Bất ngờ tại Hội thảo Đàn tranh lần 1 và chương trình "Việt Nam sắc hương xưa lần 10" vừa diễn ra tại Seattle - Mỹ, tôi có dịp gặp GS Nguyễn Châu. Nhanh nhẹn, hoạt bát dù đã gần 70 tuổi, giáo sư xuất hiện giản dị nhưng phát biểu ấn tượng. Từ California, ông bay đến Seattle cùng với các học trò, bên cạnh nhạc cụ chủ đạo bắt buộc phải mang theo là đàn tranh, GS Nguyễn Châu không quên cây đàn cò đã gắn bó cùng ông trên bước đường dấn thân vào nghiệp đam mê âm nhạc dân tộc.
Mê đàn cò từ 10 tuổi
Năm 10 tuổi, GS Nguyễn Châu đã được gia đình cho học nhạc tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn (khoa nhạc dân tộc), nay là Nhạc viện TP HCM. Sau khi tốt nghiệp, giáo sư được trường giữ lại phụ giảng bộ môn nhạc cụ truyền thống, lúc đó ông mới 17 tuổi. Ông học nhiều loại nhạc cụ nhưng thích nhất đàn cò.
GS Nguyễn Châu trao học bổng âm nhạc cho em Quang Huy (14 tuổi) của Đoàn Văn nghệ Dân tộc Hướng Việt
Nhớ về tuổi trẻ, ông cho biết khi học đàn cò, ông phải học lén lút, nói với má may cho cái bao giống như áo gối để bỏ đàn vô giấu. Vào trường trung học, ông không dám nói với bạn bè là mình học đàn cò, đàn tranh vì sợ bạn chê cười. "Ngay trên đất nước mình mà mình cũng không dám nói học đàn của đất nước mình thì thật là buồn. Buồn hơn là nhiều người ở Việt Nam cũng không biết tên các nhạc cụ dân tộc, trong khi rất rành tên các nhạc cụ Tây phương. Nghĩ đến đó tôi quyết đưa tiếng đàn cò đến với mọi người. Trong tất cả các chương trình biểu diễn ở các nước, tôi đều cố tình giới thiệu đàn cò Việt Nam. Khi thì song tấu với tranh, tam tấu với kìm, bầu hoặc hòa tấu với dàn nhạc giao hưởng phương Tây" - ông bày tỏ.
GS Nguyễn Châu tặng hoa chúc mừng các NS đàn tranh của Đoàn văn nghệ dân tộc Hướng Việt
Đam mê cứ thôi thúc ông học sao cho giỏi như danh cầm Chín Trích đờn cò (thân phụ của nghệ sĩ Tú Trinh - PV) dạy học viên cải lương cùng Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn. Ngoài học ở trường, ông tự mày mò học bằng cách tìm đến nghe các nghệ nhân đờn cò kéo đàn. "Nhờ vốn liếng tiếng Pháp, tiếng Anh nên tôi tìm đọc sách để nhận biết, so sánh đờn cò của Việt Nam với các nước: Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, Lào, Ấn Độ, thậm chí các nước Trung Đông, Hàn Quốc... tìm tài liệu và nghiên cứu để biến hóa thêm cho sự đa dạng của đàn cò khi đưa ra biểu diễn với dàn nhạc quốc tế" - GS Nguyễn Châu say sưa kể.
GS Nguyễn Châu (trái) với nghệ sĩ đàn tì bà Nguyễn Thanh (Nhạc viện TP HCM) trong chương trình "Việt Nam sắc hương xưa"
Theo ông, đàn cò đã xuất hiện rất lâu đời ở Việt Nam. Khi nói đến đàn cò, mọi người nghĩ đến nhạc cụ đám ma nên ít ai học. Nhưng bây giờ nhiều người thích học, vì tiếng đàn được cải tiến, nghe rất réo rắt giống như tiếng đàn violon của Tây phương.
"Trên thế giới, Trung Quốc phổ biến cây đàn Erhu của họ rất mạnh. Vì họ phát triển quá mạnh, nên khi đi học, nếu chúng ta không cẩn thận, không để ý sẽ đánh đàn cò Việt Nam thành ra đàn cò Trung Quốc lúc nào không hay. Nên nhớ, đàn cò Việt Nam kích thước nhỏ hơn đàn Erhu, âm thanh đàn Erhu tương đương với đàn hồ hoặc là đàn gáo của Việt Nam vì tiếng trầm hơn đàn cò" - GS Nguyễn Châu phân tích.
