Trở về ký túc xá sau một ngày dài trong bộ đồ bảo hộ, chúng tôi đứa nào cũng rã rời. Bấy giờ có lẽ đã gần 1h sáng, cả thành phố chìm trong tĩnh lặng, những ngọn đèn đường thao thức cùng bóng đêm. Tuy mệt nhưng chắc chắn rằng lòng ai cũng vui, vì được góp sức mình vào bộn bề các công việc chống dịch của thành phố.
Chúng tôi là những sinh viên khoa Y, Dược, Điều dưỡng, Răng Hàm Mặt, Y tế công cộng,… của Trường Đại học Y Dược TP HCM. Link đăng ký tình nguyện viên chống dịch vừa được thông báo trên trang facebook của trường, chỉ vài phút đã hết suất đăng ký. Ở phòng ký túc xá của cô bạn tôi, các chị em rủ nhau đăng ký đi cả phòng. Vừa về từ Hóc Môn, đã có thông báo chuẩn bị lấy mẫu ở Bình Tân. Lấy mẫu, truy vết, nhập liệu, điều phối, dán code… ngổn ngang công việc cần sự góp sức, chung tay của tất cả mọi người. Ai cũng hăng hái lên đường với các kỹ năng đã được trang bị, tập huấn, cùng sức trẻ và trái tim giàu nhiệt huyết.
Những ngày đầu chống dịch, thiếu đồ bảo hộ, người dân cần lấy mẫu rất đông, chúng tôi lại chưa quen với cường độ làm việc khẩn trương, kéo dài cả ngày, mọi người cùng nhau động viên, học hỏi lẫn nhau. Các thầy cô trong trường gửi những dòng thư, dòng tin nhắn đầy yêu thương để cùng cố gắng. Thành phố đang mùa nắng nóng, cả ngày trong bộ đồ PPE khiến mồ hôi túa ra ướt đẫm, tóc dính bết lại, hai bàn tay đeo găng phồng rộp. Nhưng chúng tôi vẫn nhận ra nụ cười dành cho nhau sau lớp khẩu trang. Đằng sau tấm chắn bảo vệ là những đôi mắt ngày đêm miệt mài, tập trung vào công việc. Có ngày, bắt đầu lấy mẫu từ 16 giờ chiều, rồi ở lại Trung tâm y tế để nhập liệu, mãi tới 2-3 giờ sáng mới xong. Để tiết kiệm đồ bảo hộ, chúng tôi hạn chế ăn uống, hạn chế đi vệ sinh vì khi cởi nó ra sẽ không sử dụng lại được. Có bạn cả ngày ngồi trước máy tính nhập liệu với hàng trăm thông tin của F1, F2, kể vui rằng trước khi chìm vào giấc ngủ, trong đầu vẫn còn xoay mòng những thống kê.
