xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gió ấm xuân quê

Phi Tân

Giáp Tết - những ngày mong ngóng nhất của bọn trẻ trong một năm. Tôi trở về nhà cũ ở quê, ngồi trước thềm trong chút gió bấc se se. Ngọn gió cuối năm lành lạnh báo Tết sắp về. Gió những ngày giáp Tết không rờn rợn như ngày bão lũ, không lạnh giá như tiết đông chí, không mát rượi như nồm mùa hạ.

Tôi bất chợt gọi tên cơn gió cuối năm là gió ấm.

Gió ấm thổi về ngang qua những ngày cuối chạp để vườn nhà bừng lên sắc ấm của mấy luống hoa vạn thọ. Vậy là vườn nhà đã khoác áo mới đón Tết. Chiếc áo ấm rực rỡ sắc màu ấy phải chăng đã khiến cơn gió lạnh ngang qua những luống hoa kia phút chốc thành gió ấm.

Gió ấm  xuân quê - Ảnh 1.

Ảnh: Nguyễn Đức Trí

Mới hôm nào, sau những ngày dịch Covid-19 là bão lụt tơi bời, những cây hoa vạn thọ gầy guộc được dân quê tôi tranh thủ ươm xuống đất vườn tơi xốp, ủ thêm lớp rơm khô, lót thêm lớp phân heo mục. Người trồng rau, trồng hoa cũng là trồng niềm hy vọng xuống đất. Hoa vạn thọ đứng cây, nảy cành, phát triển rất nhanh. Thọ cam thân màu xanh, thọ vàng thân màu tím, thọ trắng thân màu mỡ gà. Nhìn vào thân cây sẽ biết ra hoa màu gì. Có khi, không gặp may, trồng phải giống thọ cồi, hoa trổ ra chỉ lơ thơ vài cánh, cái cồi to ở giữa nở vào cuối năm, nhìn buồn muốn khóc.

Nhớ những đêm trời lạnh buốt dạo quê nghèo chưa có điện, nhà nào cũng phải thắp đèn dầu tỉ mẩn bắt sâu cho những luống vạn thọ đang đơm búp. Những con sâu chỉ chờ bóng tối mới bò lên từ đất, ăn nát những búp hoa, lộ nguyên hình dưới ánh đèn.

 Rồi ngọn gió tháng chạp mang theo muôn trùng sợi mưa phùn. Mưa phủ một lớp màu trắng sữa lên thảm hoa vạn thọ.

Tôi thường ngồi trước hiên nhà, ở một vùng ngoại thành xứ Huế. Lòng nhẹ tênh ngắm chiếc áo cỏ hoa vườn nhà đang được mưa thêu thêm màu sắc và cơn gió cuối năm thổi qua vườn nhà đã ấp iu hơi ấm từ màu hoa vạn thọ báo Tết đang về.

Rồi những cái Tết khi chưa có dịch, cả nhà tôi sẽ tập trung đông đủ để làm bánh in, còn gọi là bánh giấy. In là gọi theo cách làm bánh, có cái khuôn bằng đồng hình vuông để in bánh từ bột và đường. Gọi là bánh giấy là vì được bọc bằng những tờ giấy mỏng. Sau này, bánh được bọc bằng giấy bóng nhiều màu đẹp mắt. Ở phố người ta gọi là bánh ngũ sắc.

Trên cái phản, mạ (mẹ) đều tay trộn đường với bột. Ba thì in bánh. Trời lạnh, bên cạnh phản, ba sẽ đốt một bếp củi để nấu nước châm trà. Tôi được thức khuya phụ ba mạ làm bánh, được uống trà cùng ba, nghe chương trình "Tiếng thơ" của Đài Tiếng nói Việt Nam, nghe cả tiếng mưa phùn thấm qua mái tranh nhỏ đều từng giọt tóc tách sau vườn.

Trời có lạnh tới chừng nào đi nữa thì những đêm như thế vẫn là không gian và thời gian ấm áp, yêu thương nhất của một năm. Mùi thơm từ bột bánh, từ nước trà, từ khói bếp và cả mùi thuốc lá quyện vào nhau như một làn gió ấm áp trong ngôi nhà nhỏ. Đó cũng là mùi của Tết.

Ngày Tết, trên bàn mỗi nhà ở quê tôi đều có bánh in, bánh thuẩn và bánh bài nhưng ít ai ăn bánh bài nên thường sau Tết, người ta bới bánh bài theo khi đi làm đồng. Hương vị Tết cứ rứa kéo dài tới ra giêng cùng hương đồng gió ruộng.

Về làng những ngày cuối năm, tôi thích nhất vẫn là vào chợ quê ăn sáng. Tôi thường ghé vào hàng bánh canh để nghe dì bán bánh canh và mấy o, mấy dì xúm nhau ôn chuyện làm ăn. Rồi chuyện mâm cúng tất niên. Những chuyện không đầu không đuôi mà khi đi xa nhớ mãi.

Nhớ những món ăn nghèo mạ chế biến theo cách riêng để đàn con được ngon miệng hơn trong ngày Tết. Là rau muống luộc bóp tiêu muối với rau húng quế. Là bột lọc luộc lên bóp với tóp mỡ. Ngày Tết trong chạn bếp luôn sẵn rau xà lách và kiệu muối. Đàn con đi chơi lung tung về hối mạ xuống bếp nấu cơm ăn với xà lách bóp và kiệu muối chấm nước mắm.

Hương vị Tết xưa của nhà tôi sẽ không thể thiếu mùi nước mắm biển. Mùi nước mắm kho thịt heo chiều 30 Tết sực nức cả gian bếp, bay ra ngoài sân, ngoài ngõ. Mùi và vị nước mắm cùng mùi từ dưa món, bánh chưng, bánh ú, bánh giầy... là mùi Tết quê nhà. Từ ngày 29 tháng chạp đến mùng 3 Tết, bếp luôn đỏ lửa. Cứ thơm hăng hăng mùi khói củi nấu bánh, mùi kho xào các món cho mâm cỗ cúng tất niên, từ bình nước pha trà tiếp khách.

Có những Tết mưa phùn gió bấc giá lạnh, chúng tôi đi chơi về là sà vô bếp tìm thức ăn. Ở đó có một ngọn gió ấm thổi từ tình thân của mẹ với những món ăn vừa ngon vừa nóng, như ngọn gió ấm quê nhà thổi mãi an lành trong tôi khi mùa Tết đang về, dù mạ đã đi xa! 


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo