Năm 2018, khi tiểu thuyết "Giữa hai chúng ta" của Sally Rooney (Phạm Thu Hà dịch, I Love Books và NXB Thế Giới ấn hành năm 2020) lọt vào danh sách đề cử giải Man Booker, ít nhiều gây được ngạc nhiên với độc giả bởi tác giả của cuốn tiểu thuyết này (tên gốc: "Normal People") năm đó mới 27 tuổi.
Thế giới của thế hệ Millennials
Dù tiểu thuyết "Giữa hai chúng ta" cuối cùng không đoạt giải Man Booker nhưng tiếng vang của nó thì không dừng lại. Tác phẩm giúp đưa tên tuổi Sally Rooney lên hàng ngũ những nhà văn đại diện cho thế hệ Millennials (hay quen gọi là Gen Y), một thế hệ cá tính, dễ tiếp thu và cởi mở với những vấn đề mới.
Hai nhân vật chính của "Giữa hai chúng ta" cũng giống như nhà văn Sally Rooney đều thuộc thế hệ Millennials. Rooney viết về những người trẻ ở Ireland, cuộc sống ở một thị trấn với các mối quan hệ gia đình bạn bè. Họ chỉ là những người bình thường giữa cuộc đời này, lẫn trong dòng người. Không có những cuộc phiêu lưu, những tham vọng, thế giới của "Giữa hai chúng ta" là tiểu vũ trụ của những cá nhân cô đơn trên con đường trưởng thành. Trong tiểu vũ trụ đó, hai nhân vật Connell và Marianne như 2 ngôi sao tình cờ bay vào quỹ đạo của nhau.
Bìa cuốn tiểu thuyết “Giữa hai chúng ta” xuất bản tại Việt Nam
Sally Rooney đưa tiểu thuyết của mình về một chủ đề căn bản, giản dị được khai thác mòn sáo đến mức lắm khi bị xem thường: ái tình. Chàng gặp nàng. Nàng yêu chàng. Họ chia ly. Và giữa đó là một quãng thời gian dài của chờ đợi và nhớ mong. Một mô-típ quen thuộc khiến "Giữa hai chúng ta" thành dễ đoán.
Nhưng sự cuốn hút của tác phẩm này không đến từ những nút thắt - mở hay cái kết gây bất ngờ mà đến từ quá trình trải nghiệm lúc đọc. Thông qua 2 đại diện Connell và Marianne, nhà văn diễn tả nỗi băn khoăn của một thế hệ đi tìm mình, một thế hệ cảm thấy lạc lõng trong chính sự bình thường của môi trường xã hội, sự vô nghĩa của thời gian vẫn tiếp tục không ngừng cuốn những con người bình thường tới trước.
Tiếng nói mới trong văn chương
Sinh năm 1991, Sally Rooney được xem là tên tuổi nổi bật nhất trong những nhà văn cùng thế hệ. Tiểu thuyết đầu tay của cô, "Conversations with Friends" xuất bản năm 2017, kế đến là "Giữa hai chúng ta". Chỉ hai tiểu thuyết và một số tác phẩm đăng báo, cô được đông đảo độc giả yêu thích, thậm chí việc chụp hình cùng những cuốn sách của cô để đăng lên các trang mạng xã hội được xem là sành điệu.
Ta nhớ những hiệu ứng tương tự từng xảy ra với tiểu thuyết của Haruki Murakami hay xa hơn là tác phẩm "Nỗi đau của chàng Werther" của văn hào Goethe đã gây ra hiện tượng tự sát bắt chước nhân vật Werther. Sally Rooney bị biến thành một nhà văn thời thượng dù các nhân vật của cô có vẻ lúc nào cũng đi nghịch lại khái niệm thời thượng. Họ hiếm khi nào là trung tâm, ở Connell và Marianne trong "Giữa hai chúng ta" lúc nào cũng cảm giác "lệch pha" so với phần còn lại. Họ chỉ được là họ và cảm thấy thoải mái khi ở cạnh nửa còn lại của mình.
Nhà văn xây dựng một trạng thái mơ hồ, phi lý để diễn tả nội tâm phức tạp của những người trẻ thường bị cho là hời hợt. Độc giả sẽ thắc mắc 2 con người gần nhau đến vậy và cần nhau đến vậy nhưng đồng thời lại cách biệt nhau nhiều đến thế. Sally Rooney không đưa ra lời giải thích nào hữu lý, mà có lẽ cô cũng không có lời giải thích. Bởi các nhân vật của cô có khi cũng không hiểu nổi mình nữa.
Các nhân vật của Rooney không vượt quá độ tuổi của cô, họ sống trong môi trường cô sống, học trong ngôi trường cô từng học. Thế giới trong tiểu thuyết của Rooney là một thế giới như cô thấy, một thế giới hẹp, không cần tuyên ngôn. Nhưng cả trong thế giới hẹp ấy, cả khi không có những bi kịch lấy nước mắt, những tuyến nhân vật đa dạng đan xen thì nó cũng phức tạp biết bao.
Đó là lý do Sally Rooney cùng với "Giữa hai chúng ta" được yêu thích bởi đại chúng (1 triệu bản đã được bán ở Vương quốc Anh) và được công nhận bởi giới chuyên môn. Cuốn tiểu thuyết đạt danh hiệu "Tiểu thuyết Ireland của năm" và Giải Costa cho tiểu thuyết xuất sắc nhất. Thành tựu đó, với một tác giả trẻ thật đáng nể phục.
Bình luận (0)