Gần 30 năm ươm mầm
Sau khi định cư tại Mỹ năm 1987, GS Nguyễn Châu tiếp tục trình diễn và giảng dạy nhạc dân tộc. Năm 1989, ông cùng GS Nguyễn Thị Mai, vũ sư Lưu Hồng thành lập Đoàn Văn nghệ Dân tộc Lạc Hồng tại Orange County, bang California và hoạt động đến ngày nay. Trong bao nhiêu năm hoạt động nghệ thuật, GS Nguyễn Châu đã đào tạo hàng trăm học viên cho bộ môn âm nhạc truyền thống. Ngoài giảng dạy, ông còn sáng tác nhiều tác phẩm cho đàn cò, đàn tranh, đàn nhị, bầu, nguyệt, tì bà... làm giàu thêm kho tàng sáng tác âm nhạc dân tộc Việt Nam: "Bài thơ trên võng", "Những dòng sông quê hương", "Chiều trên cao nguyên", "Về miền sông nước", "Bài ca sông núi", "Miền đất quê hương"... Ông đặt nền tảng cho việc soạn giáo trình dạy và học đàn tranh, cò, kìm... qua internet và nhiều ứng dụng công nghệ khác.
GS Nguyễn Châu trình diễn (trống) cùng các nghệ sĩ trong chương trình "Việt Nam sắc hương xưa" lần thứ 10
Ông đi theo con đường GS-TS Trần Văn Khê, thi vào đại học âm nhạc Mỹ, trở thành giáo sư giảng dạy, từ đó trao truyền kinh nghiệm cho nhiều thế hệ học trò. Ở hải ngoại sau gần 30 năm giảng dạy, trình diễn và tiếp xúc với nhiều nhóm hoạt động trong lĩ̃nh vực âm nhạc dân tộc ở Pháp, Mỹ, Canada, Na Uy, Úc..., GS Nguyễn Châu nhận thấy phong trào âm nhạc dân tộc ở hải ngoại đã nhân rộng, tạo hiệu quả tốt đẹp trong việc giữ gìn cội nguồn dân tộc, đồng thời thu hút thêm sự giao lưu văn hóa quốc tế khi chính ông có nhiều học trò người Mỹ, Canada, Pháp... đang học đàn cò. Có thêm nhiều sinh viên các quốc gia chọn âm nhạc truyền thống Việt Nam để làm luận án tiến sĩ mà ông đã "đỡ đầu" cho họ. Đó là cách nuôi dưỡng tinh thần dân tộc, truyền đạt cho thế hệ trẻ giữ gìn nguồn cội quê hương.
Thiếu kế hoạch lâu dài cho nhạc dân tộc
Trả lời câu hỏi bằng cách nào thu hút giới trẻ học âm nhạc truyền thống trong xu hướng ngày nay, GS Nguyễn Châu nói: "Tôi nghĩ tại hải ngoại, để làm công việc này không dễ. Đừng bao giờ nói các em là người Việt Nam thì các em phải biết về âm nhạc Việt Nam, phải biết và tìm học âm nhạc Việt Nam. Câu nói đó đúng với chúng ta. Đối với các em, các em nghĩ mình là người Mỹ, chỉ có gốc Việt Nam thôi. Các em chỉ thích suy nghĩ và phát biểu bằng tiếng Mỹ, thích âm nhạc của Mỹ cho nên phải tạo sân chơi cho các em. Như chương trình "Việt Nam sắc hương xưa" và hội thảo đàn tranh là điển hình tiêu biểu, để thu hút các em đến sân chơi bổ ích, thiết thực".
Ông cũng trăn trở về tình hình âm nhạc dân tộc tại Việt Nam. Theo ông, có lẽ so với các nước, ngành âm nhạc dân tộc cổ truyền của chúng ta không được tổ chức đầy đủ để phát triển, không có hệ thống đào tạo hay phổ biến quy mô như những nước khác. Nếu so sánh với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ..., chúng ta thua xa lắm. Lý do là nhà nước thiếu kế hoạch lâu dài.
"Các em bên đây học nhạc thì bán chuyên nghiệp và muốn tiến thêm cũng không biết tiến về đâu, muốn về Việt Nam học cũng không có môi trường để dụng võ. Chính như thế mà người ta chỉ thích trình diễn có tính cách là vui chơi hát xướng hời hợt, nghe tai này qua tai kia chứ không ai để ý đến những chuyện văn hóa cần đầu tư sâu rộng" - GS Nguyễn Châu bày tỏ.
Bình luận (0)