "tay trong", liệu Giải Mai Vàng có được HTV ưu ái đến thế?

Các hoạt động trong khuôn khổ của Giải Mai Vàng những năm đó luôn được lên sóng HTV hoặc trực tiếp hoặc phát lại. Nhờ vậy, sức lan tỏa của Giải Mai Vàng ngày càng rộng lớn. Đồng nghiệp hỗ trợ nhau là lẽ thường nhưng hỗ trợ như những gì HTV đã làm cho Mai Vàng thời còn anh Nguyễn Nam là hơn mức bình thường và đáng trân trọng. Kể từ khi anh vĩnh viễn ra đi, HTV vẫn tiếp tục hỗ trợ Giải Mai Vàng trong nhiều năm sau đó nhưng trong những giới hạn nhất định.

Giải Mai Vàng 25 năm: Nhớ nhạc sĩ Nguyễn Nam! - Ảnh 2.

Nhạc sĩ Nguyễn Nam và nguyên Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Phan Hồng Chiến tại lễ trao Giải Mai Vàng 2009. (Ảnh Tư liệu Báo Người Lao Động)

Bài hát nào cũng đi vào lòng người

Sự nghiệp âm nhạc của Nguyễn Nam không nhiều tác phẩm nhưng bài hát nào cũng đi vào lòng người bởi giai điệu tươi vui, chứa đựng tinh thần lạc quan, yêu đời, niềm hy vọng vào tương lai tốt đẹp. Từ bài "Dòng sông và tiếng hát", "Hạnh phúc ở quanh đây" đến "Tình ca cho em", "Dịu dàng sắc Xuân"… đều mang tinh thần đó. Ngay ca khúc có giai điệu buồn như "Xa rồi mùa đông" cũng chỉ mang nỗi buồn man mác. Âm nhạc của anh gần gũi, đại chúng nên dễ đi vào lòng người nghe, được công chúng yêu thích. Hai lần anh đoạt giải do công chúng bình chọn yêu thích nhất của Giải Mai Vàng đã nói lên điều đó.

Các ca khúc của Nguyễn Nam thường đề cập mùa Xuân. Ca khúc anh viết đầu tiên khi còn tham gia phong trào đấu tranh của học sinh - sinh viên đô thị miền Nam trước năm 1975, "Trên dòng sông lịch sử", là ca khúc Xuân đầu tiên: "Mừng Xuân sang em chèo nhanh tay lái. Đón đưa người đón cả mùa Xuân. Mừng Xuân sang em ngắt cánh mai vàng. Hoa mai vàng thắm hồng ngày mới. Hoa mai này cho Tổ quốc em". "Dịu dàng sắc Xuân" là tác phẩm đỉnh cao của anh về mùa Xuân. Ca khúc này trở thành bài hát không thể thiếu trong các chương trình nhạc Xuân, trong các ấn phẩm âm nhạc về mùa Xuân phát hành trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Trong nhiều bài hát không mang chủ đề mùa Xuân của anh cũng ít nhiều có ý niệm mùa Xuân. Ở bài "Tình ca cho em" có những câu: "Hãy giữ lấy tình yêu giữ lấy mùa Xuân. Vì tình yêu là chiếc lá trên cành mãi màu xanh. Vì tình yêu là cánh én mang đến cho đời hạnh phúc mùa Xuân". Ngay bài "Dòng sông và tiếng hát" cũng có câu: "Dòng sông quê hương ơi dòng sông yêu thương, nghìn năm trôi qua Xuân đời thêm hương hoa"...

Phải chăng vì mùa Xuân thấm đẫm trong âm nhạc của anh nên dễ khiến anh trở nên nặng nợ với Mai Vàng - một giải thưởng mang biểu tượng của loài hoa đặc trưng mùa Xuân? Với tôi, người từng gắn kết với anh qua hoạt động của Giải Mai Vàng gần 10 năm, dễ nhận ra ở anh nghĩa tình sâu đậm dành cho Mai Vàng và những người tổ chức giải thưởng này. 

Nhạc sĩ Nguyễn Nam đoạt Giải Mai Vàng 2000 với ca khúc “Dịu dàng sắc Xuân” nhưng từ năm 1993, anh đã đoạt Giải Bình chọn Văn nghệ sĩ được yêu thích nhất trong năm (tiền thân của Giải Mai Vàng) với ca khúc “Tình ca cho em”.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo