Ăn cơm uống nước ở TP HCM từ năm 2000 nhưng thú thật là đến giờ này, chỉ cần tôi đi khỏi nhà trên 5km là thế nào cũng lạc đường. Có thể vì tôi không có khiếu nhớ đường, cũng có thể vì những đường ngang ngõ tắt dày đặc đan xen nhau của thành phố, cộng thêm cái nắng rát khiến tôi hoa mắt. Nhưng có hề gì, tôi vẫn đang sống mạnh khỏe, bình yên ở thành phố này...
Một lần trên phốm trời bất chợt mưa. Tôi leo lên lề mở cốp xe lấy áo mưa, hợt nhìn thấy đôi vợ chồng đứng co ro dưới hiên. Không ngần ngừ, tôi đưa áo mưa đang cầm trên tay cho họ. Sau khi biết trong cốp xe tôi còn hai cái áo mưa nữa, họ mới chịu nhận và tất nhiên là không quên cảm ơn.
Cốp xe đối với phụ nữ là cái nhà kho với đủ thứ đồ thiết yếu. Tôi luôn bỏ vào đó ba cái áo mưa cho ba mẹ con, hai mũ bảo hiểm, bịch khăn giấy, mấy miếng băng gạc cá nhân, chai dầu gió, sợi dây vải, mấy cọng thun... và tất nhiên là một ít tiền lẻ phòng khi xe hết xăng, xẹp lốp. Đồng nghiệp vẫn đùa, trộm lấy xe tôi sẽ được tặng thêm tiền xăng. Tôi chỉ cười, nhớ về ba cái xe máy bị mất của nhà mình.
Tôi không xài dầu gió, có lần đi làm về thấy đám đông và nghe tiếng ai kêu: "Ai có dầu gió cho xin miếng coi!" một phụ nữ len lỏi chạy tới: "Dầu nè, dầu nè!" hóa ra phía trong đó có người bị ngất xỉu, người ta giật tóc cạo gió cho chị. Tôi về cũng mua chai dầu bỏ giỏ, mấy lần cũng có tác dụng. Lần đó thấy người ta xúm đông, tôi chạy xe chậm lại, buột miệng: "Cần dầu gió hông?" lập tức có tiếng trả lời: "Người ta té gãy chân má ơi, dầu chi?" tôi quê xệ, cười he he. Về kể, người ta kêu tôi nhiều chuyện. Nói thế nhưng cũng có người lặng lẽ đi mua chai dầu, mấy cái băng keo bỏ vào cốp "phòng khi cần".
Quê thì quê vậy nhưng tật "nhiều chuyện" tôi không bỏ được. Sinh ra và lớn lên ở làng quê nên tôi thích làm quen nói chuyện với hàng xóm, bạn bè. Có những bạn bè đến từ những lần nhắc nhau: "tắt xi-nhan chị ơi!", hoặc khi đi sửa xe, lần sau quay lại bơm, tôi đã bị "xua đuổi": "Đi đi, tiền bạc gì!", tôi mang câu chuyện đi kể quanh, lần sau ghé lại, anh thợ cười khà khà: "Bữa có mấy người tới sửa xe nói quen em nè. Làm mai duyên ghê bây, cảm ơn nhiều nghe!"
Ngoài bạn bè, tôi có mấy đứa em mọc ngang hông và bị tụi nó níu bất cứ lúc nào. Đứa này đứa kia ở tuốt bên kia thành phố nhưng có gì cũng khoe, đứa mua nhà (dù chạy sút dép vay nợ), đứa mua xe, đứa có chương trình từ thiện tuốt vùng sâu vùng xa, níu áo: "Tiếp em với!".
"Tiếp" là những lời kêu gọi, chia sẻ bài viết và chương trình của tụi nó, nhưng đừng có đóng góp gì vì ngay từ đầu tôi đã bị đe: "Chị một mình với hai đứa nhỏ, ủng hộ tinh thần được rồi".
Đám thanh niên đẹp trai xinh gái, có công ăn việc làm đàng hoàng, có đứa đi du học về... nhưng vẫn đồng lòng dậy từ ba giờ sáng ra bến xe nhận trái cây, về cân đo đong đếm để hết giờ công sở mới đi giao từng ký bơ, ký khoai, ký mít... dù vậy vẫn nhắc nhau xài bịch giấy vì thành phố mình gánh nhiều rác lắm rồi.
Những người trẻ của thành phố này rất năng động, tích cực trong các hoạt động xã hội. Trong ảnh: Đoàn viên Chi đoàn Báo Người Lao Động tặng khẩu trang cho người dân ở quận 12, TP HCM Ảnh: LONG XUÂN LÝ
Cứ âm thầm thế mà đám trẻ làm được khá nhiều chuyện, Tết có việc của Tết, lễ có chuyện của lễ, cùng những chuyến đi xây thư viện, làm đèn mặt trời, trao quà cho học sinh ở điểm trường xa hút mà xe phải dừng cách đó gần chục cây số. Những thùng hàng lúc này lại nằm trên lưng của chàng trai cô gái mới hôm qua còn váy công sở, giày cao gót hay sơ mi trắng đóng thùng.
Quen biết họ, tôi thôi không còn ngạc nhiên khi thấy tủ bánh mì "ai cần lấy một ổ", những bình nước đá miễn phí đặt ở ngã tư hay những lời chỉ đường nhiệt tình của bác xe ôm, chị bán tạp hóa. Thấy mặt tôi cứ ớ ra, chú sửa xe ngoắc một thanh niên mặc áo bảo hộ vừa trờ tới: "Chú em, có đi tới khúc đó không, cho cô này đi ké với!"
Đến nơi, tôi mới biết người thanh niên này và chú thợ kia không quen biết gì nhau. "Chú ngoắc thì tấp vô thôi!" anh cười bằng mắt đáp lại lời cảm ơn của tôi, anh hòa vào đám đông, lưng áo bảo hộ bị gió lùa căng phồng lên. Và học theo kiểu của chú thợ, tôi nhún vai: "Thiệt hết nói nổi!"
TP HCM là thế, hết nói nổi, hết hiểu nổi nhưng thật ra có rất nhiều điều để nói, để hiểu, để cảm và rồi thương yêu cứ lần lượt kéo tới.
Hơn hai mươi năm, ở đất này tôi có nhiều mà cũng mất nhiều. Tôi nghĩ đơn giản những thứ mất là những thứ mình vô duyên, dù là cái điện thoại, cái xe máy hay người mình nghĩ sẽ sống đời. Còn những thứ có là duyên lành mình xứng đáng được nhận, như những cây xanh bóng mát vẫn kiên trì che nắng cho dòng người xe, như những ngọn gió vẫn chạy len lỏi giữa những hẻm hun hút. Trừ qua sớt lại, tôi nhận ra, mình đang sống ở đất này bằng thứ duyên lành.
Con trai đầu của tôi năm nay vào đại học, tôi nhăm nhe đợi con lớn sẽ buông tay, về quê sửa lại cái chuồng gà, kiếm ít thùng xốp trồng ít rau, nuôi một con chó và một con mèo. Kế hoạch là thế, nhưng chắc còn lâu tôi mới có thể thực hiện được.
Ở đây, tôi không có người thân bà con, nhưng có lắm người quen và hai con tôi, chúng sẽ ở lại đây học hành, làm việc... cùng những duyên lành, mỗi ngày một chút một chút neo tôi lại với đất này.
Còn 7 ngày sẽ hết hạn gửi bài dự thi Thơ và Tạp bút
Chỉ còn 7 ngày nữa (ngày 15-7), cuộc thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng" sẽ kết thúc nhận bài dự thi.
Cuộc thi đã bắt đầu từ ngày 10-4, thu hút đông đảo bạn đọc tham gia và Ban Tổ chức đã chọn đăng các bài đạt chất lượng trên báo in Người Lao Động số ra chủ nhật và trên Người Lao Động Online.
Mỗi thể loại dự thi có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải.
Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".
Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn
BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Bình luận (0)