Các sinh viên Trường Đại học Y Dược TP HCM hỗ trợ người dân tiêm vắc-xin
Cùng trong đoàn hỗ trợ tiêm vắc-xin tại Nhà thi đấu Phú Thọ, cậu bạn học ở khoa Dược của tôi làm việc 12 tiếng, đứng điều phối từ sáng đến đêm. Mọi người cùng hỗ trợ cho nhau từ trong công việc đến hộp cơm, ly nước. Nhịp nhàng trong từng khâu hướng dẫn, đo sinh hiệu, tiêm vắc-xin, theo dõi sau khi tiêm, hỗ trợ cấp cứu. Sau 2 ngày, đang bị sốt nhẹ, nhức mỏi vì đã được tiêm vắc-xin mũi đầu, bạn nghe tin có ca dương tính trong khu vực làm việc hôm ấy. Bạn nhanh chóng được xét nghiệm, một ngày đợi kết quả trôi qua trong nỗi bồn chồn không yên, còn vì bạn đang ở trọ. Nếu có chuyện gì sẽ phải liên lụy nhiều người. Cô chủ trọ ruột gan nóng bừng, nhưng vẫn giữ bình tĩnh đợi kết quả. Thật may, cả đoàn đều âm tính. Tất cả những chuyện ấy, bạn đều giấu gia đình ở quê. Bạn sợ cả nhà lo lắng, sợ ba mẹ đêm dài trằn trọc, thao thức vì con. Nơi quê nhà của bạn, cũng đang xuất hiện những ca mắc đầu tiên…
Làm sao kể hết những ân tình, yêu thương mà tất cả mọi người đã trao cho nhau, những ngày thành phố gian nan trong đại dịch. Nghe tiếng gọi từ mảnh đất đã vun đắp bao ước mơ, bao con người, chúng tôi – những sinh viên Y đã chọn nơi này để gửi gắm hoài bão của mình, luôn sẵn sàng cùng thành phố vượt qua sóng gió. Lòng yêu thương bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, bình dị nhất. Bao mệt mỏi dường như bị xua tan bởi tiếng cảm ơn chân thành, bởi tinh thần vì nhau mà tiếp tục nỗ lực, bởi tất cả niềm trân quý. Nghe thông báo cần hỗ trợ từ đội này, đang ở phường kia, các bạn từ nhà trọ, từ ký túc xá vội vàng đến nơi, mỗi người một việc. Khuya hôm trước nhận lệnh, sáng hôm sau có mặt đúng giờ, dẫu bao thiếu thốn và rủi ro vây bủa. 23 giờ đêm, kết thúc một ngày dài ở vùng dịch, cô bạn của tôi đã mang những suất cơm đi loanh quanh biếu những người vô gia cư gần đó. Bạn hy vọng sẽ san sẻ chút ấm áp trong mùa dịch này, dẫu là nhỏ bé, cho nhiều phận người còn lao đao.
Một người bạn khác cùng lớp với tôi, từng ngày đợi khu phố bạn sống kết thúc thời hạn cách ly, kết quả xét nghiệm âm tính, liền đăng ký đi chống dịch. Chúng tôi luôn vững tin rằng thành phố sẽ kiên cường vượt qua, sớm trở lại bình yên bằng tất cả ý chí, lòng bao dung, sự đồng lòng như người thành phố xưa nay vẫn vậy. "Lửa thử vàng, gian nan thử sức". Có trải qua những lúc như thế này, mới biết quý những ngày bình thường, biết trân trọng từng khoảnh khắc giản dị. Dẫu lâu rồi chưa được về nhà, dẫu nguy cơ lây nhiễm cao, nhưng sau tất cả, chúng tôi thấy mình từng ngày trưởng thành. Chúng tôi nhận ra tất cả đang sống đúng nghĩa với tuổi thanh xuân năng động và cống hiến. Những ngày này chúng tôi sẽ không thể nào quên, là kỷ niệm đẹp của năm tháng sinh viên nhiều mơ ước.
Hôm trước đi ngang qua góc đường Hai Bà Trưng – Lý Tự Trọng, có người đàn ông lam lũ ngồi bán me cùng tấm biển: "Hạnh phúc là gì?". Tôi chợt nghĩ hạnh phúc với chúng tôi trong những ngày này là được cống hiến. Là khi nghe tin nhiều bệnh nhân đã được xuất viện. Thành phố của những ân tình, rồi sẽ chiến thắng. Sự sống, qua cơn phong ba, vẫn bền bỉ như ngọn lửa ngầm nhóm lên từ sức mạnh của yêu thương.
Còn 6 ngày sẽ hết hạn gửi bài dự thi Thơ và Tạp bút
Chỉ còn 6 ngày nữa (ngày 15-7), cuộc thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng" sẽ kết thúc nhận bài dự thi.
Cuộc thi đã bắt đầu từ ngày 10-4, thu hút đông đảo bạn đọc tham gia và Ban Tổ chức đã chọn đăng các bài đạt chất lượng trên báo in Người Lao Động số ra chủ nhật và trên Người Lao Động Online.
Mỗi thể loại dự thi có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải.
Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".
Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn
BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Bình luận (0)