Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 25 năm Giải Mai Vàng của Báo Người Lao Động, sáng 24-10, chương trình tọa đàm "25 năm Giải Mai Vàng" được tổ chức tại Nhà Văn hóa Thanh Niên (TP HCM) với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ ở lĩnh vực sân khấu.
Buổi tọa đàm sáng 24-10 ở Nhà Văn hóa Thanh Niên
Tiếp thêm lửa nghề
Trên chặng đường hình thành và phát triển, thành tựu của Giải Mai Vàng chính là tình cảm của công chúng, bạn đọc dành cho một giải thưởng vinh danh quá trình lao động nghệ thuật của nghệ sĩ. Mỗi giải Mai Vàng mà nghệ sĩ cầm được trên tay là kỷ niệm khó quên của họ trong hành trình dệt nên cái đẹp của nghệ thuật và giá trị nhân văn. Họ luôn xứng đáng với tình cảm của bạn đọc đã bình chọn cho mình.
Tham gia chương trình tọa đàm có NSND Kim Xuân, đạo diễn NSƯT Hoa Hạ, NSƯT Phương Hồng Thủy, NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Ngọc Trinh, nghệ sĩ Quốc Thảo, danh hài Minh Nhí, danh hài Tấn Beo, diễn viên Lê Khánh.
Các nghệ sĩ mang theo nhiều cảm xúc muốn được bày tỏ với bạn đọc của báo, thông qua kênh truyền hình của Báo Người Lao Động. NSND Kim Xuân mang theo chiếc huy hiệu Giải Mai Vàng 1997 (từ năm 2004 mới có tượng Mai Vàng như bây giờ), năm đó chị được công chúng bình chọn yêu thích vai người mẹ trong vở kịch truyền hình "Mênh mông tình mẹ". "Tôi lưu giữ huy hiệu Mai Vàng trong tủ, kỷ niệm này khó quên đối với sự nghiệp nghệ thuật của tôi vì nó truyền cảm hứng sáng tạo, là động lực cho tôi phấn đấu đến tận hôm nay" - NSND Kim Xuân xúc động nói.
Nghệ sĩ Kim Xuân phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đạo diễn NSƯT Hoa Hạ tâm sự chị học nghề đạo diễn kịch, sau này mới mày mò làm quen với công việc đạo diễn sân khấu cải lương. Giải Mai Vàng đã hun đúc trong chị nhiệt huyết phấn đấu không ngừng. "Năm 1997, tôi được bạn đọc bình chọn với vở kịch "Đèn lồng đỏ treo cao"; năm 1998, được bình chọn tiếp với vở cải lương "Cô đào hát". Điều này mang lại cho tôi niềm hạnh phúc lớn lao, thêm động lực mạnh mẽ để tiếp tục làm nghề" - NSƯT Hoa Hạ bày tỏ.
NSƯT Ngọc Trinh không quên thời còn là khán giả đi xem các nghệ sĩ nhận Giải Mai Vàng tại Công viên Văn hóa Đầm Sen và Khu Du lịch Suối Tiên đã say mê NSƯT Kim Tử Long như thế nào, đến nỗi nghệ sĩ Kim Tử Long dọn nhà đi đâu, diễn đoàn nào, chị đều biết vì hâm mộ. "Tôi chưa bao giờ ao ước mình sẽ chạm tay đến tượng Mai Vàng, thế mà nhờ đạo diễn Vũ Minh, năm 2005, tôi đã có vai Xàng trong vở "Trái tim nhảy múa" trên Sân khấu IDECAF, được khán giả - bạn đọc Báo Người Lao Động bình chọn Giải Mai Vàng; rồi đến năm 2014, vở nhạc kịch "49 ngày yêu" do tôi làm đạo diễn được bình chọn Vở diễn được yêu thích nhất của Giải Mai Vàng năm đó. Hai giải thưởng - 2 cột mốc đáng nhớ trong hành trang làm nghệ thuật của mình, từ thành quả đó, tôi có thêm động lực để phấn đấu đạt nhiều thành tựu và vinh dự được nhà nước trao tặng danh hiệu NSƯT" - Ngọc Trinh trải lòng.
Nghệ sĩ Quốc Thảo nhắc lại bước khởi nghiệp của mình với tấm bằng đạo diễn sân khấu, nhưng lại được biết nhiều qua vai trò diễn viên. Thế là sau 2 vở được đoạt Giải Mai Vàng dành cho nghề chính của mình là đạo diễn ("Yêu thầy" trên Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM năm 2000 và "Đêm tình yêu" trên HTV năm 2002), các sân khấu mới mời anh về dàn dựng. "Tôi mang ơn bạn đọc Báo Người Lao Động đã thắp trong tôi ngọn lửa đam mê, để quay về đúng với nghề được học, bên cạnh nghề diễn xuất tôi đã nỗ lực để được khán giả thương yêu" - nghệ sĩ Quốc Thảo xúc động nhớ lại.
Nghệ sĩ Kim Tử Long phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Truyền cảm hứng sáng tạo
Nhìn chiếc huy hiệu Mai Vàng mà NSND Kim Xuân mang đến, danh hài Minh Nhí xúc động nói: "Tôi được hai lần đeo lên cổ huy hiệu này. Một lần với vai người cha trong vở "Cha vợ mê bóng đá" trên sân khấu Nhà hát Hòa Bình năm 1998, một lần vào năm 1999 với vai Chổm trong vở "Vua trả nợ" của Sân khấu Kịch Sài Gòn. Giải Mai Vàng đã truyền cảm hứng cho tôi để luôn làm mới mình trong mắt khán giả. Điển hình là vai người cha năm 1998 chỉ là vai hài, theo xu hướng cười sảng khoái khi ủng hộ đội tuyển quốc gia thi đấu các giải quốc tế; năm sau, tôi nghiên cứu tìm cách làm mới mình, thay đổi chất. Tôi diễn vai hài nhưng khán giả phải khóc. Tôi cứ nằm gác tay suy nghĩ, phải chăng mình đã tìm đúng chìa khóa mở cánh cửa sáng tạo chất hài riêng của mình, đó là đi vào những số phận nhân vật, để tiếng cười mang nhiều ý nghĩa, vừa châm biếm vừa nhận diện mạo cuộc sống thông qua góc nhìn của người xem".
Diễn viên Lê Khánh thừa nhận cô tìm được cảm hứng sáng tạo nhờ Giải Mai Vàng dành cho mình sau vai Kay trong "Một cuộc đời bị đánh cắp", để rồi từ đó 3 vai diễn trong các vở lần lượt: "Ca sĩ ngôi sao", "Lẩu trăn", "Hồn bướm mơ tiên", cô nhận Giải Mai Vàng Nữ diễn viên sân khấu được yêu thích nhất nhờ dấu ấn sáng tạo trong diễn xuất.
Danh hài Tấn Beo kể rằng Giải Mai Vàng 2003 của anh được "Hoàng đế dĩa nhựa" Tấn Tài (HCV giải Thanh Tâm năm 1963 - PV) đi khoe khắp nơi: "Con tôi được Giải Mai Vàng, nó cũng được giải vàng như tôi, vậy là Tổ nghiệp phù hộ cho gia đình chúng tôi, có cha con cùng làm nghề, cùng được khán giả thương".
"Nhìn ba tôi vui, tôi càng ra sức sáng tạo để mong có nhiều vai diễn, vở diễn, bộ phim mới được khán giả yêu thích. Chính Giải Mai Vàng đã truyền cho tôi cảm hứng sáng tạo không ngừng" - danh hài Tấn Beo tâm sự.
Với NSƯT Kim Tử Long, sau hai lần đoạt giải qua vai Thi Sách (vở "Tiếng trống Mê Linh" - năm 2002) và vai Út cà lăm (vở "Bến phà kỷ niệm" - năm 2009), anh thừa nhận: "Tôi luôn động viên các diễn viên trẻ mỗi khi nhận vai rằng hãy cố gắng sáng tạo để vai diễn được đề cử Giải Mai Vàng. Điều đó, cho thấy đối với nghệ sĩ chúng tôi, Giải Mai Vàng rất uy tín, là niềm kỳ vọng để chúng tôi phấn đấu, tiếp nối những đam mê, sáng tạo nghệ thuật".
Buổi tọa đàm khép lại với bài hát "Dạ cổ hoài lang" (tác giả: Cao Văn Lầu), bản tổ của sân khấu cải lương, do NSƯT Phương Hồng Thủy trình bày thay cho lời tri ân của nghệ sĩ từng đoạt Giải Mai Vàng gửi đến khán giả, bạn đọc của báo. Các nghệ sĩ chúc mừng Giải Mai Vàng có được tuổi đời 25, chúc cho mùa Giải Mai Vàng lần thứ 25-2019 tiếp tục thành công rực rỡ.
Những đề xuất đầy trách nhiệm
NSƯT Kim Tử Long mong muốn Giải Mai Vàng mở riêng hạng mục diễn viên sân khấu cải lương, vì 2 năm gần đây, sân khấu xã hội hóa đã phát triển mạnh, nhiều vở diễn hay, bán được vé cho người xem.
NSND Kim Xuân cho biết sau chuyến đi nhận giải thưởng tại nước ngoài trong một liên hoan phim, chị thấy ban tổ chức ở đó làm rất bài bản khi đưa hình ảnh, clip trích các đoạn giới thiệu về vai diễn của người được đề cử trên các mạng xã hội. "Tôi nghĩ Ban Tổ chức Giải Mai Vàng nên áp dụng cách này, để có thêm kênh thông tin gửi đến bạn đọc kêu gọi sự đề cử, bình chọn của khán giả" - NSND Kim Xuân gợi ý.
NSƯT Kim Tử Long đề xuất thêm mỗi năm, mỗi hạng mục có 5 gương mặt được đề cử mà giải thưởng chỉ có một, 4 người không đoạt giải còn lại phải được Ban Tổ chức giải trao giấy chứng nhận đã được bạn đọc đề cử. "Như vậy sẽ trang trọng và người được đề cử thấy mình được vinh dự" - NSƯT Kim Tử Long nói. Anh cũng đề nghị trong những năm đánh dấu cột mốc như 25 năm, Ban Tổ chức nên trao thêm giải thành tựu và cống hiến cho những nghệ sĩ có nhiều dấu ấn nổi bật trong năm.
Bình luận (0)