Mấy tuần qua TP HCM căng lên vì dịch, có lúc khiến lòng tôi như chùng xuống. Tôi may mắn hơn bạn bè mình vì đang ở một thành phố chưa bị bùng dịch. Nhưng người ở nơi này mà tâm trí đặt hết cả về TP HCM.
Chắc cũng nhiều người như tôi, những ngày qua dành nhiều thời gian đọc tin về nơi này, đặc biệt đọc những tin tức ấm áp về những người nghèo được giúp đỡ từng hộp cơm, gói mì. Hình ảnh ngơ ngác khắc khoải giấu sau ánh mắt buồn hiu của họ, tôi chỉ nhìn được qua những bài báo, nhưng cảm thấy như họ ngay đây, cạnh mình. Bởi tôi từng có những ngày chạy xe vài ba chục cây số từ nhà ở Biên Hòa về nội thành TP HCM để làm việc.
Tôi hoàn toàn có thể tìm một nơi gần nhà để đi làm cho tiện. Nhưng những ngày băng qua mưa và nắng, đi đi về về giữa TP HCM và Biên Hòa làm việc, có lúc tưởng như kiệt sức trên đường, thì hôm nay, hơn lúc nào hết, ký ức về những ngày đi làm xa ấy, dội về rõ nét hơn bao giờ hết. Bỗng dưng nhớ đến cồn cào cảm giác chạy xe buổi sáng đi qua cầu Hóa An, đi qua Dĩ An, tới ngã tư Linh Xuân, tới cầu Bình Triệu, qua vòng xoay Điện Biên Phủ, quẹo vào Nguyễn Đình Chiểu rồi vòng vèo qua dăm ba con đường nữa, nối từ Bình Thạnh sang quận Ba rồi tiến vào quận Nhất, quận Năm. Không có ngả đường nào tôi không nhớ, giờ đây, chợt lắng xuống bởi nỗi buồn đại dịch. Hơn lúc nào, rất thèm cảm giác chạy xe máy đi từ Đồng Nai về Sài Gòn, gặp bạn bè, dẫn nhau đi cà phê, ăn bún đậu, trưa nắng đi trong một con hẻm ở Trần Đình Xu và nói nhiều chuyện linh tinh trên trời dưới đất, như rất nhiều dân văn phòng khác.
Thế rồi cứ ngồi nghĩ ngợi. Ở nhà lâu ngày làm người ta đâm ra già nua, hay băn khoăn và nhất là nhớ. Nhớ những cái rất buồn cười, tưởng như là mình sẽ chẳng bao giờ nhớ những điều nhỏ bé như thế. Mà lúc xa bạn bè, xa đồng nghiệp lại cứ nghĩ ngợi dài dòng, khó tả.
Nhớ Quân, một cậu đồng nghiệp cũ, cứ trưa nắng gắt là hai đứa cùng với Xuân, Tuấn Anh lang thang qua Trương Định, Võ Văn Tần ăn mì xào bò, uống nước cam và tám chuyện công việc. Quân hay nói về những người nổi tiếng bằng sự hào hứng, phấn khởi, khiến buổi trưa của chúng tôi chưa có lúc nào cảm thấy buồn ngủ. Nhớ cái giọng điệu Hà Nội của nó, vừa nói vừa mơ màng nhìn ra khoảng trời xanh ngoài cửa, không biết bao giờ mới ngồi lại với nhau như thế.
Nhớ Kim, lâu lâu hai đứa hò hẹn nhau trốn sếp đi ra khỏi công ty sớm một chút, để làm một việc rất… "cao cả và thiêng liêng" như chúng tôi vẫn thường mặc định với nhau, đó là ra đường sách Nguyễn Văn Bình chụp ảnh… tự sướng. Và chỉ một trưa ngắn ngủn ở thành phố phương Nam này chúng tôi có thể chụp cho nhau cả trăm bức ảnh mà bức nào cũng thấy hài lòng. Bây giờ Kim theo chồng qua Đức, lâu lâu tôi chạy xe máy qua tòa nhà văn phòng của Kim, dừng lại chụp một cái hình, gửi cho Kim và nhắn: Công ty của bà đây. Hôm qua Facebook nhắc lại kỷ niệm trưa nào đó hai đứa "váy ngắn chân cong" đi chụp hình, sao mà nhớ những năm tháng thanh xuân quá chừng, trôi vèo qua trong sự chứng kiến của một thành phố luôn đầy ắp tình người ấm áp.
Mong TP HCM sẽ vượt qua đại dịch, đường sách TP HCM và các hoạt động khác của TP trở lại nhịp sống bình thường Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Rồi nhớ, quán bún đậu ở Trần Đình Xu, trưa đông nghẹt người, rặt là dân văn phòng kéo nhau qua ăn. Bao nhiêu là chuyện, dài lê thê như phóng sự không hồi kết chúng tôi đã nói với nhau bên chén nước mắm đậm đà, bên dĩa bún đậu giòn thơm. Ở đó, những câu chuyện tầm phào, hỉ nộ ái nố đều có cả, thêu dệt lên một quãng đời vừa vui vẻ, vừa nhọc nhằn. Nhưng hơn cả, nó cho chúng tôi những sợi dây vô hình mà không dễ đứt: Tình đồng nghiệp!
Cái số tôi hay đổi việc, có khi vài năm lại đi qua một chỗ làm mới. Lúc đầu, tưởng mình cá biệt, sau này hỏi đồng nghiệp mới thấy nhiều người như mình. Vì thế, càng ở TP HCM lâu, tôi càng có nhiều bạn bè. Có người từ sơ giao mà thành thân tình, thương nhau một cách trọn vẹn trước rất nhiều biến cố, thăng trầm. Có phải vì thế, khi xa TP HCM, ngoài những điều như hai mùa mưa nắng hay những quán cà phê nhiều phong cách, nhớ nhất vẫn là tình người, vẫn là đồng nghiệp, rồi lẩm cẩm ngồi đếm xem, suốt hai mươi năm gắn bó với TP HCM, ta có bao nhiêu đồng nghiệp rồi nhỉ, rồi lần ra cả những người có lúc chợt quên, bây giờ sống ra sao, giữa những ngày dịch này? Nhưng tôi vẫn mong và tin rằng, những người dân thành phố này, trong đó có các bạn của tôi, sẽ vững vàng vượt qua những tháng ngày gian nan, sẽ chiến thắng dịch bệnh, để thành phố trở lại nhịp sống bình thường và lại băng băng tiến về phía trước, ngày càng phát triển, mạnh giàu.
Còn 3 ngày sẽ hết hạn gửi bài dự thi Thơ và Tạp bút
Chỉ còn 3 ngày nữa (ngày 15-7), cuộc thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng" sẽ kết thúc nhận bài dự thi.
Cuộc thi đã bắt đầu từ ngày 10-4, thu hút đông đảo bạn đọc tham gia và Ban Tổ chức đã chọn đăng các bài đạt chất lượng trên báo in Người Lao Động số ra chủ nhật và trên Người Lao Động Online.
Mỗi thể loại dự thi có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải.
Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".
Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn
BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Bình luận (0)